Hôm nay 23.6, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, trong tôi lại bồi hồi nhớ về những món ăn bà nội và mẹ thường làm dịp này với mong ước cho mùa màng tốt tươi và bệnh tật trong mọi người tan biến.
Hôm nay 23.6, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, trong tôi lại bồi hồi nhớ về những món ăn bà nội và mẹ thường làm dịp này với mong ước cho mùa màng tốt tươi và bệnh tật trong mọi người tan biến.
Tết Đoan Ngọ theo truyền thống xưa, con rể mang biếu bố mẹ vợ thúng gạo nếp, đôi chim ngói. Học trò lấy ngày này biếu thầy giáo đôi dưa hấu, người bệnh tỏ lòng biết ơn thầy thuốc với thúng gạo nếp, đậu xanh…
Tết Đoan Ngọ thời hiện đại, người ta không quan niệm là một dịp để bày tỏ tình cảm với người thân. Nhưng còn đó những niềm tin đó là ngày lành, trừ đi mọi điềm xấu trong mỗi người.
Bánh gio (tro) là một món ăn người dân quê tôi hay làm dịp Tết Đoan Ngọ
Mẹ tôi hay gọi nôm na Tết Đoan Ngọ là ngày “Giết sâu bọ”. Lúc còn nhỏ, tôi ngây thơ tưởng rằng sau ngày này, sâu bọ trên cây cối không còn nữa. Nhưng theo lý giải của mẹ, sớm mồng 5 tháng 5, khí trời chuyển giao đặc biệt, nếu dậy sớm, ăn chút trái cây, xôi chè, sẽ giúp thể trạng khỏe mạnh, tựa như mọi bệnh tật, muộn phiền trong cơ thể biến mất.
Năm nào mẹ tôi cũng làm chè đậu đen cho Tết “giết sâu bọ”. Thường thì mẹ nấu chè thật nhừ từ tối hôm trước, sớm hôm sau các con đã có thể ăn. Có khi mẹ thổi thêm xôi nếp, chúng tôi sẽ bỏ vào ăn cùng chè đậu để vừa ấm bụng, vừa thấy lạ miệng.
Bên cạnh chè đậu, các loại bánh dân tộc cũng là những món ăn không thể thiếu mà người dân vùng Đông Bắc Bộ quê tôi thường chuẩn bị cho ngày này.
Người đổ bánh gio (bánh tro), người làm chè kê ăn với bánh đa (bánh tráng), người còn kỳ công nấu xôi nếp, lên men rồi làm “cơm rượu” để ăn vào ngày mồng 5 tháng 5.
Xôi chè đậu đen là món ăn thường được nấu vào Tết Đoan Ngọ
Xôi nếp sau khi nấu chín, đợi cho khô rồi ủ men trong vài ngày. Xôi lên men thơm phức, nước ra đến đâu chắt uống tới đó, vừa ngọt, vừa thơm. Bã rượu nhai bùi, béo, thơm ngon. Chúng tôi nhấp nháp vài thìa con, má đã hồng đỏ, thấy người lâng lâng, phiêu phiêu, rất thú vị.
Chuẩn bị trái cây tươi, món ăn dân tộc cho gia đình xong xuôi, bà và mẹ tôi còn cẩn trọng ra vườn hái chút lá về làm thuốc. Bà nội tôi nói, mọi lá cây vườn nhà, hái trước khi mặt trời mọc sớm mồng 5 đều tốt cả. Thường thì bà nhằm sẵn các cây chu chi, chè tươi, bồ công anh trong vườn, tinh mơ hôm sau đã đi hái thật mau. Phơi khô đóng gói từng thứ, bà tôi cất những thứ lá thuốc ấy cẩn trọng, phòng khi con cháu đau đầu, sổ mũi.
Tôi đang sống tại Hà Nội. Cuộc sống thành thị bận rộn khiến cho không khí Tết Đoan Ngọ nơi đây thật nhạt nhòa. Trái cây vẫn bày như những ngày thường. Hiếm hoi lắm tôi mới nghe thấy một tiếng rao: “Ai rượu nếp đây!”. Nhiều đứa trẻ chẳng bao giờ biết đến tục khảo cây như tôi ngày bé, ôm cây và nghe cha hỏi: “Mít kia, năm sau mày có ra nhiều trái hay không?”...
Tết Đoan Ngọ xa nhà cho tôi những nỗi nhớ về những món ăn, phong tục đẹp mọi người gia đình mình gìn giữ suốt bao nhiêu năm qua.
Chè kê ăn bánh đa (bánh tráng) là món ăn mà trẻ con quê tôi ưa thích dịp Tết Đoan Ngọ
Trái cây vườn nhà là những thức quà không thể thiếu cho ngày Tết mồng 5
Ở nhiều chợ quê, lá thuốc nam được bày bán rất nhiều cho ngày Tết Đoan Ngọ
Theo Thanhnien