Sự kiện hot
12 năm trước

Số phận thăng trầm của người đàn bà đẹp sau lưng tướng cướp

Một nữ sinh văn khoa tốt nghiệp loại ưu, một cô giáo giỏi yêu nghề sống hạnh phúc bên người chồng là mối tình đầu sinh viên. Nhưng chút nghi kỵ của chồng trong lúc khốn khó đã làm thay đổi quyết định trong chị.

Một nữ sinh văn khoa tốt nghiệp loại ưu, một cô giáo giỏi yêu nghề sống hạnh phúc bên người chồng là mối tình đầu sinh viên. Nhưng chút nghi kỵ của chồng trong lúc khốn khó đã làm thay đổi quyết định trong chị.

Số phận Nguyễn Thị Kim Oanh rẽ sang con đường đầy gập ghềnh, chông gai để sau này cô giáo một thời ấy gắn bó định mệnh với tướng cướp Dũng “ka cơ”, đánh thức tính thiện trong con người hắn.

Kim Oanh (bên phải) giờ đã là một doanh nhân

Người trong mộng của nhà thơ “Thêm một”

Đến bây giờ, mọi người không còn gọi chị là cô giáo dạy văn, người dân Phố Cò, Thái Nguyên gắn chị với cái danh xưng trang trọng vợ chồng doanh nhân Oanh - Dũng. Nhưng sâu thẳm, trong nỗi nhớ cồn cào, mỗi khi gặp ai đó trong giới văn chương thì tiếng lòng của cô học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, một nữ sinh văn khoa, hay cô giáo dạy văn giỏi lại được đánh thức. Trong đôi mắt long lanh, cách nói năng hoạt bát của một doanh nhân bỗng gợi chút đượm buồn xa vắng, giọng nói dịu lại, như chở tâm hồn chị ngược về thời áo trắng.

Ngày ấy, Kim Oanh còn là cô học sinh cấp ba tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Con gái yêu thơ, giỏi văn thường thì tính tình hay mơ mộng. Kim Oanh cũng không là ngoại lệ. Cô học sinh hoa khôi của trường lại học giỏi nên được thầy yêu, bạn mến. Đến năm học cuối cấp, Kim Oanh đoạt Giải nhì văn toàn quốc. Ước mơ thành cô giáo dạy văn được chắp cánh khi cô thi vào Đại học sư phạm II Xuân Hoà đạt 24 điểm và trở thành nữ sinh văn khoa nổi tiếng học giỏi và xinh đẹp.

Tìm trong những bài thơ tình của nhà thơ “Thêm một”, có những lời đề tặng Kim Oanh và trong khi trò chuyện với chị, tôi ngỡ ngàng trước mối tình câm lặng của người thầy, nhà thơ với cô học trò xinh đẹp. Mặc dù, nhà thơ ấy, đã về nơi thiên cổ, trong câu chuyện với tôi, chị xin phép vong linh người thầy để kể lại những hồi ức đẹp về tình thầy trò.

“Người thầy tôi kính trọng”

“Thời ấy, tình thầy trò trong sáng lắm, nếu ở thời điểm bây giờ, chắc là tôi cũng đã yêu thầy rồi. Nhưng thời tôi, tình yêu là một điều gì đó trong sáng, cao thượng lắm. Khi đó, tôi đã có mối tình đầu, đó là sinh viên năm thứ tư. Tôi đã thầm yêu anh khi anh về trường tôi thực tập. Và trước khi tôi ra trường, tôi cũng biết thầy Bình cũng đã có người yêu mới. Ngày ấy, say trong tình yêu đầu, tôi vẫn thầm chúc mừng hạnh phúc cho người thầy tôi kính trọng” - chị tâm sự.

“Ngày ấy, thầy Trần Hoà Bình còn là giảng viên ĐH Sư phạm II Xuân Hoà, nơi tôi là sinh viên. Thời kỳ ấy, tôi là học trò cưng của nhiều thầy lắm, nhất là thầy Bình”. Tôi có thể mường tượng ra, ngày ấy Kim Oanh thật xuân sắc, ở tuổi đôi mươi cô nữ sinh đang căng đầy sức sống, tâm hồn thơ văn lãng mạn, khát khao một tình yêu đẹp.

“Ngày ấy, có mốt quần bò Ha-ra, quần bò ngắn đến gối, tôi mặc thời trang trông đẹp lắm nên thầy rất thích. Trong khi lên lớp giảng bài, đôi mắt thầy hướng đến tìm chỗ ngồi của tôi, thầy giảng đầy cảm xúc như thể đang nói cho một người con gái mình yêu quý nghe. Thầy cũng đã làm rất nhiều thơ tặng cho riêng tôi" - chị Oanh nhớ lại.

Ngày ấy, vợ của thầy là nghệ sĩ, cô có lần lên biểu diễn tại trường nhưng chuyện tình cảm vợ chồng của họ đã rạn nứt từ lâu. Chị Oanh kể lại: “Khi ấy, thầy nói với  tôi chuyện của thầy với cô đã dứt khoát. Tuy nhiên, trái tim tôi không rung động trước thầy, tôi luôn kính trọng, tôn trọng thầy là một người thầy đúng nghĩa”. Bên bờ sông Cà Lồ, người thầy thơ đa tình đã từng thổ lộ lời yêu với cô học trò. Nhưng cô học trò vẫn chỉ một mực kính trọng thầy, cô vẫn có những cuộc dạo chơi bên bờ sông cùng thầy, nghe thầy đọc thơ, nhưng một cái nắm tay Kim Oanh cũng ngại ngần từ chối.

Không vụ lợi tình cảm của thầy để mong đạt điểm cao, được ưu ái trong học tập khiến Kim Oanh càng được nhiều thầy giáo yêu quý. Năm thứ tư, cô sinh viên khoa văn làm luận văn tốt nghiệp có tới bốn thầy cùng muốn nhận hướng dẫn Kim Oanh trong đó có thầy Bình.

“Thầy Mỳ thì hướng tôi làm luận văn về văn học nước ngoài, thầy Hoàn, thầy Quang chọn đề tài phương pháp học, còn thầy Trần Hòa Bình muốn “học trò cưng” làm văn học Việt Nam. Cuối cùng tôi làm luận văn môn phương pháp, mà không chọn thầy Bình hướng dẫn. Thầy Bình buồn lắm, thầy có viết một bài thơ tặng tôi. Lâu rồi, tôi chỉ nhớ bài thơ diễn tả có những đêm mưa, thầy đứng ở cổng Bưu điện Xuân Hòa nhìn lên cửa sổ phòng tôi trong nỗi nhớ nhung, tràn ngập yêu thương” - chị Kim Oanh nhớ lại hình ảnh người thầy “giang hồ” (cách gọi của chị khi nói về thầy Bình).

Trước khi chị tốt nghiệp đại học, một tờ báo ở Hà Nội đã lên tuyển phóng viên mà thầy Trần Hòa Bình trực tiếp đưa người lên tuyển. Chỉ có hai người Kim Oanh và Trà My được tuyển chọn và nếu về Hà Nội sẽ có tiêu chuẩn hộ khẩu, nhà Hà Nội. Đoàn nhà báo tuyển chọn đã về tận Phú Thọ vận động gia đình cho Kim Oanh đi làm nghề báo, nhưng bố mẹ thì lại nói tùy cho chị quyết định. Chị từ chối tất cả cơ hội đến với mình để chạy theo tiếng gọi của tình yêu đầu.

Một chút nghi ngờ giết chết mối tình sâu nặng

Cho đến bây giờ, khi kể câu chuyện thời sinh viên trong sáng, chị Oanh bảo rằng không thẹn với lòng. Chị cũng thừa nhận, lớp trẻ bây giờ trong tình yêu họ thực tế lắm. Chẳng mấy cô sinh viên nào từ chối lời yêu của thầy đâu. Học trò mới lớn mơ mộng, gặp lãng tử văn chương khó lòng thoát khỏi lưới ái tình.

Mối tình đầu đẹp mà đau đớn đó là cảm nhận của Kim Oanh về người yêu, người chồng đầu tiên của mình. Anh là sinh viên năm thứ ba về thực tập tại trường cấp ba của chị. Chính anh đã hướng cho chị thi khoa văn ĐH sư phạm II.

Một thầy giáo trẻ, đẹp trai khiến bao tà áo trắng tinh khôi xao xuyến trong ấy có Kim Oanh. Từ sự ngưỡng mộ ấy, Kim Oanh cũng đã thi vào trường thầy đang học. Khi đỗ vào trường, ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, chàng sinh viên năm thứ tư đã “tấn công” dồn dập mong chiếm trái tim nàng. Và Kim Oanh đã yêu Hải, một tình yêu gắn bó có sự hứa hẹn hôn nhân.

Hạnh phúc của người con gái là được theo, làm vợ người mình yêu thương, Kim Oanh và Hải đã đến được bến bờ hạnh phúc ấy. Kim Oanh từ bỏ cơ hội tốt, để theo Hải, người đã chờ đợi cô 3 năm. Họ làm đám cưới và cùng về giảng dạy tại một trường cấp ba tại Bắc Giang. Một mái nhà tranh hai trái tim vàng và cả hai được cống hiến cho nghề giáo cao quý, ước mơ thời trẻ họ theo đuổi đó là điều lý tưởng của đôi vợ chồng trẻ. Hạnh phúc khi mái nhà của cặp vợ chồng giáo viên trẻ có tiếng khóc, cười của con trẻ.

“Một gia đình được vun đắp bằng tình yêu, tôi cứ ngỡ với nền tảng ấy thì khó khăn cùng nhau tháo gỡ và vượt qua. Nhưng trong lúc tôi gặp khó khăn thì anh lại tỏ thái độ nghi ngờ. Điều này khiến tôi thấy bị xúc phạm, lòng tự trọng trong tôi bị tổn thương. Và tôi hiểu, ngay cả khi còn tình yêu, có thương con tôi và anh cũng không thể tiếp tục một gia đình” - giọng nói của chị sau nhiều năm vẫn còn chút hờn trách.

Giá như ngày ấy, chồng chị đừng tỏ thái độ nghi ngờ người vợ hết lòng vun vén cho gia đình, chị có buôn bán, có kiếm tiền cũng chỉ muốn cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Nhưng trong khó khăn, lúc chị cần sự chia sẻ, bao dung của anh thì anh lại tỏ thái độ khinh khi chị là… con buôn.

Anh cho rằng, chị mang tiền giấu đi, định tìm đường trốn ra nước ngoài sinh sống sung sướng. Trước sự nghi ngờ ấy, chị đã quyết định con đường đi của riêng mình. Chị chấp nhận con đường tù tội, viết thư xin lỗi đồng nghiệp, viết thư gửi riêng cho người chồng, người yêu đầu với biết bao kỷ niệm, nặng sâu tình nghĩa giải phóng cho anh.

Rượu hồng, đám cưới, tiếng khóc cười của con trẻ không phải là cái kết của tình đầu đẹp, với chị cái kết buồn đó là ngày chị ra trại và ly hôn vắng mặt anh. Cuộc đời chị sang một trang mới…

Mạnh mẽ hơn, để có cơ hội làm lại

Chị nhận hết về mình điều không đẹp để chia tay chồng, mối tình đầu của chị. Trong sâu thẳm nỗi lòng, chị đau lắm, nhưng khi lòng tự trọng bị tổn thương thì thôi giải phóng cho anh, cầu cho anh tìm được bến bờ hạnh phúc mới. Con đường đi phía trước không anh của chị khi ấy sẽ bẽ bàng, nhưng chị đã quyết trở thành người đàn bà đơn chiếc, và mạnh mẽ hơn để sau này có cơ hội làm lại.

 Theo Người Đưa Tin

Từ khóa: