65 năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân viên các thế hệ ngành Điện lực Việt Nam luôn tích cực lao động sản xuất, xây dựng nhiều công trình nguồn và lưới điện, đưa điện đến mọi miền Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020 và nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành Điện, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Đời sống và Tiêu dùng về chặng đường vẻ vang của ngành Điện trong suốt 65 năm qua và định hướng phát triển trong những năm tiếp theo.
- Phóng viên: Xin ông có thể đánh giá một cách tổng quát về những thành tựu của ngành Điện lực Việt Nam trong 65 năm xây dựng và phát triển?
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN: 65 năm là chặng đường không dài trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, có thể khẳng định, ngành Điện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là “Điện đi trước một bước”, có đóng góp to lớn cho đất nước, cho nhân dân, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dễ dàng thấy điều này nếu so sánh hệ thống điện từ ngày mới tiếp quản, tổng công suất đạt chỉ là 31,5 MW (năm 1954), đến nay đã lên tới gần 55.000 MW, gấp gần 1.800 lần. Từ một hệ thống điện nhỏ bé, lạc hậu và manh mún, sau 65 năm, hệ thống điện Việt Nam đã đứng thứ 23 thế giới và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, với đa dạng các nguồn điện và hệ thống lưới điện từ truyền tải đến phân phối, vươn tới 63 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Từ chỗ, điện chỉ là nguồn sáng dành cho một số người thuộc giai cấp thực dân cai trị, đến nay điện lưới quốc gia đã về đến tận các bản làng heo hút, miền núi và hải đảo xa xôi với 100% số xã và 99,47% số hộ dân cả nước được sử dụng điện với chất lượng ngày càng cao. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn, là hình mẫu để nhiều quốc gia học tập. Điện đã mang lại nguồn ánh sáng, thắp sáng niềm tin, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cải thiện đời sống người dân nông thôn nói riêng, góp phần hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia về Xóa đói giảm nghèo. Đến nay, đã có trên 90% số xã đạt Tiêu chí số 4 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, thực hiện Điện khí hóa nông thôn, cũng như thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, đảm bảo phát triển bền vững, giữ vững an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với đó, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN cũng có nhiều thay đổi tích cực. Chỉ số tiếp cận điện năng đã được cải thiện nhiều, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế, vươn lên vị trí thứ 4 khu vực ASEAN (vượt trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ).
Trong năm 2018, EVN đã được tổ chức Fitch Ratings đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB, đây là mức tín nhiệm tích cực. Cũng trong năm 2018, EVN được đánh giá là doanh nghiệp bền vững Việt Nam; Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là một trong các DNNN hàng đầu về minh bạch thông tin.
PV: Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm để ngành Điện lực Việt Nam có được những thành tích như vậy?
Ông Dương Quang Thành: Để đạt được những thành tích nổi bật trên, theo tôi có 5 bài học kinh nghiệm được rút ra:
Thứ nhất, ngành Điện luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ. Trong văn kiện Đại hội III của Đảng, khi đề cập đến việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất giai đoạn 1961-1965 đã chỉ rõ: “Điện phải đi trước một bước”. Đây cũng là định hướng xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Điện. Các văn kiện của tất cả các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều đưa ra chiến lược, định hướng, kế hoạch và tiêu chí phát triển ngành Điện. Trong điều hành, Chính phủ cũng luôn chỉ đạo sát sao, đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp, đẩy mạnh phát triển ngành Điện, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo các dự án điện được đưa vào vận hành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, có đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Thứ hai, truyền thống chiến đấu anh dũng, lao động sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và công nhân lao động ngành Điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Những lãnh tụ cách mạng xuất thân từ công nhân ngành Điện như đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn An… luôn là những tấm gương sáng cho cho thế hệ kế tiếp của ngành Điện học tập, noi theo. Đó là tinh thần trách nhiệm với công việc, với quê hương, đất nước, là tính tuân thủ mệnh lệnh, tuân thủ quy định, quy trình và là tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, đồng lòng, dám nghĩ, dám làm, tất cả vì sự phát triển ngành Điện, sự phát triển đất nước.
Thứ ba, ngành Điện là một trong những ngành được quy hoạch từ sớm và thực hiện đúng quy hoạch đề ra. Công tác quy hoạch phát triển điện được Nhà nước, Chính phủ quan tâm ngay từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1971, chúng ta đã xây dựng Đề án Sơ đồ lưới điện. Năm 1980 bắt đầu xây dựng Tổng sơ đồ phát triển điện lực quốc gia.
Đến nay, ngành Điện đã có 7 Quy hoạch điện Quốc gia gắn với các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đang tiến hành xây dựng Quy hoạch điện XIII. Các quy hoạch điện chính là cơ sở xây dựng các dự án nguồn và lưới điện. Vì điện là loại hàng hóa đặc thù, sản xuất và tiêu thụ xảy ra đồng thời, không có dự trữ nên phải có quy hoạch để cân đối cung cầu và thực hiện theo tiến độ phù hợp.
Thứ tư, ngành Điện kịp thời tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, ngành Điện đã tiếp nhận công nghệ tuabin khí là công nghệ phát điện tiên tiến. Đặc biệt, năm 1992 ngành Điện đã xây dựng đường dây và các TBA 500kV, là tiền đề áp dụng KHCN mới vào hệ thống điện Việt Nam.
Cùng với ứng dụng công nghệ tuabin khí, công nghệ lưới điện cao áp, ngành Điện cũng đã xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao. Đồng thời với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA/ EMS), nhờ đó, điều độ viên có thể bao quát, giám sát được tình trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống điện từ các trung tâm điều khiển.
Thứ năm, ngành Điện luôn nhận được sự ủng hộ từ các nước XHCN trước đây, do thực hiện chính sách mở cửa và xã hội hóa đối với ngành Điện. Nhờ sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN anh em, nhiều nhà máy điện đã được xây dựng như thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An… nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại,… Đặc biệt, Liên Xô cũng đã giúp ngành Điện lập Quy hoạch phát triển điện lực đầu tiên giai đoạn 1981-1985, tiếp theo là nhiều quy hoạch sau này làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình điện.
Sau ngày hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, ngành Điện lực Việt Nam bắt đầu tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ của các nước Tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó mà toàn ngành đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng hệ thống điện quy mô lớn, hiện đại như Trung tâm Điện khí Phú Mỹ, Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện,… được trang bị các thiết bị công nghệ tiên tiến thế giới, đặc biệt là từ các nước G7. Nhờ mở rộng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, cán bộ công nhân ngành Điện đã từng bước được tiếp cận và làm chủ được thiết bị, khoa học công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
PV: Nhiệm vụ của EVN hiện nay có gì khác so với các giai đoạn trước đây, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Điện nói chung, EVN nói riêng, luôn là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn khác nhau, nhiệm vụ này lại có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Hiện nay, cùng với sự phát triển và đi lên của đất nước, yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, mục tiêu đặt ra cho ngành Điện sẽ ngày càng nhiều, trọng trách ngày càng nặng nề hơn.
Đó không chỉ là nhiệm vụ đưa điện đến 100% thôn bản, đảm bảo cho 100% người dân nông thôn được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia an toàn, ổn định, mà còn là trọng trách không ngừng nâng cao chất lượng điện năng và các dịch vụ khách hàng. Đó không chỉ là xây dựng, vận hành an toàn các trung tâm điện lực lớn, các dạng năng lượng mới như mặt trời, gió, điện sinh khối… mà còn là nhiệm vụ phải từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tiên tiến, tiếp tục giảm TTĐN và sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Trước mắt là, thực hiện tái cơ cấu EVN thành công, vận hành thị trường điện hiệu quả, triển khai Quy hoạch điện VIII theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.
PV: Thách thức phía trước vẫn còn nhiều, vậy EVN ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 như thế nào để có thể vượt qua thách thức nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước trong thời gian tới?
Ông Dương Quang Thành: Đúng là khó khăn chưa và sẽ không bao giờ hết. Điều đó cũng giống như khi chúng ta xây dựng được hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch 1, chúng ta đã tiếp tục nỗ lực xây dựng tiếp mạch 2, rồi mạch 3; hay khi xây dựng thành công Thủy điện Hòa Bình, chúng ta đã xây dựng Thủy điện Sơn La, Lai Châu, cùng rất nhiều trung tâm điện lực lớn khác như Vĩnh Tân, Duyên Hải... Chúng ta đã đóng điện thành công 89 nhà máy ĐMT trong khoảng thời gian 3 tháng (tháng 4,5,6/2019), một kỷ lục của thế giới…
Nói cách khác, cùng với thời gian, thách thức, khó khăn đang đặt ra ngày càng nhiều đối với ngành Điện. Nhưng, cùng với những khó khăn, sự nỗ lực, niềm đam mê và sáng tạo, bản lĩnh của những người làm điện sẽ ngày càng được rèn luyện, thử thách quyết liệt hơn và sẽ kiên định hơn. Tôi tin tưởng rằng, CBCNV ngành Điện nói chung, EVN nói riêng sẽ tiếp tục vượt qua các thử thách, lập nên những “kỳ tích” mới trong lao động dựng xây đất nước.
Tôi có thể kể đến việc EVN hoàn thành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La - lớn nhất Đông Nam Á vượt kế hoạch 3 năm, Nhà máy Thủy điện Lai Châu vượt trước 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội và đang vận hành hiệu quả. EVN cũng đã “chinh phục” đại dương bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển, đưa điện vượt sóng ra một loạt các huyện đảo xa xôi như Lý Sơn, Cô Tô, Phú Quốc... Xây dựng thành công hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 3 và chế tạo thành công nhiều máy biến áp lớn; làm chủ các công nghệ hiện đại…
Hiện tại, Tập đoàn đã và đang thực hiện một loạt giải pháp, trong đó phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”, giao cho các đơn vị thực hiện 36 đề án, dự án thành phần với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0, sớm đưa EVN trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực.
Nâng cấp và triển khai các hệ thống phần mềm dùng chung trong Tập đoàn, trong đó, Hệ thống quản lý văn bản (E-Office) đã được triển khai đến tất cả các đơn vị và thường xuyên được nâng cấp, bổ sung tính năng, giúp cho việc quản lý, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành luôn được chú trọng, như: Trang bị hệ thống quan trắc thủy văn cho các nhà máy thủy điện, hệ thống giám sát online cho các thiết bị chính, đã thực hiện điều khiển xa cho 599/810 TBA 220kV - 110kV.
Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, EVN đã nâng cấp và triển khai thống nhất các hệ thống phần mềm phục vụ kinh doanh và cung cấp dịch vụ điện, nâng cấp website chăm sóc khách hàng, kết nối đến Trung tâm hành chính công, cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến 63 tỉnh/thành phố, tạo thuận lợi cho các giao dịch. Với nhiều nỗ lực, từ tháng 12/2018, EVN cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4. EVN đã nâng cao chất lượng kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo hướng tạo thuận tiện tối đa cho khách hàng, hướng tới xây dựng một tập đoàn kinh tế “phục vụ” theo đúng nghĩa. Vì vậy, theo tôi, không có lý do gì để ngành Điện không thể khắc phục được các khó khăn, thử thách phía trước.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành Điện Việt Nam?
Ông Dương Quang Thành: Ngoài những thành tích cơ bản trong việc đảm bảo đủ điện, thực hiện tốt sứ mệnh “Điện đi trước một bước,” giá trị cốt lõi và thiêng liêng nhất mà các thế hệ những người làm điện Việt Nam đã tạo nên, theo tôi đó chính là sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, ý chí và bản lĩnh vượt khó. Nhớ lại cách đây đúng 65 năm, ngày 21/12/1954, khi Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ, từ đó ngày này đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam. Bác cũng căn dặn “Tất cả cán bộ và công nhân cần phải đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua, tăng năng suất và tiết kiệm, để xứng đáng là người chủ của nhà máy”.
Vì vậy, Tập đoàn luôn mong muốn, các thế hệ những người làm Điện nói chung, EVN nói riêng ngày hôm nay và mai sau luôn đoàn kết một lòng, chung sức thi đua lao động sản xuất, góp phần đưa dòng điện thắp sáng mọi miền đất nước. Các thế hệ ngành Điện cùng nhau có trách nhiệm và nghĩa vụ giữ mãi ngọn lửa, luôn “Thắp sáng niềm tin” trong Đảng, trong Nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lã Vọng (thực hiện)
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng