Những ngày đầu tháng 8, bước chân du khách khắp mọi miền đã bắt đầu nhộn nhịp tìm về với Tân Trào - Chiến khu cách mạng lừng lẫy một thời. Họ về đây để được tận mắt chứng kiến những đổi thay đến kỳ diệu của đất và người nơi đây.
Ngày mới trên “Thủ đô gió ngàn”
Để tới Tân Trào (Tuyên Quang) giờ có rất nhiều trục đường nối nhưng có hai con đường mà du khách thường lựa chọn ấy là tìm vào với Thị trấn Sơn Dương rồi rẽ đi Tân Trào hoặc từ tỉnh lỵ Tuyên Quang, qua địa danh nổi tiếng Bình Ca, cắt qua Trung Sơn, Đạo Viện cũng tới được với Tân Trào. Tất cả đều hanh thông, dễ đi.
Những ngày này, có rảo bước lên với Tân Trào người ta mới thấy được hết tinh thần và không khí cách mạng sục sôi dạo nào lại tái hiện cùng miền đất này. Dọc đường vào, chỉ cách trung tâm xã cùng các địa danh nổi tiếng một thời như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Nà Nừa… cả chục cây số, cờ hoa đã được người dân soạn sửa, cắm ở những nơi trang trọng nhất để đón chào du khách trăm miền về với Tân Trào, về với “Chiến khu cách mạng dựng lên cộng hòa” dạo nào.
Mùa này, đến với Tân Trào, ngoài một không gian ăm ắp thanh bình thì người ta còn chứng kiến màu xanh mướt mắt của lúa ngô đang bước vào kỳ đứng cái, làm đòng. Cùng với màu xanh mướt mắt và thanh bình ấy, con sông Phó Đáy – con sông đã không ít lần đi vào huyền thoại trong những vần thơ của Bác Hồ uốn quanh, đẹp như một nét vẽ ôm lấy những mái nhà sàn bình yên, những “Bờ xôi, ruộng mật” hút tầm mắt, đẹp đến mê hoặc với du khách.
Với một diện tích không lớn, trập trùng núi đồi, khu di tích lịch sử “Chiến khu gió ngàn” - ATK (An toàn khu) Tân Trào (nằm trên hai huyện Yên Sơn và Sơn Dương của Tuyên Quang) đã có 15 di tích và cụm di tích lớn nhỏ nổi tiếng. Tại đây, từ năm 1941 đến năm 1945 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc tuyên bố bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và giải phóng Thủ đô Hà Nội…
Chớm Thu, đất Tân Trào đón chúng tôi bằng cái nắng hanh vàng như rót mật xuống núi rừng cùng những nụ cười đầy thân thiện của người dân trên miền đất cách mạng. Tại trụ sở khá khang trang, chúng tôi được gặp ông Hoàng Cao Khải – Chủ tịch xã Tân Trào, một con người của công việc. Ấm trà Vĩnh Tân, một trong những thương hiệu nổi tiếng của vùng đất này được rót ra mời khách, ông Khải bộc bạch: Vốn là miền đất chiến địa nên cái gì ở đây chúng tôi cũng luôn xác định là phải cố gắng. Trong thời chiến đã vậy, thời bình mà để cho đất Tân Trào nghèo, dân Tân Trào khó là phụ công vào các bậc tiền bối gây dựng cách mạng và làm xấu lòng người dân trên mọi miền đất nước khi tới thăm Tân Trào.
Vươn lên cùng đất nước
Hiện tại ATK Tân Trào có 5 dân tộc anh em, nhiều nhất là người Tày, ít nhất là người Cao Lan sinh sống tại 8 thôn với 1.213 hộ cùng 5.127 khẩu. Ngày bi đát nhất của Tân Trào ấy là phải kể đến năm 2010 khi đất này có tới 58% hộ nghèo. Tuy nhiên, với một “lòng tự trọng” riêng có của người chiến khu, được sự quan tâm của các cấp ngành, bằng sự vận động của nội lực nên chỉ sau đó 8 năm, bước vào năm 2018 hộ nghèo ở Tân Trào chỉ còn 5,52% hộ.
Tân Lập, nơi mà 74 năm về trước đã diễn ra sự kiện trọng đại Quốc dân Đại hội Tân Trào nay đã có những thay đổi ngoạn mục .
Cũng với quan điểm tận dụng và phát huy nội lực, ngoài diện tích ruộng, diện tích hoa màu, năm mùa đổi vụ; cứ chắt chiu, chịu khó như vậy, tận dụng tất cả các khoản thu, chi tới nay Tân Trào đã khởi sắc. Cùng với việc đưa cây trồng vật nuôi vào thay thế các cây trồng kém hiệu quả như chè, chuối, ổi… mà thu nhập bình quân của xã đã đạt 30 triệu đồng/người/năm. 100% thôn có internet; 100% số hộ gia đình trong xã sử dụng điện an toàn và 100% hộ gia đình có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh… Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân quê hương cách mạng, cũng như sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ cách mạng.
Theo các chuyến xe, hàng hoá nông sản được chở ra nơi tiêu thụ cùng với đó là tiền và các vật dụng khác được đưa vào. Nhờ những khởi sắc này mà trẻ em vùng chiến khu Tân Trào đã không còn suy dinh dưỡng, 100% trẻ em ở các lứa tuổi được đến trường. Theo những nhịp đổi mới hối hả, chúng tôi tìm vào thôn Tân Lập, nơi mà 74 năm về trước đã diễn ra sự kiện trọng đại Quốc dân Đại hội Tân Trào. Nằm ở phía Đông của xã Tân Trào, thôn Tân Lập có 182 hộ với 802 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày. Tân Lập gắn liền với thời gian Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1945.
Ông Hoàng Ngọc, năm nay đã 83 tuổi, là người đã từng chứng kiến sự kiện trọng đại này rất tự hào về sự đổi thay của quê hương mình. Theo ông Ngọc, nhờ có sự hỗ trợ, vươn lên của người dân, từ 63 hộ nghèo nay Tân Lập chỉ còn chưa đến 10 hộ nghèo và cận nghèo. 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đều theo học tiếp các trường phổ thông trung học. Đặc biệt các gia đình ở Tân Lập đã tham gia câu lạc bộ gia đình hạnh phúc và đây là những con số mà không phải vùng đồng bào dân tộc nào cũng có thể làm được. Với sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân thôn Tân Lập và các thôn khác đã góp phần đưa xã Tân Trào từ năm 2014 trở thành xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và trở thành xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện.
Tân Lập, nơi mà 74 năm về trước đã diễn ra sự kiện trọng đại Quốc dân Đại hội Tân Trào nay đã có những thay đổi ngoạn mục .
Đợt vào Tân Trào này, chúng tôi cũng đã tìm tới nhà cụ Nguyễn Tiến Sự khi ấy là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào và cũng là nơi đầu tiên Bác Hồ chọn làm chỗ ở và hoạt động. Trong ngôi nhà sàn gỗ đặc thù của vùng chiến khu Việt Bắc căn nhà của ông Sự không thiếu một thứ gì. Con dâu của cụ Nguyễn Tiến Sự, bà Hoàng Thị Mai hồ hởi: “Bây giờ cả xã và nhà tôi hết đói rồi nhà báo ạ. Ở đây, nhà nào mà để cho mình đói là xấu hổ, là phải sửa ngay thôi”. Trò chuyện với bà Mai, tôi được biết, hiện tại ngoài ruộng vườn, nhà cụ còn đầu tư máy sát, mở rộng chăn nuôi. Mỗi năm, ước tính, trừ tất cả các chi phí gia đình còn cất vào tủ được đến vài chục triệu đồng.
Trong các thôn hiện có ở Tân Trào thì thôn Bòng xưa là thôn được coi là xa xôi và hắt hiu nhất. Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Không giấu vẻ hồ hởi, phấn khởi, ông Ma Văn Yên- Trưởng thôn- dường như thuộc nằm lòng những gì đang diễn ra ở thôn, cho biết: Hiện thôn có 177 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 36 triệu đồng/năm, số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ. Kể từ khi triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… và từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ gia đình chị Hoàng Thị Phong, người dân tộc Nùng, hiện đang trồng 2.000 cây Thanh long, có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm…
Chia tay với Tân Trào, cái thuở “hắt hưu lau xám” đã nhanh chóng qua đi. Thay vào đó là một khởi sắc về kinh tế và một tinh thần “đậm đà lòng son” của những người con sinh sống trên quê hương cách mạng.
Theo congluan