Sự kiện hot
8 năm trước

Tăng phạt, vi phạm quảng cáo vẫn nhan nhản

Theo quy định, từ ngày 5/5, người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh... nằm trong diện bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn tràn lan trên khắp các ngõ ngách, phố phường Hà Nội.


Quảng cáo rao vặt tràn lan đường phố... Ảnh: HP

Cấm cũng như... không

Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP và Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/5. Theo nội dung nghị định này, nhiều lỗi vi phạm liên quan đến quảng cáo rao vặt bị tăng nặng mức xử phạt. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Đáng chú ý là quy định phạt tiền từ 1 -2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, đồng thời với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo vi phạm liên quan tới hành vi trên còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Chế tài xử phát đối với hành vi vi phạm nêu trên được tăng nặng với hy vọng sẽ đẩy lùi mạnh mẽ vấn nạn quảng cáo rao vặt trái phép. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, hiện nay tình trạng phát tờ rơi, quảng cáo rao vặt trái phép vẫn tràn lan trên nhiều tuyến phố. Các khu vực đông dân cư tại một số quận như Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông... tình trạng tờ rơi, quảng cáo rao vặt vẫn ngang nhiên xuất hiện ở cột điện, tủ điện, gốc cây, tường… Khu vực gần các trường học nhan nhản quảng cáo cho thuê phòng trọ, dịch vụ Internet, cầm đồ sinh viên, biển quảng cáo quán nhậu, photocopy... thò ra thụt vào lộn xộn. Ở các khu dân cư thì bất cứ đâu có khoảng trống, tường nhà, bốt điện thoại, cột điện… là nơi đó dày đặc các quảng cáo “thông hút bể phốt”, “khoan cắt bêtông”, “cho vay không thế chấp”, thậm chí cả quảng cáo siêu thị này khuyến mãi, khu căn hộ kia giảm giá sốc…

Chị Đoàn Thu Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, không chỉ gần khu nhà chị ở mà hầu hết các tuyến phố đều xuất hiện tình trạng tờ rơi, quảng cáo, rao vặt... được dán nhan nhản. Thậm chí, có nơi dù UBND phường đã bố trí hẳn một khu vực dành riêng cho quảng cáo rao vặt nhưng tờ rơi vẫn được dán đầy tường cạnh bên. Ngoài việc dán nham nhở lên tường, cột điện, theo chị Oanh, tình trạng các nhân viên thời vụ đi phát tờ rơi quảng cáo về quán xá ăn uống, quần áo, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, điện máy... ở khu vực ngã ba, ngã tư nơi có đèn đỏ cũng không kém phần sôi động. “Dù không có nhu cầu nhưng thương những sinh viên thời vụ phải đội nắng để phát tờ rơi nên nhiều người đồng ý nhận, tuy nhiên, phần đa số người nhận chỉ xem qua loa rồi vứt ngay ra đường. Chỉ sau một buổi khu vực ngã tư nơi phát tờ rơi chẳng khác nào chợ cóc lúc hết hàng” - chị Oanh bức xúc cho biết.

Bao giờ hết cảnh ra quân rồi đâu lại vào đấy?


...Nhem nhuốc phố phường.

Thành phố Hà Nội đã có nhiều đợt ra quân đẩy lùi quảng cáo rác. Tuy nhiên, sau những lần ra quân rầm rộ đó, các vi phạm lại tái diễn. Nhiều mảng tường bị sơn đi, sơn lại nham nhở, chỗ đen chỗ trắng bởi khi lực lượng chức năng xóa đi, tờ rơi mới lại được dán đè lên. Trên các phố Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Thái Hà, Chùa Bộc… nhiều mảng tường được sơn màu vàng trước đây bây giờ được thay bằng những mảng màu trắng nhỏ do quét sơn xóa quảng cáo một cách qua quýt. Sự khác nhau về tông màu cũ và mới đè lên nhau khiến những bức tường trở nên nhôm nhoam, rất mất mỹ quan. Hiện tượng tương tự cũng tồn tại trên các cột điện, đèn công cộng, tủ điện dọc các vỉa hè. Ông Nguyễn Văn Minh và rất nhiều người dân ở khu tập thể Bóng đèn Rạng Đông (quận Thanh Xuân) đã nhiều năm liền bỏ công âm thầm đi bóc quảng cáo rao vặt trên đường Nguyễn Trãi, vừa là để thể dục vừa góp phần trả lại mỹ quan đường phố. Những tờ giấy A4 với nội dung quảng cáo rao vặt được dán lên tường lần lượt được bóc đi. Nhưng chỉ sau vài ngày, thậm chí vài giờ những tờ rơi quảng cáo lại “mọc” lên như cũ. Nhiều năm nay, vỉa hè đường Nguyễn Trãi có cuộc chiến bóc - dán âm ỉ và chưa có hồi kết. “Mình chỉ là người dân, có cấm được người dán đâu. Chỉ còn cách là trường kỳ chiến đấu”, ông Minh nói.

Công cuộc đẩy lùi quảng cáo rao vặt ở Hà Nội được triển khai từ cuối năm 2009. Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt vĩnh viễn hàng nghìn số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm quy định. Sở VH-TT yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động quảng cáo đến mọi người dân; Tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã có các biện pháp làm sạch quảng cáo rao vặt và chống tái vi phạm như “xóa, bóc, tháo dỡ đến đâu thì sơn vôi, hoàn thiện, chỉnh trang và tổ chức bảo vệ quản lý đến đó”. Giải quyết triệt để với những biến hình mới của quảng cáo rao vặt vi phạm gồm treo trên dây điện, cây xanh, cột điện, gắn với các biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm... nhưng rồi, vi phạm vẫn tái diễn.

 

Nhà mạng không thể đứng ngoài cuộc

Luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Tất cả những biển rao vặt đều có số điện thoại liên lạc, tuy nhiên, để tìm chủ nhân của những số điện thoại này là rất khó khăn, vì một người có tới 4-5 số thuê bao. Để văn bản được thực thi thì cần bổ sung về việc "quy trách nhiệm đối với nhà mạng". Khi có vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền có quyền điều tra, cung cấp những thông tin liên quan tới việc vi phạm. Nếu buộc trách nhiệm của nhà mạng vào việc phải thông tin rõ, ai là chủ nhân của số thuê bao "hiện hữu" trên những tấm quảng cáo, rao vặt "nhức mắt" hiện tượng quảng cáo, rao vặt sai quy định mới chấm dứt”.

 

Hà Phương
Theo GĐ&XH

Từ khóa: