Sáu tháng đầu năm, lượng thịt heo nhập về Việt Nam qua các cảng của TP.HCM tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước đã chi 23,58 triệu USD để nhập khẩu thịt heo trong 4 tháng đầu năm, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ 2018.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi ra trên 1 tỉ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi bao gồm thịt gà, heo, trâu, bò, phụ phẩm và nội tạng động vật...
Nhập khẩu thịt heo tăng đột biến
Cụ thể, tháng 1-2019, Việt Nam chi 3,23 triệu USD, xấp xỉ giá trị nhập khẩu thịt heo trong 4 tháng đầu năm 2018 (3,51 triệu USD). Con số này trong tháng 3 là 10 triệu USD, tháng 4 là 9 triệu USD khi dịch tả heo châu Phi (ASF) lan rộng tại miền Bắc.
Lo ngại về sự an toàn của nguồn thịt heo trong nước, nhiều công ty chế biến thực phẩm, các bếp ăn công nghiệp, trường học và người tiêu dùng đã chuyển qua sử dụng thịt heo nhập khẩu. Xu hướng này còn tăng do nguồn cung heo đã giảm mạnh khi lượng heo tiêu hủy do ASF đã trên 2,5 triệu con.
Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM cho biết phần lớn thịt heo nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra ngoài thị trường. Nếu có là thịt heo đặc sản hay thịt heo cao cấp.
Nguồn nhập khẩu thịt heo cũng khá đa dạng từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Pháp... Giá thịt heo nhập khẩu khá cạnh tranh.
Ngoài thịt heo, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu nhiều thịt gà, trâu bò, phụ phẩm chăn nuôi..., trong đó nhiều nhất là phụ phẩm sau giết mổ với tổng giá trị xấp xỉ 450 triệu USD. Tiếp đến là trâu bò (trên 228 triệu USD), thịt gia cầm (trên 82 triệu USD)...
"Đòn đau" với chăn nuôi trong nước
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhập khẩu ồ ạt thịt heo sẽ gây khó cho ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi chất lượng thịt nhập khẩu cũng là vấn đề vì có loại giá về cảng Việt Nam chỉ xấp xỉ 30.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá heo hơi trong nước.
Chưa kể, nguồn thịt heo nhập khẩu từ Mỹ và Canada có thể còn dư lượng chất tạo nạc ractopamine. Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam - cho biết Việt Nam đã cấm sử dụng các chất tạo nạc gốc Beta-agonist (bao gồm clenbuterol, salbutamol và ractopamine) nhưng Mỹ và Canada vẫn cho sử dụng ractopamine trong chăn nuôi heo, bò, gà, ngựa...
Tất nhiên, quốc gia xuất khẩu thịt heo cũng có quy định ngưng sử dụng một thời gian trước khi đưa vào giết mổ và giới hạn tối đa hàm lượng cho phép. Nhưng tại Việt Nam là chất cấm nên về nguyên tắc, Việt Nam phải cấm nhập khẩu thịt được nuôi có dùng chất tạo nạc.
Được biết, vài ngày trước Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động của một công ty trong nước vì nhập khẩu thịt heo từ Canada có chứa chất cấm ractopamine. "Cho nhập khẩu thịt heo có dùng chất ractopamine là không bình đẳng với người chăn nuôi trong nước" - ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ - cho rằng nếu mở cửa cho thịt nhập khẩu tràn vào sẽ là một đòn giáng mạnh vào nông dân vốn đã kiệt quệ do dịch bệnh.
Một khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường trong nước, ngành chăn nuôi sau dịch bệnh rất khó hồi phục. "Việt Nam không thiếu thịt nếu Nhà nước có chính sách điều tiết hợp lý. Trong khi thịt heo đang thiếu thì thịt gà, vịt và trứng nuôi trong nước lại đang thừa khiến nông dân lỗ nặng" - ông Ngọc cho hay.
Đa dạng món ăn
Theo ông Phạm Đức Bình, nhập khẩu thịt heo sẽ còn tăng mạnh do dịch bệnh. Các tháng cuối năm và đầu năm 2020 cần có lượng thịt bổ sung cho thị trường bởi thịt heo chiếm tới 70% tổng lượng thịt tiêu thụ của người Việt Nam.
Nhiều công ty kinh doanh thịt cũng có kế hoạch nhập thêm thịt heo. Giá thịt heo nhập khẩu có thể tăng mạnh bởi nhiều quốc gia tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng đang thiếu thịt trầm trọng khi có tới hơn 200 triệu con heo bị tiêu hủy do ASF.
"Một khi giá tăng, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen ăn thịt heo sang nguồn thực phẩm khác để cân bằng chi tiêu" - ông Bình nói.
Còn ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng có thể dùng thịt gà để bình ổn thị trường nếu Nhà nước có chính sách để người nuôi có lãi, từ đó nguồn cung thịt gà sẽ tăng mạnh. Giá gà công nghiệp có thời điểm giảm xuống thấp hơn cả giá thành, các trang trại nuôi gà hiện chỉ hoạt động 60-70% công suất vì không có đầu ra ổn định.
Vòng đời nuôi gà công nghiệp chỉ 45 ngày, thêm thời gian mua gà hậu bị đẻ ra gà con thì chỉ cần 6 tháng là sẽ có đủ lượng thịt gà cung cấp cho lượng thịt heo thiếu hụt mà không cần nhập khẩu.
Cơ hội định hướng lại chiến lược chăn nuôi
Theo ông Đàm Văn Hoạt - tổng giám đốc Công ty Vietfarms, dịch ASF cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi định hướng lại chiến lược phát triển. Nuôi heo tốn rất nhiều chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và tác động đến môi trường cần phải hạn chế ở mức khoảng 10-15 triệu con.
Việc phát triển đàn bò để tận dụng nhân công nhàn rỗi của nông hộ. Nhưng nguồn cung cấp protein chính thì nên tập trung vào nhóm gia cầm như gà, vịt, trứng bởi đây là loại Việt Nam có thế mạnh, có thể tăng sản lượng nhanh trong thời gian ngắn, giá thành thấp hơn heo, bò... nên người dân dễ tiếp cận.
Nhập khẩu thịt heo tăng 4 lần
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng của TP trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 19-6) đã tăng vọt, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các doanh nghiệp đã chi gần 7 triệu USD để nhập thịt heo nhập khẩu với khoảng 4.000 tấn thịt dạng đông lạnh, trong khi 6 tháng năm 2018, chỉ có khoảng 1.000 tấn thịt được làm thủ tục thông quan, giá trị xấp xỉ 2 triệu USD.
Trong một năm qua, đã có gần 10.000 tấn thịt heo được nhập vào VN phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh nguồn thịt heo cao cấp phục vụ các nhà hàng, khách sạn còn có thịt heo nhập khẩu bình dân, được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Ba Lan, Brazil và Hoa Kỳ là ba quốc gia cung cấp thịt heo chính cho thị trường TP.
N.BÌNH
Theo Tuoitre