Sự kiện hot
8 năm trước

Tại sao ngân hàng ngoại rời khỏi Việt Nam?

Việc tồn tại song song một chi nhánh và là cổ đông chiến lược ở một ngân hàng khác sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng nước ngoài hiện nay cũng cần phải tái cơ cấu.

Thời gian gần đây, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến hiện tượng một số ngân hàng ngoại thoái vốn, rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Động thái này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính rủi ro của thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, hiện tượng này không đáng quan ngại, bởi vì thị trường tài chính ngân hàng, cũng như thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam còn rất tiềm năng, các nhà băng ngoại hẳn biết rất rõ điều đó.

Thực tế động thái rút vốn, thoái vốn của một số ngân hàng ngoại về cơ bản là sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, các ngân hàng này muốn tránh sự trùng lặp trong kinh doanh ở Việt Nam. Có những ngân hàng đã trở thành cổ đông chiến lược tại các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, nên không có lý do gì để họ duy trì thêm một chi nhánh khác ở Việt Nam. Việc tồn tại song song một chi nhánh và là cổ đông chiến lược ở một ngân hàng khác sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng nước ngoài hiện nay cũng cần phải tái cơ cấu.

“Đó là do chiến lược kinh doanh của họ có sự thay đổi, chứ không phải do vấn đề thị trường hay môi trường kinh doanh của chúng ta.” TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Gần đây, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã công bố chuyển giao toàn bộ hoạt động của mình cho Ngân hàng TMCP Quốc tế ( VIB). Ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 20%, đồng thời là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB.

Trước đó, HSBC cũng tuyên bố thoái toàn bộ 19,41% cổ phần tại Techcombank sau 12 năm gắn bó. Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Việt Nam. Còn tại ĐHĐCĐ thường niên ACB năm 2017 tổ chức hồi tháng 4 mới đây, đối tác Standard Chartered cũng đã xác nhận kế hoạch thoái vốn khỏi ACB.

TS. Cấn Văn Lực bày tỏ sự lạc quan vào thị trường tài chính và chứng khoán của Việt Nam. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tích cực nhất của thế giới, với mức tăng trưởng 16% trong 6 tháng đầu năm nay. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường khoảng 1 tỷ USD, trong số đó, 2/3 dòng vốn ngoại đổ vào trái phiếu, 1/3 đổ vào cổ phiếu. Nguyên nhân do P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với khu vực; Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua cũng giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư, nhất là trong vòng 1 tháng qua; có cổ phiếu ngân hàng tăng giá tới 50% kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn lực, không cần phải lo ngại vốn chạy sang chứng khoán thay vì sản xuất vì hệ thống ngân hàng bị kiểm soát chặt trong việc cho vay chứng khoán từ năm 2011 đến nay, các ngân hàng không được cho vay trong lính vực chứng khoán quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng, trong khi vốn điều lệ của các ngân hàng gần như không tăng thời gian qua.

Ngân Giang
Theo Infonet

Từ khóa: