Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thái Nguyên quyết định thành lập cụm công nghiệp Điềm Thụy

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa đã có Quyết định thành lập cụm công nghiệp Điềm Thuỵ, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình. Với mức vốn đầu tư trên 526 tỷ đồng, có diện tích 44ha.

Theo đó, cụm công nghiệp (CCN) Điềm Thụy nằm trên địa bàn xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, có diện tích 44 ha, với các ngành nghề hoạt động như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; thiết bị điện, điện tử; hóa dược; vật liệu xây dựng; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất, kinh doanh hóa chất và các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khác phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Hạ tầng kỹ thuật của CCN Điềm Thụy do CTCP Đầu tư và Phát triển Quốc tế Việt Á (địa chỉ tại xóm Trung 2, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình) làm chủ đầu tư.

Thái Nguyên: Mở rộng quy hoạch khu, cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển  kinh tế - xã hội
Cụm công nghiệp Điềm Thụy có tổng vốn đầu tư 526 tỷ đồng được Thái Nguyên quyết định thành lập.(Ảnh minh họa)

Quy mô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (san nền, đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải...). Tổng mức vốn đầu tư trên 526 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2026.

Quyết định cũng nêu rõ, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển quốc tế Việt Á có trách nhiệm lập, phê duyệt và triển khai Dự án tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và các quy định khác có liên quan; chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Phú Bình và các tổ chức có liên quan để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về lĩnh vực quản lý chuyên ngành theo quy định; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chuẩn xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hồ sơ đề xuất; đảm bảo về mức vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án theo quy định; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường của Dự án; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời, chất thải rắn công nghiệp và đảm bảo các quy định về hệ thống phòng cháy, chữa cháy; hoàn trả các công trình thủy lợi của khu vực (nếu có); tổ chức cung cấp, quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong cụm công nghiệp; xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trên cơ sở ý kiến của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định.

Các sở, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Phú Bình; Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, nghĩa vụ tài chính và các thủ tục khác liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án theo quy định hiện hành.

Về chế độ ưu đãi, đầu tư, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 61/2020/QH14, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các quy định của pháp luật hiện hành.

Thái Nguyên ơi, biết mấy tự hào!

Được biết, theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 CCN diện tích 1.484 ha.

Cụ thể, chia theo địa phương, TP Thái Nguyên có số lượng cụm công nghiệp nhiều nhất (8/37 cụm công nghiệp); một địa phương có 7 cụm công nghiệp (huyện Phú Bình); một địa phương có 6 cụm công nghiệp (TX Phổ Yên); một địa phương có 4 cụm công nghiệp (TP Sông Công); hai địa phương có 3 cụm công nghiệp và ba địa phương có 2 cụm công nghiệp.

Diện tích trung bình của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 40 ha/ cụm công nghiệp. Trong đó có 7 cụm công nghiệp có diện tích lớn nhất (khoảng 75 ha) bao gồm hai cụm công nghiệp của TP Thái Nguyên (cụm công nghiệp Cao Ngạn và cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1).

4 cụm công nghiệp của huyện Phú Bình (cụm công nghiệp Thượng Đình, cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương, cụm công nghiệp Tân Đức và cụm công nghiệp Lương Phú - Tân Đức) và hai cụm công nghiệp của TX Phổ Yên (cụm công nghiệp Minh Đức 1 và cụm công nghiệp Tân Phú 1),...

Có 4 cụm công nghiệp có diện tích dưới 10 ha là cụm công nghiệp Trung Hội (huyện Định Hoá), cụm công nghiệp làng nghề Tiên Phong (TX Phổ Yên) và hai cụm công nghiệp của TP Thái Nguyên là cụm công nghiệp số 1 và cụm công nghiệp số 2.

Đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đã có 21 CCN có chủ đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng, với tổng vốn đăng ký trên 5.701 tỉ đồng, trong đó có 11 CCN đã đi vào hoạt động, gồm: Sơn Cẩm 3, Cao Ngạn 1, Trúc Mai, Cây Bòng, Điềm Thụy, Kha Sơn, Nguyên Gon, Khuynh Thạch, An Khánh 1, Phú Lạc 2 và CCN số 3 cảng Đa Phúc.

Theo thống kê, hiện các CCN đi đã thu hút được 60 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 8.502 tỉ đồng, đang tạo việc làm cho trên 10.897 lao động, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, tăng tỉ trọng và giá trị sản xuất công nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung và các thủ tục hành chính về môi trường...

Ưu tiên những dự án đầu tư có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, có công nghệ sản xuất hiện đại và bảo đảm về môi trường.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: