Sự kiện hot
11 năm trước

Tạo động lực để ngành thủy sản mạnh về biển, giàu từ biển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự thảo Nghị định về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 lưu ý đẩy mạnh, mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; cơ chế, giải pháp đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá...


Khai thác cá ngừ đại dương. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay vốn phục vụ sản xuất với lãi suất ưu đãi. Với các chính sách này, cùng với tầm nhìn dài hạn sẽ là động lực cho ngành thủy sản phát triển mạnh về biển, làm giàu từ biển, nâng cao sức cạnh tranh gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cơ chế thị trường đem lại hiệu quả sản xuất cao

Với chiều dài bờ biển 3.260km cùng 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, hàng hải, du lịch biển... Phát huy lợi thế đó, Việt Nam đã từng bước đưa nghề cá nhân dân đến với cơ chế thị trường và nay tiếp tục xây dựng ngành "cơ bản được công nghiệp hóa-hiện đại hóa" gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra.

Không chỉ có tiềm năng tự nhiên lớn nhờ bờ biển dài, Việt Nam còn sở hữu hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ trong vùng biển; có nhiều vịnh, vũng, eo ngách, các dòng hải lưu, sông, ngòi... vừa là ngư trường khai thác hải sản thuận lợi, vừa là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng các khu căn cứ hậu cần nghề cá. Tiềm năng đó đã và đang tạo nền tảng và cơ hội cho nghề cá phát triển ở tất cả các loại hình thủy sản trên các vùng sinh thái khác nhau. Sự phát triển toàn diện, đa lĩnh vực nhưng có trọng tâm, trọng điểm đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu thủy sản.

Trong 10 năm qua, sản xuất thủy sản Việt Nam tăng mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ mà thủy sản Việt Nam đã đi tới (kim ngạch xuất khẩu 6,7 tỷ USD trong năm 2013), ngành thủy sản Việt Nam nhanh chóng lọt vào tốp 10 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Sự tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu cùng với quá trình hội nhập thị trường quốc tế càng tạo động lực cho ngành thủy sản trưởng thành về mọi phương diện.

Việc khai thác thủy sản, đặc biệt là hải sản có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ trong sự phát triển chung của ngành mà còn khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Nghề cá Việt Nam đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ lên nghề cá thương mại, bước đầu tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Điều đó đã được thể hiện qua sự tăng nhanh về công suất và số lượng tàu cá khai thác xa bờ, cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi mạnh theo hướng đánh bắt các sản phẩm cho thị trường xuất khẩu. Các nghề vây khơi, rê khơi, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, nghề khai thác cá ngừ đại dương đã mở ra hướng phát triển hiệu quả cho khai thác hải sản xa bờ. Theo tiến sỹ Ngô Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có thể xây dựng nghề cá ngừ đại dương thành nghề cá công nghiệp - mũi nhọn khai thác xa bờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Đây sẽ là nghề cá công nghiệp, nghề cá thương mại hoạt động trên vùng biển xa. Bởi Việt Nam có nguồn trữ lượng cá ngừ cho phép khai thác khá lớn, hiện mới chỉ khai thác khoảng 20% sản lượng cho phép, trong khi nhu cầu tiêu dùng cá ngừ trên thế giới ngày càng tăng.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cơ chế thị trường đem lại hiệu quả sản xuất cao, khơi nguồn thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tự có của đông đảo nông, ngư dân vào lĩnh vực này. Điển hình như phong trào nuôi tôm công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Phong trào đã tạo nền tảng vững chắc về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển. Nuôi tôm nhanh chóng trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn thu hút nhiều vốn, tạo nhiều việc làm và tăng nhanh thu nhập cho người dân. Sản phẩm tôm xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2013 là 46%) trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành, trong đó, sản lượng và giá trị tôm chân trắng đã vượt tôm sú, song mặt hàng tôm sú vẫn là ưu thế lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam .

Không chỉ có thế mạnh về tôm nuôi, Việt Nam còn sở hữu mặt hàng xuất khẩu gần như độc nhất trên toàn cầu là cá tra (chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu cá tra thế giới). Cá tra không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà đã trở thành sản phẩm chiến lược của quốc gia. Nhờ vậy, loài cá này đã nhanh chóng có mặt phổ biến tại thị trường châu Âu, nằm trong danh sách 10 sản phẩm thủy sản được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, cùng với việc phát triển mạnh các đối tượng nuôi sản xuất hàng hóa lớn như tôm, cá tra thì các đối tượng nuôi khác như cá lồng, tôm hùm, nhuyễn thể, cá biển, rong biển, ngọc trai... đang được nhiều địa phương mở rộng quy hoạch, tận dụng môi trường tự nhiên để phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục Thủy sản), các mô hình nuôi trên biển đang được phát triển mạnh ở các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh... và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ven biển.

Nâng cao chuỗi giá trị gia tăng


Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, hiện nay ngành thủy sản đã có bước phát triển nhanh, ổn định nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế còn yếu, chất lượng sản phẩm gặp nhiều rủi ro trước những rào cản kỹ thuật. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất; khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh sản xuất, thương mại giữa các lĩnh vực sản xuất thủy sản, giữa các nhà sản xuất nguyên liệu, các nhà chế biến, các thương nhân, các nhà đầu tư tín dụng... theo chuỗi giá trị ngành hàng để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong khai thác hải sản cần tổ chức lại sản xuất sao cho phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường để nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả v à bền vững, kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Mô hình đồng quản lý sẽ phù hợp với vùng ven bờ, còn đối với khai thác xa bờ, cần tổ chức sản xuất trên cơ sở kinh tế hợp tác với các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình liên kết, liên doanh giữa ngư dân với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác. rong nuôi trồng thủy sản, các đối tượng nuôi chủ lực phải sản xuất theo quy mô công nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp làm nhiệm vụ chế biến xuất khẩu phải tổ chức các mô hình sản xuất gắn chế biến với các vùng nguyên liệu, gắn sản xuất với thị trường.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng việc chủ động về thị trường và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm là yếu tố cơ bản, quyết định sản xuất thủy sản bền vững. Trong khai thác cần phải điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, loại nghề hợp lý, dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác mới, đào tạo lao động... để từng bước hình thành các đội tàu lớn vươn ra vùng biển xa bờ, vừa góp phần hiện đại hóa nghề khai thác hải sản.

Lấy một mô hình sản xuất điển hình trong khai thác hải sản, ngành thủy sản đã chọn con cá ngừ để tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến khai thác bền vững mặt hàng này, từ đó tạo sự thay đổi căn bản trong lĩnh khai thác xa bờ. Nghề khai thác cá ngừ đại dương sẽ được cơ cấu lại đội tàu khai thác; nâng cao năng lực, chất lượng đội tàu; nâng cao kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản... Công ty cổ phần thủy sản Bình Định sẽ là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi từ khai thác đến thu mua, chế biến và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm, để phát huy thế mạnh vùng, lĩnh vực, một giải pháp quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho bước chuyển từ nghề cá nhỏ, thủ công, manh mún, mang tính tự phát sang nghề cá công nghiệp, nghề cá thương mại, nâng cao sức cạnh tranh là hình thành các trung tâm nghề cá lớn. Việt Nam sẽ hình thành 6 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Tại Hải Phòng, trung tâm nghề cá được xây dựng sẽ gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ, Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ, Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ và Cần Thơ gắn vùng phát triển nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, các trung tâm nghề cá được đầu tư tập trung cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hướng đến một nghề cá hiện đại. Ngoài cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu công nghiệp chế biến, cơ sở đào tạo nguồn lực, mỗi trung tâm sẽ có những khu chức năng riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phục vụ cho sự phát triển nghề cá của vùng. Chẳng hạn như hệ thống cảng biển, trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thủy sản ở trong và ngoài nước sẽ phát triển tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ; trung tâm sản xuất con giống sẽ được phát triển tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu; trung tâm giao dịch thủy sản nước ngọt tại Cần Thơ; trung tâm sản xuất sản phẩm thủy sản truyền thống tại Kiên Giang...

Theo bà Dung, cùng với việc gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản, các trung tâm sẽ là đơn vị đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thương mại nghề cá, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, để thu hút sự đầu tư vào thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết ngành cần tái cơ cấu đầu tư công, xã hội hóa nhiều lĩnh vực trong đó ưu tiên vào các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, hệ thống thông tin nghề cá, vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản...

Bích Hồng
theo Vietnam+

Từ khóa: