Sự kiện hot
11 tháng trước

Thị trường bất động sản phía Nam hậu Covid-19: Giải pháp nào để cân bằng?

“Đầu tư xanh mang lại cơ hội lớn cho quốc gia, vùng lãnh thổ và cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà xu hướng phát triển chính của các quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định.

Ông Võ Hồng Phúc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Kêu gọi đầu tư vào các dự án xanh (đầu tư xanh) là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam thực hiện các cam kết của mình trong việc giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050.

Trên thực tế, đầu tư xanh không những mang đến những tác động tích cực cho chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế.

Đầu tư xanh mang lại cơ hội lớn cho quốc gia, vùng lãnh thổ và cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà xu hướng phát triển chính của các quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn…

Xét trên bình diện quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư cho các dự án xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh giúp thay đổi lối sống tiêu dùng xanh trong cộng đồng; lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp, của quốc gia, sự phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ được tăng thêm khi tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh trong nền kinh tế.

Xét ở góc độ doanh nghiệp, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Mặt khác, các dự án xanh có thể huy động được vốn từ ngân hàng với chi phí thấp hơn so với thông thường.

Theo ông Võ Hồng Phúc, Việt Nam đã nhận ra bài học từ một số nước trong khu vực, khi phải trả một cái giá rất lớn để khắc phục môi trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Do đó, phát triển kinh tế gắn với môi trường chính là đường lối xuyên suốt từ trước tới nay của Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có những đường lối, chính sách rõ ràng và mạnh mẽ hơn, thể hiện quyết tâm quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, đặc biệt là vấn đề làm cách nào thu hút được dòng vốn đầu tư xanh.

“Riêng trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp rót vốn vào các loại điện tái tạo như điện gió, mặt trời,... thay vì các loại điện truyền thống, sử dụng năng lượng hóa thạch như trước”, ông Phúc nói.

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lợi thế là một nước đi sau về tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Quá trình chuyển đổi cũng dễ dàng hơn, nhờ vào các công nghệ đã có sẵn. Việc còn lại là học hỏi thế nào, học hỏi ai, sử dụng công nghệ gì thì vẫn cần quá trình để tìm ra giải pháp phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam là một nước không quá rộng, khoảng hơn 331.000km, nhưng dân số đông hơn 100 triệu dân. Nét xét tỷ lệ quy mô dân số với diện tích, Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ đã lựa chọn đầu tư vào môi trường và đã thành công, chúng ta cũng cần phải như thế”, ông Võ Hồng Phúc nói.

Theo PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đầu tư xanh đặt ra thách thức lớn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp. Bởi vì, đầu tư vào máy móc thiết bị thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí trả trước rất cao và chi phí chuyển đổi phương thức sản xuất cũ là lớn. Đặc biệt các khoản tiền gửi ngắn hạn và đầu tư ngắn hạn không phù hợp với bản chất lâu dài của các dự án đầu tư xanh, thường kéo dài hơn một thập niên.

“Do vậy, phần lớn các nước đang phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong việc huy động tài chính xanh và bền vững”, ông Đạt nói. PGS.TS Phạm Tiến Đạt cho biết phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá.

Trong đó, cần làm rõ khái niệm và nội hàm của yếu tố “xanh” trong hoạt động đầu tư. Chính do có nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau về khái niệm “xanh”, đầu tư xanh trên thế giới như đã trình bày dẫn đến không xác định được yếu tố xanh, điều này cản trở nhiều chủ thể tham gia vào đầu tư xanh.

Từ đó, hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh và đầu tư xanh. Khuôn khổ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, và càng quan trọng hơn đối với đầu tư xanh. Do đó, khuôn khổ pháp lý cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng, làm rõ được phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Từ đó, hoàn thiện các quy định về tín dụng xanh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xem xét các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có các dự án đầu tư xanh để thu hút đầu tư.

“Các chính sách trợ cấp, hỗ trợ cần được tính toán, sử dụng có hiệu quả, tránh việc sử dụng quá rộng rãi dẫn đến không bền vững về mặt tài chính, ngân sách của địa phương cũng như như ngân sách trung ương”, ông Đạt nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư đưa ra 6 rào cản khi họ đầu tư vào 1 quốc gia, khu vực liên quan đầu tư xanh.

Cụ thể, các nhà đầu tư lo sợ chính sách pháp lý không nhất quán, không rõ ràng liên quan đầu tư xanh.

“Ví dụ, đang thu hút phát triển xe điện, giảm thuế ưu đãi đủ thứ, đùng một cái, lại chuyển sang thu hút đầu tư xe sử dụng khí hydro”, ông Sử nói. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lo ngại thiếu chính sách hỗ trợ, hoặc không rõ dẫn tới dự án xanh không đạt hiệu quả kinh tế. Yếu kém công nghệ hạ tầng, thiếu công nghệ tiên tiến, không đủ hỗ trợ để họ phát triển. Đồng thời, các nhà đầu tư e ngại khi chi phí đầu tư ban đầu cao, khả năng tiếp cận tài chính, cơ chế tài trợ kém hiệu quả; rủi ro của thị trường và sự “đỏng đảnh” của người tiêu dùng. Nguồn lao động không có tay nghề, thiếu chuyên môn quản lý dự án xanh.

Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đã đề xuất 4 giải pháp. Cụ thể, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng chính sách bao gồm hoàn thiện khung pháp lý các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh.

“Vấn đề này Việt Nam chưa có, cần sớm ban hành để nhà đầu áp dụng; phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải; ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư xanh; hướng dẫn đầu tư xanh trong PPP; có giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; nâng cấp thể chế hóa bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững”, ông Sử nói.

An Chi/KTDU

Từ khóa: