Trên đời này có ai muốn chết hoặc làm cái việc cực chẳng đã là đổi mạng sống lấy miếng ăn không? Không. Vì đói nghèo, những lương dân kia đã phải liều mình mưu sinh giữa cheo leo đỉnh trời mà không có cả cái quyền yêu cầu người ta tạo một môi trường làm việc an toàn cho mình.
Đẽo núi bừa phứa, khai thác kiểu hàm ếch của thổ phỉ, là nguyên nhân chính gây nhiều thảm họa chết người. Sự buông lỏng quản lý này là do lỗi của ai?
Trên đời này có ai muốn chết hoặc làm cái việc cực chẳng đã là đổi mạng sống lấy miếng ăn không? Không. Vì đói nghèo, những lương dân kia đã phải liều mình mưu sinh giữa cheo leo đỉnh trời mà không có cả cái quyền yêu cầu người ta tạo một môi trường làm việc an toàn cho mình.
Vậy, ai là thủ phạm gây ra những cái chết bất toàn thây liên tiếp ấy? Khi chúng tôi đến nhiều gia đình nạn nhân, thắp nhang và thăm hỏi, thì chợt gặp lời mộc mạc của thợ khoan đá nổ mìn Nguyễn Văn Dũng, xóm Om Trại, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. “Nghề của chúng em là đi bán mạng sống của mình kiếm ăn!”.
Vợ và con anh Nguyễn Văn Đạo , người xã Cao Thắng, Lương Sơn, Hòa Bình. Anh Đạo và anh Thiếu là anh em họ , đã chết trong cùng một mỏ đá (mỏ BMC).
“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”
Ngày vào mỏ, họ phát cho Dũng và em trai Dũng là Nguyễn Văn Tùng mỗi đứa một cái mũ nhựa, không có đến cả một sợi dây an toàn. Cắm cúi leo lên đỉnh trời đá xám. Dũng và các anh trai bản cứ tay trần, vắt vẻo, lơ lửng mà khoan rồi nổ ùm một cái, có khi dăm chục ký lô mìn để phá đá.
Cảnh nổ mìn phá ở một mỏ đá Lương Sơn, Hòa Bình.
Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Vừa rồi, cậu em trai Nguyễn Văn Tùng đã mãi mãi tuổi 22 sau trận ngã núi ở mỏ đá số 5 ngay trước nhà mình, Dũng hãi quá bỏ hẳn nghề bán mạng. Tôi thắp nén nhang cho Tùng, Dũng giữ khách lại ăn bữa cơm lạt, lại thở hắt: Em tôi, khi tìm thấy xác, đã giập be bét hết cả nội tạng.
Dũng và đông đảo bà con trong khu vực rồi cán bộ, rồi lãnh đạo các sở hữu trách của tỉnh Hòa Bình, ai cũng nói làu làu cho tôi về cách khai thác mỏ đá an toàn. Tức là mở đường lên núi cho người và xe cơ giới, rồi cắt núi của mỏ thành từng tầng từng vỉa, có chỗ cho công nhân khoan đá nổ mìn đàng hoàng thay vì “đánh đá” kiểu khoét hàm ếch như hiện nay. Nhắm mắt thì cũng biết, làm được cả “cơ ngơi” đường sá công trình trên núi đá như yêu cầu của nhà quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra là rất an toàn nhưng cực kỳ tốn kém. Sự nguy hiểm thì rơi vào... kiếp phận thợ đá.
Trong bối cảnh buông lỏng quản lý, những quy định khắt khe về an toàn và thiết kế cơ sở vốn được coi như điều kiện tiên quyết để một mỏ đá được phép hoạt động kia đã bị phớt lờ trên hầu khắp các mỏ. Chủ mỏ và cai đầu dài chỉ quan tâm: Cốt sao tốn ít chi phí nhất, móc ra được nhiều đá nhất, bán được nhiều tiền nhất.
Nếu phải bán mạng, đó là việc của người làm thuê. Nếu tai nạn chết người xảy ra, “rỉ tai”, thương thuyết, “hỗ trợ” thân nhân ít tiền là xong. Trọn gói luôn, giá một mạng người dường như đã niêm yết trong đầu những người liên quan từ nhiều năm trước.
Trong buổi làm việc chính thức với chúng tôi, ngày 5.10, Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, một trong những đơn vị quan trọng được giao nhiệm vụ quản lý công tác khai thác trong các mỏ đá trên địa bàn, đã đưa ra bản báo cáo “gần đây nhất” về các “thung lũng ma” ở Lương Sơn.
Theo đó, từ đầu năm 2016, Bộ Xây dựng phối hợp với ngành cấp hữu quan tổ chức thanh kiểm tra tổng thể chừng 100 mỏ đá của Hòa Bình. Ngót nửa số mỏ bị chỉ ra các vi phạm về thiết kế cơ sở, tức là khoét hàm ếch và “chỗ nào ngon chén”.
Khi được hỏi, “Từ bấy đến nay, thực trạng trong các “thung lũng ma” và thế giới đá nhuộm máu người ra sao?”. Bà Phó Giám đốc Sở trả lời: Chưa có một bản báo cáo nào nữa. Bởi năm 2016 chưa kiểm tra, năm 2017 đang dự định đi kiểm tra.
Có lẽ đó là lý do mà chúng tôi lên gặp bà, khi áo quần có lẽ còn thoảng mùi khói nhang của sáu, bảy cuộc thăm viếng, nhìn di ảnh các thợ đá chết trẻ trên bàn thờ, mà bà vẫn một mực là: Những năm gần đây không có tai nạn do mất an toàn lao động nào rất nghiêm trọng xảy ra ở các mỏ đá tỉnh Hòa Bình.
Theo điều tra của chúng tôi, chỉ mấy tháng đầu năm 2017: hai anh em họ Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Thiếu cùng chết ở một vị trí phá đá trong vòng một tháng; anh trai Nguyễn Văn Dũng chứng kiến em ruột Nguyễn Văn Tùng nát bét nội tạng trước mặt mình; nhà báo vừa quay phim lén, mới đóng máy xong thì Bùi Văn Chẻng thiệt mạng ở đúng lối đá dăm ba chục ngày trời Bùi Văn Khôi vừa chết... - xin hỏi, có nghiêm trọng không? Tần suất ấy có là rùng rợn không?
Chúng tôi đã rợn người khi thấy các chàng trai bản cõng từng bao tải thuốc nổ đi qua. Ảnh: P.V.
Theo quy định, thì cơ quan điều tra, cơ quan quản lý có thể tính đến chuyện đề nghị rút giấy phép của các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động và quy cách khai thác. Và theo đạo đức làm người, thì khi một nhân mạng mất đi vì những lý do vô lý như loạt bài này đề cập, thì lẽ ra các hiểm họa “bán mạng mưu sinh” kia phải được khắc phục để người sau không còn “nối gót” người trước đi về thiên cổ nữa.
Nhưng không, một chủ mỏ tiết lộ: Lợi nhuận từ việc khai thác hàm ếch mà các máy quay flycam (quay bằng cách bay lượn từ trên cao) của chúng tôi đã tố cáo kia là... rất lớn. Họ đã đều đặn thu tiền tỉ, mà không phải tốn công sức mở đường, tạo mặt bằng “thiết kế cơ sở”. Khi tai nạn chết người xảy ra, họ đền 1 đến 2 trăm triệu đồng, là xong. Lại phá đá tiếp theo cách đó. “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, theo đúng nghĩa đen và thô thiển, tàn độc nhất của nó.
Một mạng người giá bao nhiêu tiền là “vừa”?
Để có một trắc nghiệm cho nhận định nhức buốt lương tâm này, chúng tôi đã đến từng gia đình nạn nhân ở quanh khu vực “kinh đô mỏ đá” để khảo sát. Mẹ của Bùi Văn Khôi khóc đến mờ cả mắt, người thân của Khôi thì kêu trời vì cái lối mặc cả tiền đền bù “tính mạng đồng loại” của phía mỏ đá.
Ở xóm Chợ Gạo, xã Cao Thắng kế bên, thân nhân của anh Nguyễn Văn Thiếu (SN 1974) vừa thắp nhang cho anh Thiếu, vừa rầu rĩ. Tôi đau như dao cứa vào cổ, như dao lóc thịt mình ra, là bởi vì cái lối họ mặc cả, cò kè bớt một thêm hai ngay khi chúng tôi còn mặc áo xô, đội khăn tang. “Lúc đầu họ “trả giá” 120 triệu, rồi 140 triệu, rồi 150 triệu. Chốt giá cuối là 180 triệu đồng.
Tôi cứ nghĩ, mạng người sao rẻ thế. Đàn con thơ và vợ dại của anh Thiếu đã khổ đến tận cùng rồi. Đứa con bé nhất còn bế trên tay mẹ, mặt nó đầy mụn nhọt đau ốm. Người ta bảo, cháu bị ốm và còn nhỏ nên ưu tiên nhà Thiếu được “đền mạng” giá tiền cao hơn nhà Nguyễn Văn Đạo.
Anh Thiếu là em rể của Đạo. Thiếu chết đúng 1 tháng, thì “cai đá” trong khu vực đến rủ Đạo đi làm thế vào lối đá vừa nhuộm máu của Thiếu xong.
Thiếu chết vì leo lên đỉnh giời mà không có dây bảo hiểm. Vợ Thiếu phẫn uất, “chồng tôi làm ở mỏ được khoảng 1 năm rồi, vậy mà cho đến khi anh chết, họ cũng vẫn chưa đóng bảo hiểm lao động”. Đúng 1 tháng sau khi em rể Nguyễn Văn Thiếu chết, Nguyễn Văn Đạo tiếp tục “bán mạng” ở đúng chỗ đã nhuộm máu Thiếu.
Những thợ đá nhồi từng túi thuốc nổ lớn vào để chuẩn bị phá núi.
Oái oăm thay. Đạo cũng lại chết vì sụt bệ khoan. Anh chết để lại 2 đứa con, vì hai cháu đã lớn, nên không được ưu tiên như nhà em rể Nguyễn Văn Thiếu. “Giá” đền bù là 150 triệu đồng thôi.
Chưa hết, vừa dúi cho ít tiền “bán mạng”, Hiến - tên gã cai đá - còn oán thán người vợ góa và lũ con côi của Đạo, rằng vì chồng/bố của họ chết nên Hiến phải khổ lây. Họ dọa: Nếu đưa chuyện chết người này ra luật pháp, mức “đền bù” chỉ còn 120 triệu đồng thôi.
Vợ anh Bùi Văn Chẻng chụp ngày 4.10.2017.
Vợ anh Bùi Văn Chẻng, người vừa chết cách khi chúng tôi viết những dòng này chỉ vài hôm, đã đến tận mỏ đá quan sát và nhận định: “Khi chồng tôi ngã núi, anh không được trang bị dây bảo hộ hay mũ nón gì cả. Vì phải leo như khỉ lên đỉnh núi đặt máy khoan, vì máy khoan được đặt trong thùng phuy, tời lên bằng dây cáp, cho nên cáp vướng vào chân và kéo anh xuống vực”.
Anh rể của Chẻng tên là Bùi Văn Lung, khi gặp chúng tôi ở đầu ngõ thì lưỡi đã líu đi vì rượu. “Rượu để quên. Tao bỏ nghề bán mạng. Chính tao đã bế xác thằng Chẻng lên. Nó chết hôm đó là chết thay cho tao. Ba anh em tay trần, đầu trần cùng lên đỉnh núi, nó đi trước giẫm vào hòn đá lểu bểu rồi nó rơi theo”.
Những cảnh khai thác đá cheo leo khủng khiếp này, chúng tôi quay chỉ ít giờ trước khi tai nạn thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng của anh Bùi Văn Chẻng.
Xem các clip định mệnh mà chúng tôi quay, vợ anh Chẻng sững sờ. Sao chồng chị và thợ đá có thể coi thường mạng sống của mình cỡ đó. Cai đá và giới chủ mỏ sấp mặt vì tiền đã hoành hành vô lối. Sự vô lối của con buôn thì có gì đáng ngạc nhiên đâu.
Có chăng là sự sốc với cách quản lý của cơ quan hữu trách. Sao không khắc phục các kẽ hở khủng khiếp kia để ngăn ngừa thảm họa cho nhiều đồng bào nghèo khác đang “bán mạng” trong mỏ đá?
AM THANH - TÂM NINH
Theo Lao Động