“Tôi lo viện phí tăng, bệnh nhân nghèo không thanh toán nổi sẽ... bỏ điều trị hoặc “bùng” viện phí”.
“Tôi lo viện phí tăng, bệnh nhân nghèo không thanh toán nổi sẽ... bỏ điều trị hoặc “bùng” viện phí”.
Dù thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh giá 447 dịch vụ y tế đã ban hành từ 2/3 nhưng tới thời điểm này, các bệnh viện vẫn “im hơi lặng tiếng” dù chính họ là đơn vị sốt ruột nhất mong Chính phủ ban hành chính sách này.
Sợ người bệnh… bùng
Liên Bộ Y tế - Tài chính vừa có thông tư về mức viện phí mới, gồm 447 dịch vụ y tế và giá ngày, giường bệnh. Mức viện phí mới áp dụng từ ngày 15/4. Số dịch vụ y tế tăng chỉ chiếm 12% tổng số gần 4.000 dịch vụ y tế hiện nay. 70% các dịch vụ tăng khoảng 5 lần nhưng cũng có dịch vụ tăng 20 lần.
Tuy nhiên, trái với không khí háo hức ban đầu, các BV hiện vẫn chưa có động thái tăng giá. “Tôi chưa có văn bản thông tư về việc tăng viện phí trong tay nên cũng chưa có triển khai gì” - PGS-TS Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E cho biết.
Tăng viện phí: BV lo bị... bùng tiền, Tin tức trong ngày, tang vien phi, vien ohi tang, kham chua benh, chi phi kham chua benh, bao hiem y te, kham dich vu, bao, tin hay, tin hot, tin tuc
Theo thông tư điều chỉnh viện phí, bệnh nhân nằm ghép sẽ chỉ phải thanh toán 50% tiền giường
TS Nghị cũng bày tỏ: “Tuy chưa chuẩn bị điều chỉnh, nhưng khi viện phí tăng thì phần tăng thu được trước mắt chúng tôi sẽ đầu tư cho hạ tầng vì hiện nay hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế của BV E rất xập xệ mà chưa có tiền để cải thiện. Chỉ có điều, tôi lo viện phí tăng, bệnh nhân nghèo không thanh toán nổi sẽ… bỏ điều trị hoặc “bùng” viện phí”.
Đó cũng là lo lắng của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 La Đức Cương. Ông Cương khẳng định: “Chưa có thông tư trong tay nên cũng chưa rõ triển khai thế nào”.
Tuy nhiên, ông Cương không háo hức lắm với việc tăng viện phí mà chỉ mừng cho đồng nghiệp. Mỗi năm bệnh viện này thu chưa đến 1 tỷ đồng, vì 80% số bệnh nhân của bệnh viện là người nghèo, phải nộp viện phí rất ít. Không những thế, họ còn thường xuyên xếp hàng ở cửa phòng giám đốc để xin miễn giảm viện phí. “Viện phí tăng, có lẽ chỉ có tôi là bận rộn hơn mà thôi. Vì nếu không đồng ý miễn viện phí thì họ cũng “bùng” - bác sĩ Cương cho biết.
Cần phân loại bệnh nhân
Tại các tỉnh, tình hình cũng im ắng như vậy. Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng – Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tổng số dịch vụ điều chỉnh tăng chỉ chiếm 10% số dịch vụ mà bệnh viện cung cấp nên phần tăng cũng không đáng kể. “Phần tăng ấy chỉ giúp được phần nào cán cân thu chi trong bệnh viện, có thêm một phần tích lũy để bệnh viện có thể chi cho nhân lực, giữ được lực lượng lao động”- ông Xáng nói.
Tuy nhiên, dù chưa điều chỉnh viện phí thì nhiều bệnh nhân đã rất hoang mang. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Quynh (thôn Tân Bình, xã Ninh Ninh, huyện Ninh Hòa) đang chăm con gái bệnh nặng.
Ông Quynh cho biết: “Hôm 7/3, khi con vào viện đã phải đóng 3 triệu rồi mà hôm nay người ta bảo còn thiếu gần 2 triệu nữa, tôi chưa biết phải xoay xở đâu ra mà đóng, kiểu này chắc phải đưa con về nhà chịu chết”.
Nhắc đến chuyện tăng viện phí, ông Quynh ngân ngấn nước mắt nói: “Các dịch vụ mà tăng cao như thế, chết dân nghèo như chúng tôi thôi. Tôi là công nhân làm đường, mỗi tháng chỉ làm được chừng 20 ngày, vợ tôi làm ruộng chưa đủ ăn. Gia đình tôi nghèo nhưng thôn bảo con lớn cả rồi nên không được công nhận hộ nghèo, không có BHYT hộ nghèo. Viện phí tăng thế này, khi đau khi ốm biết bấu víu vào đâu”.
Cũng lo sợ như Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, nhiều lãnh đạo bệnh viện tỉnh cho rằng, viện phí càng tăng cao thì người nghèo càng khốn khổ. Cho dù có BHYT thì việc đồng chi trả cũng khiến họ kiệt quệ. “Cần có sự phân loại để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Bộ Y tế đã công bố xây dựng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo song song với tăng viện phí, Bộ Y tế cần làm ngay nhưng cần phải thực hiện”- ông Xáng mong mỏi.
Diệu Linh - Mai Khuê
Theo Dân Việt