Sự kiện hot
8 năm trước

Thoái vốn tại 4 “ông lớn” ngành xây dựng: Bế tắc tìm nhà đầu tư chiến lược

Dẫn lại trường hợp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) đã thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sau thời gian dài thực hiện, giám đốc tư vấn doanh nghiệp một công ty chứng khoán nhận định rằng, việc thoái vốn tại 4 tổng công ty lớn mà Bộ Xây dựng đang nắm giữ sẽ còn khó khăn.

Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã ký công văn gửi các nhà đầu tư trong và ngoài nước về việc mời tham gia đầu tư chiến lược vào các tổng công ty lớn mà Bộ này đang triển khai cổ phần hóa. Cụ thể, đó là công ty mẹ của các tổng công ty: Sông Đà, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).


Việc cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, HUD, IDICO hay VICEM sẽ chẳng thể khả quan hơn một khi Bộ chủ quản còn muốn níu giữ

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đây là các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng công trình thủy điện, dân dụng và công nghiệp; khu đô thị, khu công nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản… với uy tín, bề dày kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, các tổng công ty đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực về tài chính, quản trị và công nghệ của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bộ Xây dựng mong muốn tìm kiếm hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực phù hợp, đặc biệt là các nhà đầu tư có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, có công nghệ hiện đại, có năng lực tài chính, cam kết gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp cùng tham gia sở hữu, quản lý các Tổng công ty.

Rất lâu rồi mới thấy một cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước cầu thị như vậy, nhưng độ hấp dẫn của những doanh nghiệp này đến đâu? Câu trả lời mà PV ghi nhận từ thị trường là cả 4 tổng công ty đều “rất xương”.

Trước hết là HUD. Theo kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015, trong quá trình hoạt động, đặc biệt là từ năm 2011 trở về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên vào tình trạng khó khăn. Theo lãnh đạo một tập đoàn bất động sản khá rành rẽ về HUD, tổng công ty này có quỹ đất dự án khá lớn, nhưng hầu hết là đất chưa phải phóng mặt bằng.

Đây chính là điểm khiến nhà đầu tư bất động sản e ngại nhất, bởi giải phóng mặt bằng ở thời điểm này là vô cùng khó khăn do cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân. Trong khi những dự án “dễ ăn” hơn, HUD đã lần lượt “sang tên đổi chủ”. Đơn cử, sau khi bán một quỹ đất lớn tại Khu đô thị mới Linh Đàm (Hà Nội), trước đó là quỹ đất tại Đà Nẵng, mới đây, HUD đã thoái toàn bộ vốn tại dự án  Phú Quốc cho nhà đầu tư khác. 

Đề cập đến giá trị thương hiệu của HUD mà Bộ Xây dựng đã đề cao trong công văn mời nhà đầu tư chiến lược, theo nhận xét của một vị lãnh đạo doanh nghiệp khá lớn trên thị trường, là không có nhiều ý nghĩa ở thời điểm này, vì HUD không có lợi thế cạnh tranh, thương hiệu HUD trên thị trường bất động sản cũng không có gì nổi trội so với những tên tuổi khác đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, cần lưu ý là bất cứ sản phẩm bất động sản nào có chất lượng, vị trí và giá cả phù hợp, khách hàng đều quan tâm, chứ không đặt nặng vào thương hiệu như các ngành nghề khác.

Một điểm yếu nữa của 4 “ông lớn” ngành Xây dựng là tình hình tài chính bê bết. Xi măng Hạ Long từng là gánh nợ lớn của Tổng công ty Sông Đà, nay được chuyển về VICEM, lưu ý là việc điều chuyển giữa các doanh nghiệp nhà nước thường được thực hiện ngang giá (tỷ lệ 1:1).

Sông Đà cũng đã lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại hơn 30 công ty cổ phần, quỹ đầu tư, nhưng hơn 4 năm vẫn còn nhiều khoản chưa thực hiện được vì doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Có thể kể tên các đơn vị như Thanh Hoa Sông Đà; Phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH Sông Hồng Nha Trang, Sông Đà 12…

Với VICEM, việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết cũng rơi vào cảnh khó khăn do các dự án kém hiệu quả. Đơn cử, VICEM muốn thoái 100% vốn tại CTCP Cao su Đồng Phú – Kratie và CTCP Cao su Đồng Nai – Kratie, nhưng tổ chức bán đấu giá đều không có nhà đầu tư nào tham gia, thậm chí CTCP Cao su Đồng Phú - Kratie đã tổ chức đấu giá 2 lần mà vẫn không có bất cứ nhà đầu tư nào để ý. 

Còn với IDICO, khoản lợi nhuận thể hiện trên báo cáo tài chính của tổng công ty này có thể bị “thổi bay" nếu doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của IDICO có nhiều điểm ngoại trừ. Chẳng hạn, trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2015, IDICO không thực hiện trích lập dự phòng bổ sung giảm giá đầu tư tài chính dài hạn cho khoản đầu tư vào Tổng công ty Miền Trung – CTCP (Cosevco) với số tiền cần trích lập là 154 tỷ đồng.

Nếu thực hiện trích lập khoản mục dự phòng nêu trên thì Khoản mục “Lợi nhuận kế toán trước thuế” trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2015 và Khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” tính đến cuối năm 2015 là 143 tỷ đồng trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2015 sẽ bị xóa sổ.

Hiện tại là như vậy, song tương lai của các “ông lớn” này sẽ ra sao? Như đã phân tích ở trên, HUD không có lợi thế cạnh tranh so với các ông lớn tư nhân trong lĩnh vực bất động sản, còn Sông Đà hay IDICO cũng không có nhiều sức mạnh trong 2 lĩnh vực mà họ chọn làm ngành nghề chính. Với ngành EPC, Sông Đà đang bị cạnh tranh rất lớn với nhiều tổng công ty khác trong Bộ Xây dựng như Lilama, Licogi, Coma…

Trước đây, Sông Đà được Nhà nước giao thực hiện nhiều dự án thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu… Đây chính là nguồn việc tạo ra giá trị sản xuất cao cho Tập đoàn, cũng như các công ty thành viên. Tuy nhiên, nguồn việc này đang cạn dần, bởi Thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện lớn cuối cùng của Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện, điện hạt nhân. Ở những lĩnh vực này, Sông Đà không có thế mạnh và sẽ phải cạnh tranh rất lớn mới có thể giành được các hợp đồng thầu phụ từ chủ đầu tư.

Còn IDICO đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp, trong khi quỹ đất của tổng công ty này cũng đã cạn. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của IDICO cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 123 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2015 đạt 97 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 67 tỷ đồng.

Dẫn lại trường hợp Lilama đã thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sau rất nhiều thời gian thực hiện, giám đốc tư vấn doanh nghiệp một công ty chứng khoán nhận định rằng, số phận của 4 tổng công ty trên khó lạc quan hơn. Trong khi đó, tư duy của Bộ Xây dựng vẫn nặng nề về việc níu giữ, thể hiện qua chủ trương Nhà nước vẫn nắm giữ lượng lớn sở hữu tại các tổng công ty này.

Đơn cử, tại VICEM, phương án cổ phần hóa Tổng công ty vẫn là Nhà nước sở hữu 64% cổ phần, sau đó dần dần thoái vốn, nhưng không thấp hơn 51% cổ phần sau cổ phần hóa.

Theo ĐTCK

Từ khóa: