Quảng cáo sai sự thật, thậm chí bác sĩ không có giấy phép hành nghề Phẫu thuật tạo hình… cơ sở thẩm mỹ tại địa chỉ 342 - 344 Cao Thắng (Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) tồn tại nhiều vi phạm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng…
Quảng cáo sai sự thật, nhập nhằng tên gọi
Chạy quảng cáo với tần suất dày đặc trên mạng xã hội Facebook, Trang “Dr. Ngo Kieu Khanh – Dermatologist” khiến hội chị em đứng ngồi không yên với lời mời chào êm tai “Dáng mũi S-line sau Filler tạo hình không phẫu thuật, chỉ mất 5 phút để có một dáng mũi đẹp” kèm với đó là những bức ảnh minh họa với dáng mũi “không thể đẹp hơn”.
Lần theo những quảng cáo đầy hấp dẫn, phóng viên truy cập vào trang “Dr. Ngo Kieu Khanh – Dermatologist” trên Facebook. Tại đây, không chỉ tạo hình mũi được quảng cáo mà còn cả tiêm tạo hình đầy thái dương, tiêm má hóp - má baby, tiêm rãnh khóe cười… thậm chí sửa mũi phẫu thuật hư bằng Filler.
Cụ thể, các dịch vụ ở “Dr. Ngo Kieu Khanh – Dermatologist” được quảng cáo hấp dẫn như sau: “Tạo hình khuôn mặt nhanh chóng, không mất thời gian nghỉ dưỡng, không phẫu thuật, tuyệt đối an toàn do chính bác sĩ được đào tạo bài bản, đầy đủ giấy phép thực hiện, ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề, được mệnh danh là đôi tay vàng trong tạo hình không phẫu thuật. Đăng ký tư vấn hoặc đặt hẹn: 090.9966.4**” hoặc là “Dáng mũi S-line sau Filler tạo hình không phẫu thuật, chỉ mất 5 phút để có một dáng mũi đẹp. Filler là phương pháp tạo hình không xâm lấn, không mất thời gian nghỉ dưỡng nhiều. Cam_kết: trong quá trình làm sẽ không đau, không chảy máu, không sưng, không bầm do trực tiếp Dr. Kiều Khanh thực hiện nhé”.
“Dr. Ngo Kieu Khanh – Dermatologist” được quảng cáo tại địa chỉ 342 - 344 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10. Đây cũng là địa chỉ quảng cáo của các trang “Phẩu Thuật Thẩm Mỹ A&K”; “Nâng Mũi Cao Tây – Phẫu Thuật Thẩm Mỹ A&K” và “A&K International Aesthetics Clinic”.
Tiếp tục hành trình tìm câu trả lời cho thắc về Ngô Kiều Khanh và hàng loạt các trang quảng cáo liên quan đến A&K, phóng viên tìm đến địa chỉ trên quảng cáo 342 - 344 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10. Địa chỉ chúng tôi đến được treo bảng hiệu là “Thẩm Mỹ Viện MD Beaute”. Theo tìm hiểu, do mở rộng quy mô kinh doanh trên 3 lĩnh vực bao gồm: Da liễu, Nha khoa và Phẩu thuật thẩm mỹ nên cơ sở đổi tên từ MD Beauty thành A&K Clinic.
Trong vai người muốn nâng mũi bằng phương pháp tiêm Filler, PV được nhân viên nam tên Hải và một nhân viên nữ trực tiếp tư vấn. Khác với giá trên quảng cáo là “1.999k/cc Filler cao cấp, “siêu cứng, chống tràn””, giá nhân viên tư vấn đưa ra là khoảng từ 3 triệu đến 3 triệu 500 nghìn đồng mỗi cc và được bác sĩ Kiều Khanh trực tiếp thực hiện.
Theo như lời quảng cáo, các dịch vụ được cam kết trực tiếp do “Dr. Ngô Kiều Khanh - chuyên gia số 1 về tạo hình thẩm mỹ không phẫu thuật” thực hiện. Theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, muốn thực hiện việc tiêm chất làm đầy Filler và Botox phải được thực hiện tại phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ với điều kiện vô trùng của phòng mổ và người thực hiện phải là bác sĩ phẩu thuật tạo hình.
Tiếp tục tìm kiếm với từ khóa “Ngô Kiều Khanh” trên facebook, kết quả tìm kiếm hiện lên nổi bật với trang cá nhân có hơn 82.000 người theo dõi. Đây là nhân vật từng xuất hiện trong chương trình truyền hình với vai trò bác sĩ tư vấn và trực tiếp thực hiện Thermage da. Theo phần giới thiệu trên trang cá nhân này, Ngô Kiều Khanh “Học Bác sĩ Chuyên Khoa I Da Liễu tại Pham Ngoc Thach University of Medicine” khóa 2016 – 2018.
Qua tìm hiểu của phóng viên, khóa học Chuyên khoa I về da liễu khóa 2016 – 2018 được đào tạo tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kết thúc vào tháng 10/2018 tuy nhiên trong danh sách bác sĩ tốt nghiệp không có tên Ngô Kiều Khanh. Tiếp tục tìm kiếm tên Ngô Kiều Khanh trong danh sách bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề về Phẩu thuật tạo hình của Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tìm được kết quả nào.
Vậy “Dr. Ngô Kiều Khanh - chuyên gia số 1 về tạo hình thẩm mỹ không phẫu thuật” là ai mà có thể ngang nhiên quảng cáo và tiêm Filler một cách công khai như vậy?! Việc để cho một bác sĩ chưa có bằng cấp về da liễu và chứng chỉ hành nghề phẩu thuật tạo hình trực tiếp thực hiện tiêm Filler khi xảy ra biến chứng y khoa ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng khách hàng thì ai là người chịu trách nhiệm?
Sai phạm nối tiếp sai phạm?
Không chỉ được tư vấn tiêm Filler mà phóng viên còn được tư vấn nâng mũi cấu trúc bọc sụn để đẹp hơn và giữ được lâu hơn. Theo như lời của nhân viên tư vấn tại MD Beauty, tiêm filler chỉ giữ dáng mũi được 1 – 2 năm sau đó mũi sẽ tự động xẹp xuống và chất làm đầy filler vẫn tồn tại trong cơ thể khách hàng nhưng không biết ở chỗ nào?! Với sóng mũi của Mỹ và bọc sụn tai thì giá 36 triệu được giảm 50% còn 18 triệu. Còn khi nâng mũi bằng sụn thường thì giá tầm 8 – 10 triệu. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật là bác sĩ Nguyên hoặc bác sĩ Thành.
Theo thông tin tra cứu từ cổng thông tin của Sở Y Tế TP.HCM: Giấy phép 05533/SYT-GPHĐ được nhắc đến trong quảng cáo thì tiêm chất làm đầy Filler không nằm trong danh mục được phép thực hiện của MD Beauty. Tên Ngô Kiều Khanh hay bác sĩ Nguyên, bác sĩ Thành cũng không nằm trong cơ cấu bác sĩ và nhân sự của phòng khám.
Vậy bác sĩ Nguyên, bác sĩ Thành mà nhân viên tư vấn nhắc đến là ai? Giấy phép của MD Beauty (A&K Clinic tên mới) được phép làm gì, không được phép làm gì? Ai là bác sĩ trực tiếp phụ trách kỹ thuật chính của A&K Clinic? Đó là vấn đề cần được giải đáp.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Nhóm PV
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng