Ngày 16/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức buổi Tọa đàm “Giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Sơn La và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.”
Thiếu nữ Dao. (Ảnh minh họa. Nguồn: Điêu Chính Tới/Vietnam+)
Tại buổi tọa đàm, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh, “ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Với quy hoạch này, việc đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới.”
Cụ thể, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ trở thành động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Kế hoạch đặt ra đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung sẽ thu hút khoảng trên 1,2 triệu lượt khách du lịch (trong nước và quốc tế,) phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón khoảng trên 3 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch dự kiến năm 2020 đạt 1.500 tỷ đồng, đến năm 2030 nâng lên con số lên khoảng 6.000 tỷ đồng đồng thời tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động đến 30.000 lao động trong giai đoạn (2020-2030.)
Các cô gái dân tộc Mông tạo dáng chụp ảnh bên cánh đồng cải trắng ở thị trấn Nông trường Mộc Châu. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)
Theo ông Minh, Quy hoạch trên đã đưa ra các định hướng phát triển chủ yếu gồm, phát triển thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, hình thành các trung tâm phát triển du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đầu tư phát triển du lịch…
Về giải pháp định hướng phát triển, ông Minh khẳng định “Tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển và tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá… tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất có thể, nhằm thu hút đầu tư thực hiện hiệu quả các chiến lược đã đặt ra.”
Ông Minh cũng cho biết, tỉnh Sơn La đã bước đầu xây dựng một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc thù, cụ thể phấn đấu thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư với mức tối đa theo các quy định của Nhà nước, ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư như, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, chính sách phát triển cây cao su, chính sách khuyến khích doanh nghiệp-hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Dưới góc độ ngân hàng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho rằng, tỉnh Sơn cần tập trung vốn cho những ngành, lĩnh vực, vùng mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh. Cơ cấu đầu tư cần dựa vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, phải lấy quy hoạch của các ngành, vùng làm cơ sở… Từ đó, sắp xếp các thứ tự ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực thế mạnh, mũi nhọn, như du lịch, thương mại dịch vụ, phát triển hạ tầng, sản xuất nông, công nghiệp chế biến…
Tại tọa đàm, đại diện tỉnh Sơn La đã giới thiệu danh mục 21 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, có ý nghĩa chiến lược tác động mạnh đến kinh tế vùng và tính khả quan cao, bên cạnh đó vẫn đảm bảo duy trì cảnh quan, môi trường, di sản thiên nhiên. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại (7 dự án,) nông lâm nghiệp (8 dự án,) công nghiệp chế biến, sản xuất (5 dự án,) xây dựng (1 dự án).
Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+