UBND tỉnh Thái Nguyên đang lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên cần hơn 8.386 ha đất và 75.343 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại; là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Trong lĩnh vực nhà ở, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29,5m2 sàn/người, khu vực đô thị là 35m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 25,8m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm hơn 6,5 triệu m2, tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 51.495 căn.
Trong đó, có hơn 2,2 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương 15.194 căn căn; 121.900 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 1.741 căn; 976.881 m2 sàn nhà ở tái định cư, với 8.141 căn và 3.184.416m2 sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng với 26.419 căn.
Tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở là 7.426,2 ha; tổng nhu cầu vốn dự kiến là 46.605 tỷ đồng, bao gồm 20.163 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp và 26.442 tỷ đồng là vốn của người dân.
Dự kiến đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 34,4 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm gần 8,8 triệu m2, tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 69.517 căn.
Tổng nhu cầu về diện tích đất để phát triển nhà ở là 8.386,5 ha; tổng nhu cầu vốn dự kiến là 75.343 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp là 18.350 tỷ đồng; vốn của người dân là 56.993 tỷ đồng.
Dự thảo quy hoạch cũng xác định rõ việc phát triển nhà ở tại các vùng. Chẳng hạn, khu vực phía Nam và đường vành đai 5 (TP Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên - Phú Bình – Đại Từ) sẽ quy hoạch tập trung phát triển vùng đô thị hóa cao, đa chức năng gắn với phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành. Đồng thời, phát triển các trung tâm thương mại - tài chính cấp vùng.
Khu vực này sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở chung cư theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư trong tổng số nhà ở mới phát triển hàng năm, hạn chế việc phân lô bán nền tại các dự án; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp theo mô hình tập trung; phát triển các khu đô thị, dự án nhà ở bám dọc theo tuyến đường giao thông quan trọng sẽ hình thành trong giai đoạn 2021 – 2030.
Khu vực phía Tây Bắc (Phú Lương - Định Hóa) là vùng công nghiệp (chế biến chè, khai khoáng...), dịch vụ du lịch và nông nghiệp được định hướng phát triển nhà ở tại khu vực đô thị theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung; giữ mật độ xây dựng thấp, tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển nhà ở thương mại, nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực An toàn khu Việt Bắc - ATK, khu di tích Đền Đuổm, hướng tới phong cách kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường,…
Tại khu vực phía Đông Bắc (Võ Nhai - Đồng Hỷ) cũng định hướng phát triển nhà ở khu vực đô thị theo mô hình khu đô thị tập trung; hạn chế tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ.
Ngoài ra, sẽ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân, người lao động làm việc tại các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản, người lao động làm việc trên địa bàn trong giai đoạn tới; phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát triển theo mô hình nhà ở sinh thái, gắn liền với sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hạ Lam
Theo KTĐU