Thầy cô còn cực tâm lý và "xì tin" nữa!
Thầy cô còn cực tâm lý và "xì tin" nữa!
Nghiêm túc mà cực tâm lý
Không phải ngẫu nhiên mà teen nào cũng mong muốn được thầy cô thực tập về làm công tác chủ nhiệm. Bởi, các thầy cô vừa trẻ đẹp, năng động, lại tâm lý.
Lê Hồng Anh (THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) hào hứng kể: “Ngày đầu tiên thầy vào lớp còn bỡ ngỡ, thậm chí bị bọn mình trêu đỏ mặt. Nhưng những ngày sau thầy nghiêm khắc hẳn khiến ai nấy đều chuyên tâm học hành. Đến giờ giải lao, thầy trò ngồi tám chuyện, mới biết thầy cực vui tính, và hiểu chúng mình nhiều nữa”.
Teen lớp 11A1 trường Hồng Bàng (Hải Phòng) còn nhắc mãi thầy Trần Hưng - thầy thực tập dạy môn Hóa. Dịp 8/3, nhà trường tổ chức văn nghệ. Nhưng vì lớp chuyên tự nhiên nên ít con gái, mà các hoạt động xã hội từ trước tới giờ cũng ít tham gia. Thầy đã tự biên kịch và làm đạo diễn cho tiểu phẩm “Chí Phèo, Thị Nở thời hiện đại”. Đặc biệt, các nhân vật 100% là học sinh… nam, và trang phục 100% “cây nhà lá vườn” thiết kế bằng giấy.
Lúc đầu bạn nào cũng ngượng ngùng, song khi thầy tuyên bố nếu đoạt giải, thầy sẽ khao cả lớp một bữa no say chè Huế (thầy chạm đúng vào “điểm ngứa” của 43 nhân lớp Hóa). Và như có động lực, tiết mục ấy đã đem lại giải Nhì toàn trường (một điều không thể tưởng tượng nổi).
Luôn linh hoạt và khéo léo trong công tác quản lý và giảng dạy, giúp cho teen cảm thấy thoải mái và hăng say học tập là điều mà thầy cô nào thực tập cũng cố gắng. Vì các thầy cô cũng đã từng trải qua thời kì như của bạn, nên sẽ hiểu bạn hơn đó, teen ạ!
Quân sư tình cảm
"Thinh thích" một bạn cùng lớp nhưng không dám thổ lộ, nhơ nhớ một người nhưng vẫn phải làm ngơ vì sợ bọn bạn trêu đùa hay khi công khai tình cảm với người ấy, teen tẽn tò khi bị bắt gặp… Chỉ có thể nhờ thầy cô thực tập ra tay giúp, vì chúng mình nghĩ rằng “thầy cô chỉ dạy 1, 2 tháng ở trường mình, nên nếu chuyện ngốc xít của mình có thế nào đi nữa cũng không bị trêu chọc”.
“Tất nhiên thầy cô nào cũng muốn học sinh toàn tâm toàn ý cho học tập. Nếu các em bị chi phối bởi tình yêu thì rất khó có thể chuyên tâm học hành. Thầy cô không ngăn cản các em, vì như vậy các em khó chia sẻ tâm sự, mà sẽ dần phân tích cho các em hiểu nhiệm vụ nào là quan trọng và cần thiết hơn lúc này. Tình yêu tuổi mới lớn sẽ rất đẹp khi biết dừng đúng lúc” - cô Thúy Vân (ĐH SP Hà Nội).
Không phải thầy cô thực tập tư vấn tình cảm để “lấy lòng” học trò đâu, mà vì các thầy cô cũng như chúng mình vài năm trước. Thầy cô hiểu rằng, ở độ tuổi ẩm ương rất muốn có người chia sẻ chân thành và gỡ rối giùm. Giáo viên chủ nhiệm chính ít có thời gian tâm sự, bố mẹ lại không “hợp gu” và còn... bị mắng té tát, bạn bè lại có thể trêu đùa...
Các teen coi thầy cô giáo thực tập như anh chị ở nhà, chọn thầy cô để gửi gắm tâm sự thầm kín. Chẳng vậy mà khi xa trường, nhiều thầy cô vẫn nhận được mail, tin nhắn hỏi thăm của học sinh. Thật thú vị khi nhận ra rằng, thầy cô mình “kute” lắm!
Lê Bình