Chân dung chủ hụi được xác định là bà Tư Hường, 46 tuổi, còn có tên là Đỗ Thị Hường, ở ấp An Hòa.
Chân dung chủ hụi được xác định là bà Tư Hường, 46 tuổi, còn có tên là Đỗ Thị Hường, ở ấp An Hòa.
Khánh An là một xã nghèo của huyện An Phú (An Giang), nghèo đến nỗi 6 tháng đầu năm 2013, cả xã thu ngân sách vỏn vẹn 29,6 triệu đồng. Nhưng những ngày qua, cả xã nghèo vùng biên này như “nổi sóng” vì cơn lốc bể hụi ập vào, với con số ước tính lên đến trên 20 tỷ đồng.
Chân dung bà chủ hụi Tư Hường.
Chân dung bà chủ hụi vùng biên
Chân dung chủ hụi được xác định là bà Tư Hường, 46 tuổi, còn có tên là Đỗ Thị Hường, ở ấp An Hòa. Bà Hường là dân bản địa, sống bằng nghê buôn bán mắm tại chợ Khánh An và bỏ mối cho chợ Châu Đốc. Nghề làm mắm không giúp gia đình bà Tư Hường giàu có nhưng cũng chẳng đến nỗi nghèo khó.
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi chóng mặt khi chỉ vài năm gần đây bà Tư Hường bỗng trở nên giàu có. Bà mua đất, làm nhà cả tỷ bạc tại chợ Khánh An khiến nhiều người dân địa phương mỗi khi đi qua đây đều đứng lại ngắm nhìn, xuýt xoa. Không chỉ mua đất, làm nhà, bà Tư Hường còn mua 3 căn nhà trong chợ cho thuê kiếm lời.
Sự giàu lên nhanh chóng của bà Tư Hường khiến người dân xã Khánh An nhìn bà bằng con mắt ngưỡng mộ. Rồi một ngày bà khoe, có được cuộc sống như ngày hôm nay là do bà “đóng hụi” với những người trên phố. Để rồi, một ngày bà rỉ tai những tiểu thương trong chợ, muốn giàu nhanh chóng thì hãy cùng bà gom tiền đóng hụi.
Khi hay tin bà Tư Hường cần mở một vài dây hụi ở khu Trung tâm thương mại xã Khánh An, nhiều người dân địa phương đã nghĩ đến viễn cảnh một ngày gần đây họ nhanh chóng đổi đời, giàu có như bà Tư Hường. Họ đã huy động tiền của gia đình, bạn bè mang đến góp hụi với “chị Tư”. Để lấy lòng tin các con hụi, bà Tư Hường đi từng nhà nhỏ to, rỉ rả với các màn “thổi lỗ tai” về một viễn cảnh “ăn sung, mặc sướng”, có nhà lầu, xe hơi, tiền tiêu thoải mái.
Cái hay, cái độc của bà Tư Hường là các dây hụi này không phải là hụi tuần, hụi ngày mà là hụi tháng, để người chơi có thời gian đi huy động tiền. Ban đầu, bà Tư Hường chỉ mở hụi nhỏ khoảng 10 triệu/tháng/phần. Khi các hụi viên đã tin tưởng, bà chủ này liền mở các dây hụi lớn hơn, thường có giá khoảng từ 30- 50 triệu/tháng/phần. Các hụi viên cứ như con bạc khát nước, liều mình, nhắm mắt lao vào các dây hụi chằng chịt như tơ nhện của “chị Tư” và rồi sập bẫy.
Nạn nhân Nguyễn Thị Linh chới với với “siêu bão” mang tên “Tư Hường”.
Hụi nhỏ gom tiền cho hụi lớn
|
Đến thời điểm hiện tại, bà Tư Hường không có mặt tại địa phương, nhiều chủ nợ vẫn chưa thể liên lạc với phụ nữ này. Hiện cơ quan Công an vẫn chưa thể lấy lời khai của bà chủ hụi này nhằm làm rõ nguồn tiền mà người dân xã Khánh An gom lại giao cho ai, mang đi sử dụng vào mục đích gì.
|
|
Ngày 10/8/2013, “siêu bão” mang tên “hụi chị Tư” chính thức bùng vỡ tại xã Khánh An khiến người dân địa phương như ngồi trên đống lửa. Theo trình bày của chị Nguyễn Thị Linh (trú tại ấp Khánh Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú), ngày 10/8/2012 (dự kiến sẽ chấm dứt vào khoảng tháng 2/2015) chị tham gia dây hụi 10 triệu đồng/tháng/phần với bà Tư Hường. Tính đến tháng 8/2013, tại dây hụi này, chị Linh đã đóng hụi được 12 lần với tổng số tiền khoảng 168 triệu đồng. Ở dây hụi thứ hai có trị giá 20 triệu/tháng/phần, được mở vào ngày 6/3/2012 (dự kiến sẽ chấm dứt vào khoảng tháng 12/2014), chị Linh đã đóng hụi được 18 lần với tổng số tiền đã nộp cho bà Tư Hường là 270 triệu đồng.
Theo chị Linh, toàn bộ số tiền này được chị vay mượn của họ hàng, bạn bè, người thân và những hụi nhỏ góp vào. Khi có được số tiền trên, chị đã mang giao nộp cho bà Tư Hường. Để rồi, khi dây hụi của “chị Tư” bị vỡ, chị Linh mang trên người một món nợ khổng lồ, chẳng biết đến bao giờ mới trả hết.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự là trường hợp của bà Huỳnh Thị Nỉ (trú tại ấp Khánh Hòa), từ năm 2012, bà Nỉ tham gia dây hụi 10 triệu đồng/tháng/phần với bà Tư Hường. Dây hụi này được mở vào tháng 12/2012 (dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 10/2015), bà Nỉ đã đóng hụi được 8 lần với số tiền đã nộp cho bà Tư Hường là 156 triệu đồng. Ngoài ra, bà Nỉ còn tham gia chơi dây hụi 20 triệu/phần/tháng, được mở vào tháng 3/2012 (chấm dứt vào cuối năm 2014), ở dây hụi này bà Nỉ đã nộp cho bà Tư Hường 240 triệu.
Điều đáng nói là, bà Huỳnh Thị Nỉ và Nguyễn Thị Linh cũng chính là các chủ hụi nhỏ, chơi với người buôn bán nhỏ trong chợ để gom góp tiền hàng tháng tham gia các dây hụi lớn với bà Tư Hường. Do đó, con số nạn nhân bị “dắt dây” và sự thiệt hại về tiền rất lớn, ước tính ban đầu là trên 20 tỷ đồng.
Trong khi người dân xã Khánh An chới với trong “cơn bão” vỡ hụi thì chính quyền địa phương lại dửng dưng. Thậm chí, để làm rõ nhưng thông tin này, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với Thượng úy Nguyễn Hoài Sơn- Trưởng Công an xã Khánh An nhưng bị từ chối với lý do “bận họp nhiều lắm”, rồi bỏ đi nơi khác.
Nguyên Quốc
theo GĐ&XH