Sự kiện hot
2 năm trước

Thanh Hóa: Phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ, giải pháp thúc đẩy ngành chè địa phương vượt qua đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp. Thanh Hóa cũng không nằm ngoài sự tác động đó, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chè. Trước khó khăn đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy ngành chè địa phương vượt qua đại dịch.

Nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đang phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy ngành chè địa phương vượt qua đại dịch - Ảnh: Dân trí.

Tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), từ nhiều năm trước đây, cây chè đã được trồng tại các xã Bãi Trành, Cát Vân, Cát Tân, Hóa Quỳ,... với diện tích phân tán khoảng hơn 100 ha; năng suất từ 1 đến 2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 80 triệu đồng/ha trở lên. Tuy nhiên, việc phát triển cây chè trên địa bàn huyện Như Xuân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Chè là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản dài, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, giá chè phụ thuộc lớn vào chất lượng và khả năng liên kết tìm kiếm thị trường.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở thu mua, chế biến chè, đồng bào trồng chè còn thiếu kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, thị trường nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp và không đồng đều. Trong khi đó, chè là đồ uống đòi hỏi an toàn vệ sinh thực phẩm cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến

Trước thực tế đó, với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện Như Xuân đã phát triển dự án “Trồng và sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao” tại 2 xã Cát Tân và Cát Vân; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái dựa trên quang cảnh tự nhiên. 

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, huyện Như Xuân đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng keo, sắn kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng vùng chè, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển cây giống, vật tư phân bón nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.

Thông tin trước báo chí, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết: Để phát triển bền vững cây chè, hướng tới xây dựng thương hiệu, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè tỉnh Phú Thọ, nghiên cứu chất đất và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng giống chè lai LDP2, BH có năng suất, chất lượng cao cho người dân. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty CP Chế biến chè Phương Đông quy hoạch vùng nguyên liệu chè giai đoạn đầu tiên vào vụ xuân 2021 tại 2 xã Cát Tân và Cát Vân, với diện tích 10 ha.

Theo đó, Công ty cổ phần chế biến Chè Phương Đông sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Chè xuất khẩu đóng trên địa bàn huyện Như Xuân. Đồng thời hai bên cùng hợp tác để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap tiến tới xây dựng vùng chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái theo tiêu chuẩn RA cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt động.

Được biết, người dân tham gia dự án sẽ được cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp quy định, hỗ trợ kỹ thuật, cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm được tạo ra từ vùng nguyên liệu trong chuỗi giá trị sản phẩm mà công ty thực hiện.

Đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vùng với giá ổn định, hợp lý và theo cơ chế thị trường. Từ đó, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng vùng chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái theo tiêu chuẩn RA cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt động.

Theo kế hoạch, huyện Như Xuân sẽ xây dựng 3 vùng chè lớn gắn liền với các vùng, khu du lịch sinh thái, quang cảnh tự nhiên sẵn có trong huyện.

Thời gian vừa qua, huyện Như Xuân đã và đang tiếp tục rà soát, quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển vùng chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, giải quyết các khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trồng mới, bón phân... để vừa có năng suất cao, vừa có chè chất lượng tốt; củng cố và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, đường... vùng chè. Chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường... Tuy dự án đang trong giai đoạn xây dựng, còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm, nỗ lực của huyện cùng người dân trên địa bàn, hy vọng vùng chè sẽ hồi sinh trên mảnh đất Như Xuân.

Huyện Như Xuân cũng đã xây dựng Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo kế hoạch của đề án, để đầu tư 1ha chè cần chi phí từ 62 đến 73 triệu đồng tùy thuộc vào việc trồng bằng hom giống hay trồng bằng cành giâm (đây là chi phí đầu tư trong 2 năm đầu, giai đoạn kiến thiết). Trong đó, gần bằng 1/2 chi phí đầu tư là công lao động của đồng bào 30 đến 32 triệu/ha. Đối với các giống chè mới như Kim Tuyên, PH8, PH9, từ năm đầu tiên, cây chè đã cho thu hoạch bói khoảng 1,3 tấn/ha/năm; năm thứ hai cho năng suất khoảng 2,5 tấn/ha/năm. Như vậy, trong giai đoạn kiến thiết, các giống chè mới cho năng suất khoảng 3,8 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 26,6 triệu đồng/ha.

Hiện nay Đề án Phát triển cây chè giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 ở huyện Như Xuân đang được triển khai nhằm phát huy hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: VT

Hiện nay Đề án Phát triển cây chè giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 ở huyện Như Xuân đang được triển khai nhằm phát huy hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: VT

Từ năm thứ 3, cây chè bước vào giai đoạn kinh doanh, khai thác lâu dài, trong điều kiện chăm sóc tốt, thời kỳ kinh doanh kéo dài từ 25 đến 30 năm. Trong giai đoạn này, bình quân năng suất cây chè tăng ổn định hàng năm, chất lượng búp chè cũng tăng theo tuổi của cây nên càng được ưa chuộng và có giá trị càng cao. Do vậy, thu nhập của người trồng chè cũng tăng ổn định hàng năm và cao hơn nhiều so với thu nhập từ các loại cây trồng khác.

Từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, bình quân năng suất chè đạt 8 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 56 triệu đồng/ha, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập trên 47 triệu đồng/ha.

Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, bình quân năng suất đạt trên 10 tấn/ha, giá thu mua bình quân là 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt 70 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập từ 58 đến 60 triệu đồng/ha/năm.

Từ năm thứ 8 trở đi, bình quân năng suất đạt trên 18 tấn/ha, giá thu mua bình quân trên 7 triệu đồng/tấn chè nguyên liệu, doanh thu đạt trên 126 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí mua vật tư, phân bón, cây chè cho thu nhập từ 114 đến 117 triệu đồng/ha/năm (cao gấp hơn 11 lần so với thu nhập từ trồng keo, cao gấp 9 lần so với thu nhập từ cây sắn, cao gấp 5 đến 6 lần so với thu nhập từ cây mía).

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết: Sau khi kết thúc thực hiện đề án sẽ tạo ra vùng nguyên liệu chè 400 ha cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho các xưởng sơ chế, nhà máy chế biến chè xanh xuất khẩu trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Sản lượng hàng năm tăng dần từ 3.000 tấn/năm đến 7.500 tấn/năm, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo công ăn việc làm tăng thêm cho 400 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn với hơn 1.000 lao động có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống. Đồng thời tạo ra phong trào trồng chè trong đồng bào các DTTS, thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào khâu chế biến, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo ra nhiều chu kỳ sản xuất bền vững trên địa bàn huyện”

Xác định chè là một trong những cây trồng truyền thống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, huyện Như Xuân đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của huyện.

Thanh Tú

Theo KTĐU

Từ khóa: