Chiều 28/2, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Sau hơn bảy năm thi hành, Luật kinh doanh bất động sản 2006 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới và trong công tác quản lý Nhà nước.
Cụ thể chưa có đủ chế tài để tạo lập một thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Nhà nước kiểm soát, điều tiết được cung-cầu của thị trường, dẫn đến thị trường bất động sản thời gian qua phát triển thiếu ổn định; tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào, đám đông diễn ra phổ biến; nhiều dự án chậm tiến độ, thi công cầm chừng, để đất hoang hóa, lãng phí…
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được nghiên cứu, bổ sung một số nhóm nội dung mới. Theo đó, bảo đảm việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt nhằm khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung-cầu.
Quy định cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh và có đủ điều kiện theo quy định và những trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản nhưng không phải thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh bất động sản. Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao...
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung làm rõ sự cần thiết sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản 2006 nhằm mục đích lành mạnh hóa thị trường bất động sản đang rất phức tạp hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát để sửa đổi đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản; bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các đạo luật khác có liên quan như Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư…
Việc sửa đổi phải tập trung vào những quy định đang vướng mắc, những điểm tắc nghẽn nhằm sớm tháo gỡ, khai thông thị trường; hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, ai cũng có thể đầu tư bất động sản như hiện nay; hoàn thiện thêm thị trường thế chấp; minh bạch chế định đầu tư kinh doanh bất động sản; tăng cường quản lý Nhà nước… Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của dự án Luật, công phu, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Cho ý kiến vào các vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu tán thành bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, cũng như các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường bất động sản. Qua đó, giảm thủ tục bắt buộc phải có chứng nhận đã giao dịch bất động sản qua sàn, tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đồng tình quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.
Tán thành quan điểm cần tạo điều kiện cho thị trường bất động sản nói chung và hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng phát triển hiệu quả, ổn định, công khai, minh bạch, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không thể ngăn chặn thị trường bất động sản không dao động theo chu kỳ của nó mà chỉ có thể đề phòng, ngăn chặn việc hình thành các bong bóng bất động sản, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội đất nước.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu, phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, đảm bảo theo đúng tinh thần Hiến pháp và thống nhất với các luật liên quan.
Thanh Hòa
theo TTXVN