Sự kiện hot
5 năm trước

Sự thật phía sau những quả “trứng sạch” Hòa Phát: Núi phân gà hàng chục ngàn tấn đầu độc nguồn nước

Phía sau lời quảng cáo “thực phẩm sạch” là sự thật Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã thôn tính nhiều triệu mét vuông nông trường; bức tử nhiều cánh rừng, đồng lúa; xả độc chất vào nguồn nước; xả chất bẩn, khí bẩn xuống đầu cư dân; lấy đi kế sinh nhai biết bao nông dân.

Trại gà Hòa Phát Phú Thọ nằm trên ba ngọn đồi cao nhất khu vực

Từ vùng biển miền Trung Quảng Ngãi đến miền núi Quảng Bình, tới miền trung du Phú Thọ, ra tận miền sơn cước Bắc Giang… bất chấp quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, Hòa Phát xuất hiện ở đâu là kéo theo những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tới đó. Khối tài sản tỷ đô phình ra tỷ lệ thuận cùng những hệ lụy môi trường và dân sinh.

Hàng chục ngàn tấn phân treo trên đầu dân 

Trại gà thương phẩm Đồng Lương thuộc Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với diện tích gần 40 ngàn m2 nằm trên ba ngọn đồi Sim, đồi Mẫu, đồi Xi Măng ở tiểu khu 16, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Chiếm vị trí cao nhất khu vực, thoai thoải dốc xuống bốn bên trại gà là những nhà dân, rừng cây và ao hồ.

Theo báo cáo của Hòa Phát, riêng tại trại gà này hiện đang nuôi 600 ngàn con gà mái đẻ. Cùng với số lượng 30% gà hậu bị (gà đang được nuôi dưỡng chăm sóc để chuẩn bị đẻ - NV) gần 200 ngàn con, trại gà này có ít nhất gần 800 ngàn con gà, đẻ ra khoảng 168 triệu quả trứng/năm.

Hòa Phát quảng cáo nuôi gà theo phương pháp “hiện đại” khi có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi, sử dụng cả xe téc chở cám viên từ Hưng Yên lên Phú Thọ bơm thẳng vào hệ thống máng ăn cho gà, thế nhưng doanh nghiệp này chỉ lo “đầu vào” mà không lo “đầu ra” cho vật nuôi. Nói cách khác, Hòa Phát xây trang trại kiểu người ta xây nhà ở mà… không xây nhà vệ sinh. 

Khi lập dự án, Hòa Phát cam kết sẽ “đầu tư hệ thống xử lý phân gà bằng công nghệ ủ vi sinh”. Nhưng cho đến nay, cái mà Hòa Phát gọi là “hệ thống xử lý phân gà theo công nghệ Hàn Quốc” vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Nghĩa là trang trại xây xong, gần triệu con gà đang “sức ăn, sức đẻ”, ngày ngày thải phân ra môi trường mà hệ thống xử lý phân thì vẫn “đang xây dựng”.

Theo tính toán, mỗi một con gà ăn khoảng hơn 100g thức ăn/ngày và sau khi uống nước, sẽ thải ra lượng phân tương đương. Như vậy, trại gà thải ra số phân khoảng 70 tấn/ngày. Theo báo cáo chính thức của Hòa Phát, trại gà này đang thải ra lượng phân khoảng 60 tấn/ngày, mỗi tháng 1.800 tấn, mỗi năm gần 22 ngàn tấn. Đi cùng số phân này, Hòa Phát thải ra môi trường mỗi năm hơn 18 ngàn lít iodine sát trùng, gần 3.000 lít men xử lý mùi enzime enchoice, gần 3 tấn hóa chất Biowish M&O…

Lượng phân gà đó Hòa Phát xử lý ra sao? Thời gian đầu tiên, từ tháng 3/2018, ở lứa gà thứ nhất, Hòa Phát đóng phân gà vào các bao, tập kết vào một nơi. Thế nhưng từ tháng 9/2018, khi gần triệu con gà bắt đầu đẻ trứng, ăn nhiều, thải phân nhiều thì lấy đâu người, lấy đâu bao để chứa đến hơn 50 tấn phân mỗi ngày? Hòa Phát chọn cách đào các hố đất phía sau chuồng gà để chứa phân tươi, sát bên hồ Ngả Hai rộng hơn 20 ngàn m2 nằm dưới chân trang trại. Hàng chục ngàn tấn phân trên đỉnh đồi từ đó treo lơ lửng lên đầu người dân.

Vì sao Hòa Phát lại cố tình “tích trữ” cả núi phân gà như thế? Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi lý giải phân gà hôi thối kinh hoàng, nhưng nếu có máy móc biến phân gà thành phân vi sinh thì bán được không ít tiền. “Có thể Hòa Phát chưa tìm được đối tác có khả năng tiêu thụ nổi một lượng phân tươi khổng lồ như thế. Cũng có thể đầu tư hệ thống xử lý phân khá tốn kém nên Hòa Phát chưa chịu đầu tư dây chuyền “biến phân thành tiền””, chuyên gia này nhận định. 

Hàng chục ngàn tấn phân gà lưu cữu trong trại gà Hòa Phát Phú Thọ

Quạt thẳng mùi hôi thối ra môi trường 

Hòa Phát Phú Thọ đã lập một “kỷ lục” về gây ô nhiễm khi theo báo cáo “chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2018” thì người dân các vùng lân cận đã kêu trời vì bị mùi phân gà “tấn công”. Chưa đầy một tháng sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc, phát hiện Hòa Phát chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý phân gà nên ra Quyết định xử phạt 70 triệu theo quy định tại Điều 9 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Ông Hán Văn Khoát, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi Thú y (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật) giải thích: “Đặc trưng của phân gà chứa H2S Hydro sulfua, mùi thối khắm, nặng hơn không khí, là độc chất có thể gây ngộ độc nặng cho người hít phải. Phân gà chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt nhóm khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn và E.coli gây bệnh đường ruột. Do có độ ẩm cao, nhiều chất hữu cơ, nhiều vi sinh vật nên dù mùa hè nóng ẩm hay mùa đông ẩm ướt thì phân gà cũng bốc mùi hôi thối. Với loại gà ăn các loại thức ăn công nghiệp thì mùi thối khắm còn kinh khủng hơn”.

Trại nuôi gà kiêm chức năng hố phân khổng lồ như vậy thì gà sống ra sao, công nhân làm việc trong trại phải chịu đựng thế nào? Theo thiết kế của trại gà này, có 256 quạt hút mùi bảo vệ đàn gà, sau đó gom vào hệ thống hút gió lưu lượng 3.000m3 khí/h, đưa ra ống khói xả lên trời. Nói cách khác, hệ thống xử lý khí thải trong trại hút khí độc “bảo vệ” gà, sau đó gom lại xả ra môi trường cho dân cư “thưởng thức”. 

Dù nằm cách trại gà Hòa Phát gần 1km đường chim bay nhưng nhà bà Nguyễn Thị Nghiễn (tiểu khu 16) vẫn không thoát khỏi nạn bị mùi thối từ hố phân – trại gà Hòa Phát. Ai lần đầu đến nhà bà cũng không khỏi ngạc nhiên vì căn nhà cấp 4 không cửa kính nhưng dù đang là mùa đông vẫn có lúc… bật máy lạnh rét run, các cửa sổ đều dán băng dính kín mít. Bà Nghiễn giải thích: “Thối quá không chịu nổi, chỉ còn cách đóng chặt cửa, dán băng dính vào các khe hở, bật máy lạnh thì mới ít nhiều đỡ được mùi hôi”. 

Hố phân Hòa Phát Phú Thọ khiến người lao đao, vật nuôi đột tử. Một số hộ nông dân sống quanh chân đồi từ nhiều năm nay có nghề trồng cây sắn bứt lá nuôi tằm lấy nhộng làm thức ăn. Các hộ dân cho rằng con tằm là loài nhạy cảm với ô nhiễm, nên bị ảnh hưởng từ mùi thối núi phân, từ hóa chất sát trùng xịt trang trại bay ra, tằm đang lớn bỗng lăn ra chết đen.

“Năm nay nhà bác thiệt hại mấy chục triệu tiền nuôi tằm. Ba “chạch” riêng tiền giống đã 5,7 triệu. Cái công vất vả lắm chứ không dễ mà nuôi được con tằm. Số tiền giống này như trước đây sẽ thu được 40 triệu. Năm nay được 600 - 700 ngàn gì đó, còn tằm chết đành đổ cho cá ăn”, ông Hoàng Văn Hợi (ngụ tiểu khu 16) cho hay.  

Nghề quay trà của một số hộ dân quanh trang trại Hòa Phát cũng bị ảnh hưởng. Đặc thù nghề này là làm ban đêm ngoài lán, trùng với thời gian Hòa Phát dùng máy thổi cho núi phân gà bốc hơi. “Không thể che chắn lán làm trà cho kín mít, mà mùi hôi Hòa Phát thốc ra thì lộn mửa, phải bỏ nghề”, bà Nghiễn cho hay.    

Cận cảnh cái gọi là “bể sinh học” của Hòa Phát Phú Thọ 

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Hàng chục ngàn tấn phân gà chôn trong các hố, ngày qua ngày, không thể tích tụ thêm, không chịu đựng được nên “vỡ trận”. Ngày 14/10/2019, núi phân gà trôi tuột ra hồ Ngả Hai nằm dưới chân trang trại. Và đến lúc này người ta mới biết sự thật trong trang trại mà Hòa Phát gọi là “gà sạch” ra sao.  

Ông Nguyễn Trung Thành, người nuôi cá tại hồ cho biết, hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện từ chiều 14/10. Một ngày sau đó, cá nổi bụng chết trắng mặt hồ, cùng phân gà đặc quánh dập dềnh trên mặt nước. Thối váng óc. Nghi vấn nguyên nhân từ Hòa Phát mà ra, ông Thành cấp báo cơ quan chức năng.

Có dấu hiệu cho thấy ban đầu huyện và xã không nhận thức được mức nguy hiểm của vấn đề. Biên bản kiểm tra hiện trường của Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Đồng Lương ghi nhận vào 15h ngày 15/10, hiện tượng cá chết hàng loạt trên diện tích khoảng 20ha (gồm cá mè, cá trôi… trọng tượng phổ biến từ 1,5 – 2kg/con).

Tuy nhiên, cán bộ huyện và xã lại nhận định “do Hòa Phát Phú Thọ vỡ “bể sinh học” chảy tràn ra hồ Ngả Hai”. Vô lý ở chỗ, ghi nhận “tại bể ở vị trí giáp bờ hồ có vết vỡ chảy xuống hồ mới được lấp lại”; nhưng nếu là vỡ thì áp lực chất lỏng từ núi phân gà phải xé toang bờ chứa, chứ sao lại chỉ “có vết vỡ mới được lấp lại”?

Đoàn kiểm tra của tỉnh về thực tế đã vạch mặt việc Hòa Phát chôn trộm, tích trữ trộm núi phân gà. Ông Nguyễn Vĩnh An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Thọ cho hay, lượng phân gà đổ xuống hồ xuất phát từ những hố chôn trộm Hòa Phát đã đào. Lượng phân quá tải, khi gặp mưa lớn thì ào ạt tràn ra hồ Ngả Hai dưới chân đồi. 

Nguyên nhân “vỡ bể sinh học” như biên bản địa phương lập ban đầu, theo ông An là không chính xác: “Bể sinh học đó chỉ là công trình xử lý nước. “Bể” có thả bèo thì gọi là “bể sinh học””. Và như vậy rất có thể Hòa Phát vừa để phân gà từ các hố chốn trộm tràn ra hồ Ngả Hai, vừa cố tình xả trộm nước lắng đọng từ phân gà từ cái gọi là “bể sinh học” ra hồ.

Bao nhiêu tấn phân đã đổ ập xuống dưới chân đồi mà khiến hàng chục tấn cá chết trắng, mà lượng phân nổi lên sóng sánh đặc quánh suốt mặt hồ rộng hơn 20 ngàn m2? Ông Nguyễn Trung Thành, người nuôi cá tại đây, ước tính lượng phân Hòa Phát trút xuống lên tới hàng ngàn tấn. “Ngoài lượng cá chết nổi đã vớt ngay, mới đây tôi kéo lưới lên được cả núi xương”, ông Thành cho hay.

