Khi giá cả leo thang vùn vụt như hiện nay, cũng là lúc teen mình chẳng còn vô tư ngửa tay xin tiền phụ huynh như trước nữa.
Khi giá cả leo thang vùn vụt như hiện nay, cũng là lúc teen mình chẳng còn vô tư ngửa tay xin tiền phụ huynh như trước nữa.
“Choáng” vì muôn thứ tăng
Châm ngòi cho làn sóng bão giá đợt ra Tết vừa rồi là “cú nhảy ngoạn mục” 500 nghìn/bình gas 12 lít. Dân tình chưa hết hoàn hồn, thì xăng tiếp tục nhích giá lên vài phân. Ngày trước, một cốc trà sữa trân châu giá chỉ 8 nghìn nay đã gần gấp đôi. Nem chua rán - món ăn teen mình cực khoái khẩu cũng “mạnh dạn” tăng 3 nghìn so với trước (giá cũ 2 nghìn/chiếc). Xăng tăng, gas tăng, trăm thứ khác cũng “nhịp nhàng” leo thang, nên teen mình cứ gọi là “méo mặt” vì hầu bao đang đầy chẳng mấy chốc mà vơi.
“Từ khi xăng tăng giá, bố không cho mình đi xe máy nữa. Nhà cách trường tận 12km, mình toàn phải dậy từ 5 rưỡi để chuẩn bị cho kịp đạp xe", Ngọc Thảo (18 tuổi, Hoài Đức) chia sẻ.
Teen chọn xe đạp thay vì đi xe máy (Ảnh minh họa)
Với những cặp đôi đang yêu nhau, thì khoản “tình phí” cũng khiến các chàng “điên đầu” chẳng kém. “Mình và bạn gái, đi chơi trung bình 2-3 lần/tuần, vị chi mỗi tháng “đứt” hơn triệu. Nhưng trước tình hình bão giá như hiện nay, hai đứa đành phải cắt bớt khoản đi chơi, lượn lờ quán xá Chứ nếu “nhắm mắt đưa chân” hoài, chắc không chịu được nhiệt” - Tuấn (sinh viên năm nhất HV Báo chí Tuyên truyền) tâm sự.
Vì thế, trên “phây”, nhiều bạn đã hài hước comment rằng: Cứ đà này, dăm năm tới, chắc 200 nghìn chỉ đủ mua ổ bánh mỳ nhỏ xíu và xe đạp mới là phương tiện đi lại chính thay vì “xế nổ” như hiện nay.
Đến lúc phải giúp bố mẹ thôi
Áp lực tăng giá, teen mình thì phải đắn đo rất nhiều mỗi khi xin tiền nhị vị phụ huynh. Lâm Thy (17 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều hôm cả nhà đang ăn, ti vi đưa tin về lạm phát, giá cả, khiến không khí bữa cơm căng thẳng hẳn. Mẹ mình thì không ngừng nói về việc hôm nay mua hết bao tiền, tháng này lo những khoản gì và cắt giảm chi tiêu ra sao. Thành ra, giờ muốn xin tiền, dù là những nhu cầu rất chính đáng, mình cũng phải nghĩ tới nghĩ lui, đau hết cả đầu”. Cô nàng đã xin mẹ cho đi làm part-time nhưng mama gạt đi vì không muốn con gái phải khổ.
Teen nhà mình không thể ăn vặt thoải mái như trước nữa (Ảnh minh họa)
Nhưng trường hợp của Thy còn may mắn chán so với anh bạn Minh Quang (Từ Liêm - Hà Nội). Bố mất từ lúc anh chàng còn nhỏ, nên mọi chi tiêu trong nhà mẹ Quang cáng đáng hết. Nhìn dáng mẹ nhọc nhằn lo từng bữa cơm giấc ngủ cho hai anh em, cậu bạn đành xin làm chân bồi bàn tại một quán cà phê và nói dối mama là đi học thêm: “Nếu khai thật, mẹ sẽ không cho mình đi đâu. Nhưng mẹ vất vả quá rồi nên đã đến lúc mình phải nghĩ cho mẹ thôi”.
Cũng thu nhập từng ấy, nhưng giá cả tăng lên, bố mẹ chúng mình phải vất vả, lo toan thêm nhiều. Teen mình hãy chia sẻ gánh nặng cơm áo bằng việc hạn chế quán xá, bỏ ống heo hay những công việc part-time phù hợp. Mùa bão giá, sẽ bớt “căng” hơn và bạn không còn phải “cắn rứt” mỗi khi ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa.
Xuân Hưng