Sự kiện hot
13 năm trước

Teen 'thiệt đủ đường' vì quá hiền

Có khi cũng ấm ức trong lòng đấy nhưng nhiều teen vẫn chẳng dám nói ra.

Có khi cũng ấm ức trong lòng đấy nhưng nhiều teen vẫn chẳng dám nói ra.

Thế nhưng, liệu rằng teen đã thực sự hiểu rõ và biết nắm giữ quyền của mình hay chưa? Những câu chuyện chúng tớ dưa ra dưới đây không ít teen đã và đang hằng ngày gặp phải trong cuộc sống nhưng vẫn cứ "ngậm hột thị".

Câu chuyện số 1: 6 tháng rồi nhuận bút vẫn im re!

N. A (PTTH Chu Văn An, Hà Nội) là cộng tác viên cho một tờ báo mạng không mấy tên tuổi. Gọi đây là một việc làm thêm cũng không đúng lắm, bởi dù đã gắn bó hơn 6 tháng với nghề này và có gần trăm bài đăng báo, N.A vẫn chưa nhận được một đồng nhuận bút nào. Dĩ nhiên là cô nàng băn khoăn không ít về vấn đề này, nhưng thay vì đặt vấn đề trực tiếp với ban quản lý của tờ báo, cô nàng lại... "há miệng chờ sung", với lý do ngại đề cập tới chuyện tiền nong.

Bạn mất bao nhiêu công sức để có được một bài báo, nhưng tới nửa năm mà vẫn không nhận được nhuận bút, phải thắc mắc ngay (Ảnh minh họa)

Nhưng N. A không nhận thức được rằng sẽ không có gì đáng ngại nếu ta thắc mắc về những điều chưa rõ. Ù ù, cạc cạc cũng có nghĩa là bạn ấy đã tự bằng lòng quẳng đi công sức viết bài hơn nửa năm trời của chính mình.

Câu chuyện số 2: Thêm môn, thêm trò, tiền vẫn thế!

Diễm Hằng (PTTH Lê Hồng Phong, HCM) đã gắn bó với công việc gia sư được gần 3 năm. Thời gian gần đây, cô nàng đồng ý kèm cặp cho một cậu bé học lớp 9, với nhiệm vụ chủ yếu là giúp thằng bé ôn bài môn Toán. Vừa rồi, bố mẹ của cậu bé đề nghị cô nàng dạy kèm thêm môn Hóa và Lý cho Hưng (tên cậu bé) và hai người bạn cùng lớp nữa của Hưng. Giờ học vẫn thế, nhưng Hằng thấy mệt hơn khi một mình phải xoay sở 3 môn học, và trả lời ba chàng trai luôn tò mò đủ thứ.

Một học sinh đã mệt chứ đừng nói ba học sinh, thế mà bạn lại không được nhận lương xứng đáng (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, đến cuối tháng, số tiền lương mà Hằng nhận được vẫn không có gì thay đổi so với trước. Cô nàng hơi bức xúc, nhưng cũng ậm ừ nhận, mà chẳng dám mở miệng ra nói về đề nghị tăng lương. Vậy là những tháng sau đó, phụ huynh của học trò cứ số tiền đó mà đưa, khiến Hằng càng khó mở lời.

Rõ ràng bạn đang bị lợi dụng và phí sức, trong khi họ được hưởng lợi gấp ba, tại sao bạn lại chịu như vậy?

Câu chuyện số 3: Bị đánh tụt điểm số không lý do!

Hoàng Long (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đã kể với tớ về sự bất công trong thang điểm chấm bài thuyết trình của cô giáo. Theo Long, nội dung và phần trình bày thuyết trình của nhóm bạn ấy khá ổn, tương đương với các nhóm khác. Nhưng chẳng hiểu sao, điểm của nhóm Long vẫn thấp hơn các nhóm còn lại. Anh bạn kể mà không giấu nổi sự bất bình.

Nhiều teen thờ ơ với quyền lợi của mình (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi tôi hỏi tại sao không nói rõ những điều đó với cô giáo, anh chàng lại gãi đầu gãi tai: "Thôi chẳng sao, điểm chác như thế cũng ổn rồi". Ta đến trường đâu phải để bằng lòng với những gì thầy cô đưa. Nếu không thấy ngang bằng với công sức mình bỏ ra, tại sao bạn ngại thắc mắc?

Câu chuyện số 4: Nhóm trưởng mà chẳng có quyền!

Quân là nhóm trưởng của một nhóm thuyết trình môn Tài chính Doanh nghiệp. Cậu ấy phân công nhiệm vụ từng người rất rõ ràng, nhưng không phải ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Hùng, một thành viên khác trong nhóm, luôn tỏ ra bất hợp tác, lười nhác và rất hay viện cớ để đùn đẩy công việc sang cho người khác một cách dễ dàng. Kết thúc quá trình làm việc nhóm, thầy yêu cầu nhóm trưởng nhận xét phần đóng góp của từng người. Mặc dù không hài lòng về thái độ của Hùng, nhưng Quân vẫn đưa ra những nhận xét khá ổn để cậu bạn kia giành điểm số không tệ.

Hãy thể hiện vai trò nhóm trưởng ưu tú của bạn (Ảnh minh họa)

Như vậy, Quân không chỉ tự lờ đi quyền lợi của chính mình mà còn mang đến sự khó chịu cho những thành viên khác, vì một người không hề làm việc nhưng vẫn được hưởng lợi!

Mỗi người trong chúng ta, ngay từ khi sinh ra, đã được trao gửi rất nhiều quyền lợi. Bạn có mất gì không nếu bạn hỏi? Vậy nên đừng bao giờ từ bỏ quyền lợi của chính mình, bạn nhé!

Phương Di

Từ khóa: