Sự kiện hot
3 năm trước

Chè Bắc Quang ứng phó với khó khăn do đại dịch Covid 19

Tại Bắc Quang (Hà Giang) hiện có trên 5.600 ha chè. Sản lượng chè búp tươi hàng năm ước đạt gần 25.000 tấn. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành sản xuất, chế biến chè của huyện gần như chững lại. Hàng vạn gia đình trồng chè của huyện đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước thực trạng đó, việc đầu tư chế biến và xây dựng những thương hiệu để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè đặc sắc đã, đang được Bắc Quang tập trung triển khai đồng bộ. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm tập hợp nguồn lực để liên kết người trồng chè và đầu tư đổi mới công nghệ cho chế biến làm chìa khoá thúc đẩy ngành chè phát triển.

Sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ tại xã Tân Lập góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang - Ảnh: Thu Phương.

Thời gian gần đây, ngành sản xuất, chế biến chè của huyện Bắc Quang nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đang phải chịu ảnh hưởng khá mạnh từ đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng chè phục vụ xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao.

Trước thực trạng đó, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm tập hợp nguồn lực để liên kết người trồng chè và đầu tư đổi mới công nghệ cho chế biến làm chìa khoá thúc đẩy ngành chè phát triển. Dẫn đầu các doanh nghiệp thực hiện liên kết với người trồng chè Bắc Quang có thể kể đến Công ty trà Hoàng Long và Công ty Cổ phần chè Hùng An. 

Tại Công ty Cổ phần chè Hùng An có 245 ha chè nguyên liệu, với gần 80 công nhân, người lao động gắn bó với cây chè và có vùng chè nguyên liệu riêng. Sản phẩm chè chế biến của Công ty được tặng giải Vàng chất lượng đầu những năm 90, thế kỷ XX. Đến nay, Công ty Cổ phần chè Hùng An xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ hàng ngàn tấn sản phẩm/năm. Để đứng vững và vươn xa ra thế giới, Công ty đã phải đầu tư gần 30 tỷ đồng mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ chế biến chè chất lượng cao; cải tạo lại toàn bộ nhà xưởng, kho bãi. Tiến hành trồng thay thế và trồng cải tạo lại vườn chè già cỗi để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Đổi mới cách chăm bón, canh tác chè theo phương pháp hoàn toàn hữu cơ không tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện, đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh (20 sản phẩm chế biến từ chè).

Công ty chè Hùng An đầu tư trên 30 tỷ đồng đổi mới toàn bộ công nghệ chế biến chè xuất khẩu - Ảnh: Báo Hà Giang.

Công ty chè Hùng An đầu tư trên 30 tỷ đồng đổi mới toàn bộ công nghệ chế biến chè xuất khẩu - Ảnh: Báo Hà Giang.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty chè Hùng An cho biết: Đổi mới công nghệ chế biến và thực hiện giải pháp canh tác hữu cơ đã tạo ra thương hiệu chè Hùng An đứng vững trên thương trường; doanh thu từ cây chè hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng; giải quyết ổn định công ăn, việc làm cho người lao động. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện 3 điểm thu mua chè búp tươi cho người dân tại các huyện Quang Bình, Vị Xuyên và Bắc Quang, mỗi năm thu mua hàng ngàn tấn nguyên liệu hỗ trợ người trồng chè ổn định sản xuất. Sau gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, Công ty vẫn vững vàng trên thương trường, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho gần 80 cán bộ, công nhân. 

Sản phẩm chè Hùng An được khách ưa chuộng - Ảnh: IT

Sản phẩm chè Hùng An được khách ưa chuộng - Ảnh: IT

Một cái tên khác cùng vượt khó đưa các sản phẩm chè ở huyện Bắc Quang là Công ty trà Hoàng Long có trụ sở chính tại xã Hùng An và có nhà máy chế biến chè chất lượng cao xuất khẩu đặt tại thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang). Thời gian qua, Công ty vẫn duy trì mối liên kết hỗ trợ đầu tư phân bón và thu mua chè búp tươi cho bà con trồng chè tại các xã: Hùng An, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy. Các xã trên đang có khoảng gần 300 hộ trồng chè và cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho cơ sở chế biến trà Hoàng Long tại thôn Đá Bàn, xã Hùng An.

Chia sẻ với báo chí, bà Hoàng Thị Nhi, Phó Giám đốc Công ty trà Hoàng Long cho biết: Mối liên kết hỗ trợ đầu tư phân bón và thu mua chè búp tươi cho bà con được Công ty duy trì ổn định từ năm 2018 đến nay, điều này tạo cho người trồng chè có chỗ dựa vững chắc để phát triển bền vững. Sự chia sẻ khó khăn của người trồng chè được doanh nghiệp hỗ trợ thu mua ổn định, tránh ách tắc sản phẩm làm ra. Ngược lại, liên kết với bà con trồng chè đã tạo cho Công ty có vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu ổn định. Từ việc liên kết ở Hùng An, Công ty trà Hoàng Long đã thuê đất, xây dựng nhà máy chế biến chè thứ 2 tại xã Tân Lập. Nhà máy được đầu tư gần 40 tỷ đồng với công nghệ chế biến tiên tiến. Mới đây, Công ty đã liên kết, hoặc mua lại những đồi chè Shan tuyết cổ thụ của bà con trong xã Tân Lập tại khu vực xây dựng nhà máy để sản xuất sản phẩm trà đặc sản.

Công ty đã chuyển từ sản xuất số lượng sang làm những sản phẩm chất lượng cao; hướng đi mới, cách chuyển đổi trong sản xuất hàng hóa chất lượng là “chìa khóa” để vượt qua đại dịch, Phó Giám đốc Công ty trà Hoàng Long, Hoàng Thị Nhi cho biết thêm.

Thu hái chè nguyên liệu tại xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang).

Thu hái chè nguyên liệu tại xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang).

Trước diễn biến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho tỉnh Hà Giang triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, quan tâm đặc biệt tới hỗ trợ tín dụng đối với các khoản vay cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản một cách linh động, phù hợp, tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư thâm canh, chế biến chè để nâng cao sản lượng và chất lượng chè.

Ông Nguyễn Đức Kim, chủ cơ sở thu mua, chế biến chè Cổng trời 1, cho biết: Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang để sản xuất chè chất lượng cao 3 sao OCOP từ năm 2019. Đến nay, các sản phẩm chè Cổng trời 1 như: Chè xanh, Bạch trà, Hồng trà... đã dần lan tỏa hương thơm đến với người tiêu dùng cả nước. Trong đại dịch Covid – 19 phức tạp, song giá thu mua chè búp tươi nguyên liệu tại xã Tân Lập vẫn ở mức cao, dao động từ 15 – 45 ngàn đồng/kg. Các sản phẩm chè Cổng trời 1 vẫn bán đều đặn đến tay người tiêu dùng cả nước với mức giá dao động từ 250 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg (tùy loại). Ông Nguyễn Đức Kim tin tưởng, một ngày không xa thương hiệu chè Cổng trời 1 chất lượng 3 sao OCOP sẽ vươn ra thị trường thế giới.

Thông tin trao đổi với báo chí, ông Phùng Viết Vinh, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: Bắc Quang đang đặt mục tiêu phát triển cây chè thành cây hàng hóa thế mạnh, huyện Bắc Quang sẽ tiếp tục “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các HTX bắt tay cùng nhà nông phát triển cây chè bền vững; đã công nhận thành công cho các vùng chè đặc sản tại các xã: Tân Lập trên 470 ha, Tân Thành trên 250 ha, Đức Xuân trên 150 ha chè đạt chuẩn hữu cơ thiên nhiên. Huyện cũng đang tiếp tục đầu tư và hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến chè đặc sản hữu cơ; quảng bá sản phẩm, kết nối thương hiệu chè đặc sản ra thế giới, hướng đến đưa cây chè trở thành cây “Vàng xanh” trong tương lai.

Được biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của tỉnh Hà Giang cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè thành phẩm trong giai đoạn hiện nay.

Tạ Thành

Theo KTĐU

Từ khóa: