Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Tạ Đức Tuyên đề nghị các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục đề vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng, đổi mới công tác giáo dục và đào tạo; nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch; đánh giá cán bộ nghiêm túc, công khai để lựa chọn có năng lực phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác; tăng cường gắn kết doanh nghiệp nhằm bảo đảm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và phát triển doanh nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Ngày 1/6, Thành ủy Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh ( khóa XV) “về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.
Theo đó, trong giai đoạn 2011-2020, thành phố Tuyên Quang đã mở 172 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, công tác dân vận, Tuyên giáo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát với 16 nghìn 300 học viên tham dự; Hỗ trợ trên 482 triệu đồng cho 19 cán bộ, công chức, viên chức thành phố đi đào tạo trình độ trên đại học. Hiện thành phố Tuyên Quang có 100% cán bộ công chức có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó: trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng đạt 90,6%; không còn cán bộ có trình độ sơ cấp. Có 97% cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp của các cơ quan khối đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội thành phố có trình độ từ đại học trở lên; Giai đoạn 2016-2020, đã tạo việc làm mới cho 16.530 lao động, đạt 131% so với mục tiêu kế hoạch; Năm 2020, số lao động qua đào tạo là 58. nghìn 500 người, chiếm 76,3%, trong đó, lao động qua đào tạo nghề là 26 nghìn 100 người, chiếm 44,6%; tổ chức 86 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 2.975 học viên, đào tạo, dạy nghề như: kỹ thuật trồng rau, nấm, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hai sản, sửa chữa máy nông nghiệp, máy vi tính, mộc, nề, điện dân dụng.
Từ năm 2011 đến năm 2020, thành phố Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng 263 phòng học mới, 05 nhà hiệu bộ và 04 nhà đa năng, 27 phòng học bộ môn, 39 công trình vệ sinh, tu sửa 40 phòng học; thực hiện tu sửa, mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm phục vụ dạy học theo quy định cho các trường học trên địa bàn thành phố. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 53,8%; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi mẫu giáo đạt 100%; thành phố có 15/15 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 14/15 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 51/64 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện có hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn, vận động được sự tham gia đóng góp, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền trên 14 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa khuôn viên trường, lớp học. Giai đoạn 2011-2020, thành phố tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập 03 trường tư thục và 12 nhóm trẻ độc lập tư thục, với mức đầu tư trên 43 tỷ đồng.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn thành phố ngày càng được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng; Thành phố hiện có 994 đội thể thao cơ sở với trên 7.300 vận động viên, 71 câu lạc bộ thể dục thể thao; tỷ lệ người dân tập thể dục thường xuyên là 35%, tăng 9% so với năm 2011; tỷ lệ gia đình thể thao là 30%, tăng 8,5% so với năm 2011.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố còn có những hạn chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, trí thức còn chưa đồng bộ, thiếu cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn giỏi trên một số lĩnh vực cần thiết phục vụ công tác xây dựng, phát triển đô thị, phát triển du lịch, công nghệ thông tin…Tuyên truyền, định hướng về đào tạo nghề, học nghề còn hạn chế, lao động có tay nghề cao còn thiếu ở một số ngành, lĩnh vực. Nhiều lao động nông thôn vẫn giữ thói quen canh tác, sản xuất theo kinh nghiệm, nên chưa tích cực tham gia các lớp học nghề nông nghiệp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và thực hiện có hiệu quả đề án của tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Tạ Đức Tuyên cho biết, Thành ủy Tuyên Quang tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục đề vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng, đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, phấn đấu 50% các trường xây dựng được mô hình “Lớp học thông minh”; xây dựng trường THPT Chuyên trở thành trường chuẩn Quốc gia; nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch; đánh giá cán bộ nghiêm túc, công khai để lựa chọn có năng lực phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác; Các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu việc đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu học nghề, trình độ học vấn của người học; tăng cường gắn kết doanh nghiệp nhằm bảo đảm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và phát triển doanh nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tạ Thành
Theo KTDU