Hơn 900 ngày bên Ams mà sao trôi nhanh quá, bây giờ chỉ còn 90 ngày và mỗi lúc một ít đi.
Hơn 900 ngày bên Ams mà sao trôi nhanh quá, bây giờ chỉ còn 90 ngày và mỗi lúc một ít đi.
Vũ Phương Mai, một Amser khóa 2009 - 2012, tiếc nuối khi những ngày tháng cuối cùng bên ngôi trường Hà Nội – Amsterdam dần trôi qua. Đó cũng là tâm trạng chung của hơn 500 Amser sắp phải từ biệt mái trường yêu dấu của mình. Và để lưu giữ những kỉ niệm, những khoảnh khắc ấy, trang “90 days of Ams” đã ra đời như một cuốn nhật kí về thời học trò không thể nào quên.
Bắt đầu từ ngày 19/2, mỗi ngày trên trang facebook này, các Amser lại được xem lại một bức ảnh về một góc kỉ niệm, về một điều rất riêng của Hà Nội - Amsterdam khi ở cơ sở cũ (số 1 Nam Cao, Hà Nội). Các bạn ấy sẽ đếm ngược từng ngày cho đến ngày ra trường. Đa phần các bức ảnh đều theo phong cách LomoGraphy - cổ kính và hơi mơ mộng.
Đó là món Mì tôm chanh với lịch sử gần 10 năm tăng giá. Đó là món chasu (cháo quẩy) mà Amser hay “ăn tranh” với các bé mầm non. Hay là quán Thanh chè, địa điểm "thổi gió, chém bão" của các cô cậu học trò.
Món mì tôm chanh được các Amser ăn dùng để lót dạ trước khi vào lớp
Đó có thể là một khoảng trời Ams đầy màu xanh của nắng. Đó là sân bóng rổ - niềm tự hào của các Amser khi gần như là trường THPT duy nhất ở Hà Nội có sân bóng rổ vào thời điểm cách đây 10 năm. Sân cũng là nơi xếp chữ Made in 12, là dịp con trai tặng con gái những món quà dễ thương trong ngày 8-3.
Đó là sự xuống cấp của một phòng học thể chất từng là sân bóng rổ và sàn gỗ cực sang. Để rồi theo thời gian, theo mưa nắng và những trận bóng, những trò bôi bẩn của những thế hệ nhất quỷ nhì ma, nó gần như trở nên hoang phế.
Đó có thể là một lỗ hổng trên hàng rào, một góc của căng tin quen thuộc. Chúng là những góc nhỏ mà chỉ riêng Amser từng trốn học, bùng tiết mới có thể biết về công dụng tuyệt vời của nó.
Hay một bức ảnh gợi nhớ về những ngày Hà Nội lụt, học sinh bì bõm lội nước đến trường. Những lớp học tắm mưa bị phạt, những giờ kiểm tra khi nước tới tận mắt cá chân.
Bức ảnh gợi nhớ về những kỉ niệm bì bõm đến trường
Với những kỉ niệm rất riêng và đáng nhớ ấy, trang Facebook mới ra đời chưa được 20 ngày nhưng đã có 800 người “like” và hơn 500 người bình luận. Nó đã thu hút không chỉ các Amser khóa 2009 - 2012 mà những cựu Amser cũng đến với trang này như tìm về kỉ niệm.
Một cựu Amser có nick name Dili Cloudy viết: "Đây là cảm giác của 08-11 vào năm ngoái… nhớ và thương một kỉ niệm mang tên Ams”.
Thảo Linh - một Amser khóa 2008 - 2011, nay là sinh viên ĐH Ngoại thương cũng gửi lời nhắn nhủ: “Các em cố gắng trân trọng những phút giây này nhé, đi khắp nơi cũng chẳng có chỗ nào bằng được Ams đâu”.
Cứ thế, cứ thế, mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày những dòng kỉ niệm đầy thêm mãi. Những lưu luyến, nhớ thương của các cô cậu học trò được giữ gìn như một kỉ vật thiêng liêng.
Cuối tháng 3 này, chuỗi sự kiện Made in 12 của các Amser khóa 2009 - 2012 sẽ được khởi động. Hòm đếm ngược sẽ được đặt tại sảnh chính trường Ams.
Nhưng đâu cần chờ đến lúc đó mới nhớ, mới thương bởi “biết bao nhiêu cho vừa, từng ngày và từng giờ. Ngày tháng sao vội đi, trôi qua không như ý” (lời bài hát Dòng thời gian, bài hát chủ đề của Made in 12 khóa 2008 - 2011).
Các Amser níu giữ dấu ấn tên trường tại cơ sở cũ (Số 1 Nam Cao)
Món Chasu “huyền thoại” từng gây nghiện biết bao Amser
Sân bóng rổ, niềm tự hào của học sinh Hà Nội - Ams
Căn phòng học thể chất tồi tàn theo mưa nắng
Một góc căng tin hay lỗ hổng trên hàng rào là thiên đường của các teen đi muộn hay “bùng” tiết
Một khoảng trời Ams trong xanh và đầy nắng
Một trong những bức ảnh cuối cùng được chụp tại trường cũ, khi trong lòng mỗi Amser ý thức được rằng: “Mình là một phần không hề bé của nơi này".
(Ảnh từ Facebook)
Việt Hùng