Sự kiện hot
13 năm trước

Sinh viên nghèo ăn cháo, ngủ nóc nhà vệ sinh

Văn Tuấn (quê Ninh Bình) vừa tốt nghiệp lớp 12 đã được gia đình chi hơn 20 tỷ đồng mua nhà ở phố Chùa Bộ (Hà Nội). Ngược lại, không ít sinh viên đang sống trong cảnh ăn cháo, vay mì tôm, đạp xe "xà tàng".

Văn Tuấn (quê Ninh Bình) vừa tốt nghiệp lớp 12 đã được gia đình chi hơn 20 tỷ đồng mua nhà ở phố Chùa Bộ (Hà Nội). Ngược lại, không ít sinh viên đang sống trong cảnh ăn cháo, vay mì tôm, đạp xe "xà tàng".

Trái với cuộc sống vương giả của Tuấn, Phạm Quốc Đạt (quê Kim Sơn - Ninh Bình, Sinh viên ĐH Công nghiệp) sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, ngay từ lớp 1, Đạt đã sống lay lắt.

Tốt nghiệp cấp 3, Đạt thi đỗ ĐH. Biết tin con thi đậu, bố mẹ Đạt vừa mừng vừa lo vì không biết lấy tiền đâu để chi trả quá trình học của Đạt. Lúc đó trong nhà có mấy tạ thóc mới thu hoạch, bố mẹ cậu bán vội để lấy tiền cho Đạt lên Hà Nội học.

Có đên xóm trọ của Đạt tại Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) vào ngày cuối tháng 5 mới thấy xót xa cho những mảnh đời sinh viên khốn khó. Mới 21 tuổi mà trông dáng Đạt khắc khổ, tong teo, tóc dài trùm mang tai vì không có tiền cắt tóc.

Cách đây vài tháng, khu trọ của Đạt bị đạo chích tháo mất chiếc máy bơm, thấy mọi người hô hoán Đạt cũng đuổi theo tên trộm, nhưng chạy được vài trăm mét thì bị người dân tóm vì trông cậu giống kẻ trộm. Cũng may nhóm sinh viên cùng dãy trọ kịp giải thích không thì cậu đã ăn đòn oan.

Phòng trọ của Đạt rộng khoảng 8m2, ở chung với 4 sinh viên đến từ nông thôn. Dù đã bật đèn điện, căn phòng vẫn tối, nền nhà ẩm thấp, chỉ có một cái chiếu cói cũ bẩn trải tạm trên tấm dát giường, vài bộ quần áo nhăn nhúm, mấy cuốn sách và chiếc bàn học cá nhân có thể gấp lại khi không dùng đến.

Phạm Tuấn Đạt tự sửa nhà vệ sinh.

Thử mở nồi cơm điện, chúng tôi thấy bên trong toàn cháo. Hỏi về mức chi tiêu hàng ngày, Đạt và mấy người bạn cùng phòng thở dài: "Bọn em đều nghèo, vài tháng bố mẹ mới gửi lên cho ít tiền, còn lại đều trông chờ vào tiền đi gia sư, hoặc đi chạy bàn ở quán bia hơi, cà phê… Đợt nào phải đóng học phí đồng nghĩa với việc ăn cháo, ăn mì tôm cả tháng".

Sống chen chúc trong phòng trọ hẹp, bẩn là cảnh thường thấy với sinh viên tỉnh lẻ, nhưng chúng tôi chưa từng thấy khu nhà vệ sinh nào khủng khiếp như ở đây.

Dãy nhà trọ có 7 phòng, mỗi phòng từ 3 – 4 người, song chỉ có 1 nhà vệ sinh tạm. Mỗi lần các bạn nữ tắm rửa hoặc đi vệ sinh đều phải nhờ bạn bè canh chừng, bởi cánh cửa duy nhất đã bay bản lề, thay vào đó là tấm nhựa dựng tạm.

Nguyễn Văn Tuấn (sinh viên ĐH Bắc Hà) thuê trọ tại khu Triều Khúc (Thanh Trì) từ một năm nay. Quá hạn nộp tiền nhà cả tháng, chủ nhà đã khóa trái cửa phòng trọ, Tuấn phải ngủ nhờ trên nóc nhà vệ sinh công cộng mấy đêm liền. Cũng may mấy bạn gái cùng xóm trọ thương tình, cho “vay” mì tôm ăn qua ngày.

Cùng cảnh ngộ với Đạt, Tuấn, nhiều bạn còn phải sống kham khổ hơn. Trần Thế Tài (quê ở Hà Nam, sinh viên ĐH Bắc Hà), vì không xin được suất ở trong ký túc xá nên lang thang hết khu trọ này đến nhà trọ khác, ở ghép cùng với 4-5 bạn.

Tư trang của Tài duy nhất là 2 bộ quần áo đi học và 2 bộ để mặc ở nhà, cộng với chiếc xe đạp "cà tàng". Đợt nào Hà Nội mưa nhiều, cả tuần, Tài mới dám thay một bộ quần áo. Buổi sáng dậy chỉ lấy vài hạt muối trắng súc miệng rồi vội vàng đến lớp.

May là tháng trước, Tài xin được chân chạy bàn ở quán bia hơi, lương 1,7 triệu đồng/tháng kèm ăn tối nên mới dám bỏ tiền ra mua đôi giày, bộ quần áo, bàn chải, kem đánh răng.

Ở với “ổ nhền nhện”

Trần Văn Hải (sinh viên ĐH Thương Mại), trọ ở khu Mễ Trì (Từ Liêm) cho biết, ngoài việc thường xuyên thiếu tiền trả phòng trọ, thiếu tiền ăn, có lúc cả nhóm phải rủ nhau đi trộm rau. Hải cho biết, làm việc này chẳng tốt đẹp gì, nhưng nhiều lúc đói quá nên cứ làm.

Có thời gian gia đình chưa kịp gửi tiền lên, mấy bạn phải ăn mì tôm cả tháng, quá nóng ruột nên rủ nhau ra ao hái trộm rau muống giấu vào trong túi quần túi áo về ăn tạm.

“Cảnh nghèo nên cũng lắm khi sống hèn. Mớ rau muống chẳng đáng bao tiền, nhưng đối với bọn em thì tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó. Vừa rồi em muốn đi gia sư kiếm thêm tiền, nhưng đến trung tâm giới thiệu đã phải nộp mất mấy trăm nghìn rồi, vậy mà chờ mãi chưa thấy họ gọi. Số tiền ấy là tiền ăn cả tháng gia đình gửi cho em, giờ thì mất cả chì lần chài rồi”, Hải than thở.

Rời xóm trọ của Hải, chúng tôi tới dãy phòng trọ tại khu vực chân cầu vượt Ngã Tư Sở thì gặp sinh viên Nguyễn Văn Thành (ĐH Thủy lợi). Dãy phòng trọ của Thành tối, ẩm ướt hôi hám, lại là ổ tụ tập của mấy cô gái bán hoa đã hết thời.

Xóm trọ sinh viên ở Ngã Tư Sở (Hà Nội).

Thành than, vì ít tiền nên em đã đạp xe cả tuần đi tìm phòng trọ giá thấp, ai dè khi chuyển đến ở mới biết đây là “ổ nhền nhện”. Đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 1 – 2h sáng là họ lục tục kéo nhau về, ăn mặc hở hang, nói tục.

“Ban đêm lại là giờ làm việc của họ nên chúng em không thể tập trung ôn bài. Nhiều lần em còn bị các chị gõ cửa xin… ngủ nhờ vì không có chìa khóa phòng”, Thành nói.

 Theo Tiền Phong

Từ khóa: