Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn ngành đã có những chuyển biến lớn trong việc phát triển các ngành hàng nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu sản xuất toàn ngành đã được rà soát, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu ở Cà Mau. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Để thực hiện tái cơ cấu đồng bộ, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung hình thành phát triển 3 trục sản xuất theo các cấp độ sản phẩm từ cấp quốc gia, đến cấp tỉnh và cấp địa phương. Sự phát triển của các trục sản xuất này phải gắn với thị trường, lấy thị trường là động lực sản xuất.
Đó là nội dung trọng tâm tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tái cơ cấu nông nghiệp, do Bộ này tổ chức sáng nay (25/8), tại Hà Nội.
Tái cơ cấu gắn với nhu cầu thị trường
Đánh giá những kết quả ban đầu sau 3 năm tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, trong 3 năm (2013-2015), mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.
Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân (thu nhập bình quân hộ nông dân đã tăng từ 73,2 triệu đồng/năm 2012 lên 97,6 triệu đồng năm 2015).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế như: sức cạnh tranh nông sản chưa cao, chuỗi giá trị còn ngắn, thị trường xuất khẩu chưa bền vững. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm nông sản còn nhiều bất cập, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư chưa nhiều, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp trên cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa….
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, bởi đây là một trong những thành phần chủ lực nhất trong tái cơ cấu.
“Cùng với đó là phải đẩy mạnh xã hội hóa, xã hội hóa càng nhiều càng tốt. Qua 3 năm cho thấy, những việc đã xã hội hóa đều rất phát triển. Nhà nước chỉ quản lý, xây dựng cơ chế chính sách, giám sát, kiểm tra, xử phạt bằng các rào cản pháp luật,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nêu ý kiến.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp (IPSARD) cũng cho rằng, bên cạnh việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cần phải đột phá chính sách đất đai để tích tụ ruộng đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi. Đất đai trong nông nghiệp cần được sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường.
“Tái cơ cấu không thể vội vàng”
Chỉ đạo tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra yêu cầu cũng là nhiệm vụ cho toàn ngành nông nghiệp phải tiến hành tái cơ cấu tạo ra những sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại buổi làm việc về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực phức tạp chúng ta không thể vội vàng mà cần có thời gian để làm từng bước, bền vững, tránh cách làm hình thức phong trào trong quá trình thực hiện.
“Tái cơ cấu không chỉ làm ra những sản phẩm chúng ta có thể làm, mà phải hướng đến những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, từ đó phải xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là những quốc gia mà chúng ta đã ký kết các hiệp định đàm phán song phương và đa phương. Bên cạnh đó phải xác định những sản phẩm chủ lực, lợi thế cạnh tranh để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Việc tái cơ cấu trong thời gian tới, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng xác định ngành nông nghiệp sẽ tập trung hình thành 3 trục phát triển liên quan đến cấp độ sản phẩm bao gồm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm quy mô cấp địa phương. Các sản phẩm cũng sẽ được định hướng cung cấp cho từng thị trường quốc tế và trong nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở cấp quốc gia, ngành sẽ chọn 10 sản phẩm quốc gia có lợi thế, có giá trị và độ bền vững cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, coi đây là ngành hàng quốc gia. Căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, độ mở thị trường sẽ mở rộng thêm sản phẩm.
Trục thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh, là những sản phẩm mang tính lợi thế, đặc thù của tỉnh. Sản phẩm cũng phải tính đến thị trường nội địa, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Trục thứ 3 là sản phẩm quy mô cấp địa phương. Tuy sản phẩm địa phương nhưng vẫn phải có công nghệ chế biến. Thị trường cung cấp tại chỗ, các tỉnh và có cả thị trường xuất khẩu như mô hình “mỗi làng một sản phẩm” đang được thực hiện rất thành công tại Quảng Ninh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, cần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu của 3 trục trên ở mọi cấp độ. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
"Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
theo Vietnam+