Vậy vì sao cơ quan chức năng xác định Hòa Phát chỉ làm tràn xuống hồ Ngả Hai hơn 68 tấn phân? Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Thọ giải thích: “Về số liệu này, cũng phải nói thật như sau. Nếu mà nó thành hình như đổ thành đống chẳng hạn thì chúng tôi sẽ xác định được rõ ngay, sẽ đo đếm được chính xác số lượng phân đã đổ ra ngoài môi trường. Nhưng giờ số phân ấy chìm xuống hồ rồi. Dân phản ánh như vậy, nhưng khi chúng tôi đến thì chỉ xác định được số lượng phân dựa trên báo cáo của Hòa Phát. Hòa Phát đã đào trộm những hố phân đó, cho rằng cần căn cứ vào độ vơi đi của hố để tính ra khối lượng. Ví dụ họ báo cáo là các hố phân vơi đi 100m3, chúng tôi tính toán 1m3 nặng bao nhiêu kilogam, sau đó mới quy về thành con số 68 ngàn kg”.  

Hơn nửa tháng sau, ngày 5/11/2019, UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định 2856/QĐ-XPVPHC xử phạt Hòa Phát 442,5 triệu đồng chỉ riêng với một hành vi tự ý đào các hố chứa phân gà làm tràn ra môi trường. Về các dấu hiệu vi phạm liên quan khí thải, nguồn nước, Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay đang tiếp tục kiểm tra theo dõi.

Cá tại hồ Ngả Hai chết trắng vì phân gà Hòa Phát Phú Thọ ào ạt đổ xuống
Một số hố đất Hòa Phát Phú Thọ đào trộm để giấu phân

Nước phân gà Hòa Phát đã đi xa đến đâu?

Sự cố núi phân của Hòa Phát ập xuống chân đồi đồng thời làm người dân tại xã Đồng Lương và một số vùng lân cận dấy lên nghi ngại phải chăng bấy lâu nay dân cư cả vùng không chỉ hít mùi phân gà mà đã phải uống nước gỉ ra từ phân gà Hòa Phát?  

Ngay từ khi lập dự án, Hòa Phát đã xác định tại khu vực này “tầng nước ngầm nằm ở độ sâu 6-12m thường là tầng không áp và thường xuyên có sự trao đổi với nước mặt nên hầu như dễ bị nhiễm khuẩn”. Trại gà Hòa Phát khai thác nước ngầm dưới sâu nhiều trăm mét thì không sao nhưng nông dân đào giếng khơi thường sâu dưới chục mét, thì “chết chắc”.   

Thông số nước hồ Ngả Hai sau khi bị Hòa Phát xả cả núi phân xuống tồi tệ thế nào? Sau sự cố, theo kết quả phân tích mẫu nước tại hồ so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) cho thấy, nhiều thông số vượt quy chuẩn: Thông số COD vượt đến 9,8 lần; thông số NH4+ 7,2 lần; thông số PO43 3,68 lần; thông số BOD5 12 lần…

Trại gà Hòa Phát nằm ở vị trí cao bậc nhất tại khu vực có địa hình bán sơn địa, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nằm giữa những vùng đồi núi và ven sông. Núi phân gà này sau khi xả xuống hồ Ngả Hai là hồ nước lớn bậc nhất khu vực, tiếp tục theo dòng chảy ngầm mang độc chất xuống hạ lưu. Độc hại đến mức 26 hộ dân nuôi cá nhận nước ngầm từ hồ Ngả Hai chảy xuống sau đó cũng bị cá chết trắng. Theo biên bản lập ngày 18/10/2019 có xác nhận của UBND xã Đồng Lương, số cá chết của các hộ này tổng giá trị khoảng 344 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Nghiễn bức xúc: “Năm nay, giữa tháng 9/2019, cháu tôi về chơi, sau khi tắm thì ngứa nổi mụn khắp người, đi bệnh viện bác sĩ kết luận dị ứng nước. Như thế Hòa Phát gây ô nhiễm nước lâu rồi nhưng dân ở đây quen rồi, không biết, cứ ăn uống, tắm giặt. Đến ngày 15/10 cá chết trắng phềnh mặt hồ mới hay à thì ra là do Hòa Phát”. Theo bà Nghiễn, từ hai năm nay lượng nước từ núi phân gà Hòa Phát đã gỉ ra ngấm vào lòng đất, theo đường nước ngầm lưu thông từ các hồ ao chảy ra sông Bứa, rồi dẫn ra sông Thao (tên gọi của sông Hồng khi chảy qua địa phận Phú Thọ - NV), về tới Hà Nội.   

Ít ngày sau khi bị núi phân tràn xuống đầu, hàng trăm người dân Đồng Lương đã kéo tới Hòa Phát Phú Thọ, chặn cổng không cho xe ra vào. Phó Giám đốc Công ty Lê Tuấn Anh sau đó phải ra đối thoại, thừa nhận những sai phạm. Hòa Phát hứa trong 40 ngày sẽ khắc phục hậu quả sự cố xả phân, trong 90 ngày khắc phục mùi hôi thối từ trại gà. Để khắc phục việc nước phân gà đã gỉ ra nguồn nước ngầm, Hòa Phát cho lắp đường ống nước dẫn nước từ trang trại tới 22 hộ dân gần nhất sử dụng tạm.

Những lời hứa ấy, Hòa Phát có thực hiện hay không, chỉ còn phải chờ một thời gian ngắn nữa. Tuy nhiên, rà soát lại hồ sơ hoạt động của Hòa Phát Phú Thọ, người ta không hy vọng nhiều, khi mà đến ngay cả biên bản họp tham vấn cộng đồng dân cư khi lập dự án cũng có dấu hiệu bị Hòa Phát lập biên bản khống, lấy chữ ký giả.

Mời độc giả đón đọc kỳ sau.  

“Hòa Phát bảo vệ con gà hơn con người”

Cảm thán tự thương thân mình, không ít người dân Đồng Lương đưa ra một ví dụ: Khi không khí Hà Nội và TP HCM bị ô nhiễm bụi mịn, dư luận sôi sục lo ngại, bộ, ngành liên tục đưa ra các chỉ đạo cảnh báo, các chuyên gia mổ xẻ phân tích truy tìm nguyên nhân... Còn ở Đồng Lương, gần hai năm nay hàng ngàn người từng giờ, từng phút bị núi phân gà Hòa Phát tấn công thì ai bảo vệ thương cảm những người dân Đồng Lương?

Người dân kéo đến chặn trại gà hôm 2/11/2019

Bà Đoàn Thị Thạo (SN 1955, ngụ tiểu khu 16) nói: “Vì những quả trứng mà Hòa Phát đổi mạng sống của chúng tôi. Gây ô nhiễm, cướp không khí trong lành, cướp hết nguồn sống của nông dân đi, không phải đổi mạng thì là gì. Tôi nói như thế không quá đâu”. 

Ông Hoàng Văn Hợi kể: “Mùi thối khắm đã nói rồi. Còn đàn đàn lũ lũ ruồi bay ra từ núi phân, có thể bắt hàng cân. Nhà tôi có đám giỗ, làm hai mâm cơm từ gà gáy, bỏ trong màn đợi khách đến rúc vào màn ngồi ăn. Nếu ngồi ở ngoài không thể ăn nổi với ruồi”. 

Lượng phân gà đổ xuống nhiều đến mức làm mặt hồ 20 ha đặc quánh 

Ông Hợi chua xót so sánh: “Hòa Phát bảo vệ con gà của họ hơn bảo vệ con người. Muốn vào thì phải đi qua cổng phun hóa chất, con gà được lo mọi thứ thuốc thang, có quạt gió xua mùi, được khử trùng ruồi muỗi. Còn ngoài dân, họ gây mùi hôi thối, làm ô nhiễm nước nôi thì Hòa Phát quan tâm gì đến. Như nhà tôi nằm dưới cổng phụ trại gà, bị Hòa Phát đổ nước hóa chất tràn xuống giếng, xuống ao, thậm chí trời mưa tràn vào nhà”.

“Hòa Phát đang kiếm tiền trên sức khỏe của người dân, trên sức khỏe của đồng loại, lờ đi chuyện bảo vệ môi trường, bất chấp người dân vì ảnh hưởng của họ mà sống chết thế nào. Tôi nghe nói ông chủ Hòa Phát là tỷ phú đô la. Nhưng tỷ đâu thì tỷ, tôi chỉ hỏi “làm giàu để làm gì, nhiều tiền để làm gì khi đầu độc người khác”. Xét về góc độ con người với con người thì kiếm tiền kiểu như vậy thuộc loại mất nhân tính, không phải là người, chỉ là robot kiếm tiền”.  

“Núi phân gà này bây giờ không chỉ ô nhiễm môi trường khu này mà còn bốc mùi lên cao, đi tận đẩu tận đâu. Nước phân trôi từ đây ra sông Hồng chảy về Hà Nội. Nó ô nhiễm ra tận biển rồi chứ không phải ở nguyên đây nữa”.

Bà Thạo cho rằng mất nghề nuôi tằm lấy nhộng vì Hòa Phát Phú Thọ gây ô nhiễm 

“Chúng tôi bức xúc lắm, nhưng “chân đất mắt toét” đã kêu mãi khản cổ, giờ chỉ mong dư luận ủng hộ, Trung ương vào cuộc? Mới đây một số đại diện đi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đơn, có bà cụ trong xóm không có tiền cũng xin góp 5.000 đồng lộ phí”. 

Nỗi bức xúc của ông Hợi như kể trên, PLVN đã chuyển đến ông Nguyễn Vĩnh An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Thọ, kèm câu hỏi: “Thử đặt ví dụ là anh thì anh có ở đó được hay không?”.  Ông An thẳng thắn: “Cá nhân mình thì không thể ở đó được” và nhận xét Hòa Phát sản xuất “không sạch”.  

Người dân Đồng Lương phản đối Hòa Phát Phú Thọ gây ô nhiễm 

“Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Hòa Phát Phú Thọ với lỗi nghiêm trọng tích trữ cả chục ngàn tấn phân sai quy định thì thậm chí phải bị đình chỉ đóng cửa. Vì sao không áp dụng biện pháp này?”. Ông An cho rằng: “Việc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động cần cân nhắc loại hình đầu tư sản xuất. Đang vận hành nhà máy sản xuất thì có thể đình chỉ hoạt động được. Nhưng con vật đang nuôi, giờ dừng thì chuyển đi đâu?”. Ông An cho biết: “Nếu trong thời gian tới xử lý không xong thì cũng sẽ dừng”.  

Và khi cơ quan chức năng còn cân nhắc những thiệt hơn khi xử lý vi phạm môi trường như trên, những người dân xã Đồng Lương chỉ còn biết khẩn cầu dư luận. “Trứng Hòa Phát là trứng bẩn vì sản xuất kiểu tàn phá môi trường. Một người tiêu dùng ăn một quả trứng Hòa Phát thì ở đây một người chịu hôi thối, bẩn thỉu. Một quả trứng chưa biết bổ béo được tới đâu, nhưng chỉ cần hít thở một phút mùi phân gà ở Hòa Phát là váng óc. Tôi mong cộng đồng tẩy chay Hòa Phát, không dùng trứng Hòa Phát để môi trường được trong lành, để chúng tôi được sống lâu dài hơn”, ông Hợi nói. 

“Tôi tin những lời khẩn cầu của tôi sẽ được dư luận hưởng ứng. Bởi đã là con người thì biết nghĩ đến cộng đồng, biết nghĩ đến sự tồn tại của giống nòi. Nạn ô nhiễm này không phải ngày một, ngày hai, nếu Hòa Phát không thay đổi thì đáng bị tẩy chay, Hòa Phát sẽ gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn nữa, không những khu vực này mà còn nhiều khu vực khác nữa”, vẫn lời ông Hợi.

Bà Nguyễn Thị Nghiễn cũng có cùng quan điểm: “Hòa Phát kinh doanh trên cái thiệt hại, cái khốn khổ của dân Đồng Lương. Tôi mong người tiêu dùng biết được bản chất của Hòa Phát để tẩy chay sản phẩm, cho họ sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường, với sức khỏe đồng loại. Hòa Phát quảng cáo làm trứng gà sạch, cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường, nhưng vì quả trứng mà Hòa Phát làm ô nhiễm như thế thì sao có thể gọi là sạch?”.

Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ ủng hộ lời kêu gọi của những người dân xã Đồng Lương: “Chúng tôi luôn quan niệm “có thể sống chung với lũ nhưng không thể sống chung với ô nhiễm”. Những trang trại sản xuất bẩn như trại gà Hòa Phát Phú Thọ, cần bị dư luận tẩy chay, cần bị cơ quan chức năng đóng cửa”.

Bùi Yên – Tám Bảy - Ngọc Lan - Hà Phong
Theo Bảo vệ Pháp luật 

Từ khóa: