Sự kiện hot
11 năm trước

Tái hiện không gian văn hóa truyền thống

Dantin - Liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng” vừa diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) từ ngày 8/10 đến 12/10/2013.

Dantin - Liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng” vừa diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) từ ngày 8/10 đến 12/10/2013.

Hướng đi mới

Đây là sự kiện do UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2013), đồng thời hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Liên hoan cũng là dịp để quảng bá thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống tiêu biểu, đồng thời tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như một số tỉnh, thành trong cả nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Liên hoan là dịp để giao lưu, tăng cường hợp tác phát triển về văn hóa – du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch trong cả nước; tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu và tham gia trực tiếp các hoạt động của sự kiện này”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: “Hội chợ du lịch làng nghề lần này là một sự kiện lớn không chỉ góp phần phát huy những giá trị truyền thống của làng nghề Việt Nam mà còn tạo ra động lực phát triển ngành du lịch và thương mại dịch vụ. Ngoài sự tham gia của các làng nghề truyền thống thì sự có mặt của các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không sẽ cung cấp cho mọi người về những tour du lịch hấp dẫn với giá phù hợp”.

“ Để du lịch có thể trở thành cầu nối cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống và ở chiều ngược lại, chính các làng nghề cũng là nguồn tài nguyên tiềm năng đối với du lịch. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì bản thân làng nghề và ngành Du lịch cần có tiếng nói chung để cùng nhau phát triển, tạo sức hút cho du khách đến với làng nghề nhiều hơn nữa”, ông Bình khẳng định.

Có mặt tại liên hoan là những sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như lụa Vạn Phúc (Hà Tây cũ), gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ, mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), gốm Chu Đậu (Hải Dương)…và còn rất nhiều sản phẩm thủ công, truyền thống của các làng nghề khác mang lại cho liên hoan sự đa dạng, nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Hầu hết những người thợ thủ công, nghệ nhân đều mong muốn có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề mình, cơ sở sản xuất của mình đến với đông đảo mọi người. Chủ cửa hàng hoa đất Hương Thủy nói: “Ai đến liên hoan lần này cũng mong muốn mang được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất của mình cũng vậy, hoa đất là một loại sản phẩm thủ công và điểm đặc biệt là cơ sở sản xuất nhà mình thường kết hợp với các doanh nghiệp du lịch tổ chức các hoạt động dạy các bé làm hoa đất mang ý nghĩa giáo dục”.

Ông Đặng Văn Biền, một nghệ nhân làm tò he lâu năm ở xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: “Giờ làm nghề truyền thống cũng gặp nhiều khó khăn nhất là nặn tò he. Giờ trẻ con có nhiều loại đồ chơi mới, lạ mắt, lạ tai không còn thích những đồ chơi truyền thống tò he nữa. Những người còn gắn bó với nghề đều là những người yêu nghề và muốn giữ lấy cái nghề gia truyền”.

Với lòng yêu nghề, muốn gắn bó với nghề của các nghệ nhân, sự chú trọng, đầu tư của các cơ quan chức năng và sự sự lựa chọn các sản phẩm truyền thống của người tiêu dùng sẽ giúp cho các làng nghề truyền thống Việt Nam ngày càng phát huy giá trị.

Người Việt tìm về những giá trị truyền thống

Theo ghi nhận của PV Đời sống & tiêu dùng, trước khi lễ khai mạc bắt đầu rất nhiều người dân, khách hàng đã có mặt tại cung Thể thao Quần ngựa Hà Nội để tham quan, mua sắm tại các gian hàng trưng bày. Theo Hiệp hội làng nghề Hà Nội, đây là liên hoan làng nghề truyền thống lớn nhất đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội từ trước đến nay. Chính vì vậy mà liên hoan thu hút khá đông đảo người dân thủ đô. Anh Hoàng Dũng nhà ở đường Đào Tấn cho biết: “Tôi khá tò mò về các sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam vì trước đây cũng có biết một vài sản phẩm nhưng đến liên hoan lần này được chứng kiến rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, những sản phẩm làng nghề được làm tỉ mỉ, sắc sảo”.

Chị Minh Thu ở quận Ba Đình dẫn con gái đến tham quan các gian hàng tại liên hoan chia sẻ: “Hôm nay hai mẹ con đi tham dự liên hoan thấy rất nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống thủ công rất đẹp. Con gái tôi rất thích những chú gấu bông, búp bê mặc áo dân tộc truyền thống. Những đồ chơi trẻ con như tò he, mâm mũ quả làm bằng đất…vừa đẹp lại an toàn cho trẻ nên tôi rất ưng ý”.

Cũng trong lễ khai mạc liên hoan, Hà Nội đã đón nhận Bằng chứng nhận kỷ lục châu Á dành cho 3 món ăn: Phở, bún thang và bún chả đạt giá trị ẩm thực châu Á. Thành công này góp phần quảng bá hình ảnh ẩm thực của Việt Nam cũng như Hà Nội ra toàn thế giới, là yếu tố thu hút đông đảo du khách đến Hà Nội. Không gian ẩm thực tại liên hoan là nơi thực khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống như cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì…

Bên cạnh đó khu vực tổ chức các trò chơi dân gian thu hút khá nhiều các bạn nhỏ và phụ huynh tham gia. Các trò chơi dân gian như ô ăn quan, viết thư pháp, nặn tò he, tô tượng…được tái hiện trong không gian liên hoan giúp cho trẻ nhỏ có cơ hội tiếp xúc và thêm yêu mến những trò chơi dân gian truyền thống.

Không chỉ thu hút người lớn, trẻ con mà những người trẻ cũng rất quan tâm tới những sản phẩm truyền thống. Bạn Minh Hoàng, sinh viên năm thứ 3 ĐH Hà Nội vui vẻ chia sẻ: “Em được bạn bè rủ đi liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên cũng muốn đi cho biết. Đến đây mới thấy làng nghề và các sản phẩm truyền thống của Việt Nam nhiều và đẹp như vậy. Trước đây, em chỉ nghĩ có một vài sản phẩm thủ công thôi nhưng ở đây có rất nhiều mặt hàng đẹp và được làm cầu kỳ. Đồ truyền thống của mình rất đẹp và có ý nghĩa”.

Còn Hạnh, sinh viên trường ĐH Văn hóa lại bất ngờ và vui sướng tự hào vì thấy làng nghề truyền thống quê mình được trưng bày trong liên hoan: “Em cảm thấy rất vui và tự hào khi đến đây và thấy mặt hàng truyền thống của Hà Nam được trưng bày và giới thiệu tại đây. Em nghĩ làng nghề truyền thống của Việt Nam sẽ không thể mất được”.

Có thể nói mỗi người dân đến với những gian hàng truyền thống ở đây đều như muốn tìm lại những giá trị truyền thống, những thứ tưởng chừng như đã bị mai một.

Liên hoan diễn ra quy mô lớn với hơn 300 gian hàng của 162 đơn vị, và hơn số 40 làng nghề. Liên hoan được chia thành 5 khu vực với 250 đến 300 gian triển lãm, bao gồm: Khu vực triển lãm làng nghề với hình thức mô phỏng không gian phố nghề Hà Nội (khoảng 20 gian); khu vực các doanh nghiệp du lịch gồm 50 gian tiêu chuẩn dành cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Hà Nội; khu vực dành cho các hãng hàng không; khu vực ẩm thực Hà Nội và các tỉnh lân cận; khu vực các trò chơi dân gian và một số hoạt động thể thao, giải trí với nhiều trò chơi như nặn tò he, thi đánh cờ người, thi thôi cơ, đập niêu, đi cà kheo, rối nước, hip hop… Bên cạnh đó, còn có các không gian được bố trí mang đậm văn hóa làng quê Hà Nội, các chất liệu dựng mô hình đều được làm bằng tre như cổng chào được dựng theo mô hình cổng làng quê Hà Nội; sân khấu được dàn dựng mô phỏng đặc trưng của phố nghề, làng nghề của Hà Nội…

Minh Hằng - Thanh Lương

Từ khóa: