Theo Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, 10.000m2 đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn thị trấn Tam Đảo.
Như Báo Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh, thời gian qua, tại thị trấn Tam Đảo có hàng chục trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, xây dựng trái phép trên đất rừng.
Trả lời về vấn đề này, đại diện phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cho biết: Tình hình lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp khá phức tạp. Ngày 16/6/2018, UBND huyện Tam Đảo đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc lấm chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Thời gian hoạt động của đoàn từ ngày 06/09/2018 đến ngày 15/12/2018. Với các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, đo đếm hiện trường; xác định tính toàn từ thiết bị GPS xác định trên bản đồ 3 loại rừng.
Kết quả, rà soát 25 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đất liền kề với rừng phòng hộ đã phát hiện 14 trường hợp lấn chiếm rừng phòng hộ với tổng diện tích 10.300m2.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề được cung cấp danh sách 14 trường hợp vi phạm đại diện Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã từ chối cung cấp với lý do: “Số liệu trên do UBND huyện Tam Đảo giữ, Chi cục Kiểm lâm chỉ là thành phần đoàn kiểm tra liên ngành”.
Bên cạnh số liệu việc vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất rừng phòng hộ tại thị trấn Tam Đảo, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc còn cho biết: Việc xây dựng tại đây cũng ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, hiện nay có 4 công trình xây dựng lấn chiếm đất lâm nghiệp đã được UBND huyện Tam Đảo và Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đình chỉ hoạt động, chờ xử lý theo quy định.
Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đã quy định rất rõ các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng rừng. Theo đó:
+ Lấn, chiếm rừng phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng đối với Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 m2 đến dưới 15.000 m2;
+Khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
+Tất cả các trường hợp buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu.
Xuân Hậu
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng