Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ cụ và giỗ ông nội tôi, ngoài những món cúng giỗ chính như gà, canh măng, hạnh nhân… bao giờ mẹ tôi cũng làm món xôi vò, chè đường.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ cụ và giỗ ông nội tôi, ngoài những món cúng giỗ chính như gà, canh măng, hạnh nhân… bao giờ mẹ tôi cũng làm món xôi vò, chè đường.
Mẹ tôi bảo "Các món chính, có thể thêm món này, bớt món kia nhưng xôi vò, chè đường thì mẹ không thể bỏ được. Ít thì vài ba đĩa xôi với dăm bảy bát chè, nhiều thì chục đĩa xôi với vài chục bát chè".
Bao giờ mẹ tôi cũng ngâm gạo nếp, đỗ xanh từ tối hôm trước. Sáng hôm sau, mẹ dậy rất sớm. Mẹ tôi đổ gạo ra một chiếc rá tre to cho ráo nước. Trong lúc chờ gạo ráo nước, mẹ tôi quay sang đãi đỗ. Chỉ cần một vài vỏ đỗ còn sót lại hoặc một hai hạt đỗ xanh bị hỏng mà không được nhặt ra, sẽ làm hỏng cả chõ xôi. Mẹ tôi bắc bếp đồ đỗ. Khi mùi đỗ đã tỏa thơm khắp căn bếp, và đã chín, là đến khâu giã đỗ. Giã đỗ phải giã mạnh tay, nếu không đỗ sẽ bị lổn nhổn, trông rất xấu. Mẹ tôi không quên lấy ra khoảng nửa bát đỗ xanh, để dành rắc lên những bát chè.
Chờ gạo ráo, mẹ tôi trộn đỗ xanh đã giã nhuyễn vào và dùng tay vừa miết đỗ, vừa bóp để đỗ bám vào gạo được đều. Trước khi bắc bếp đồ xôi, mẹ tôi cho vài hạt muối vào, trộn đều. Vừa trộn, mẹ tôi vừa bảo "Dù là xôi vò, hay xôi lạc, xôi gấc… con nhớ cho muối để xôi được đậm đà, không bị đớ miệng".
Bắc chõ xôi lên bếp, mẹ tôi quay sang pha chế món chè đường. Tên là "chè đường" nhưng nguyên liệu bao giờ cũng có: Nước, bột sắn dây, đường kính. Mẹ tôi cẩn thận nhẩm tính số lượng người đến ăn giỗ rồi bắt đầu đong nước. Hòa tan bột sắn với nước, đường, sau đó mới bắc lên bếp đun. Phải khuấy liên tục, mạnh tay cho đến khi nồi chè nổ lụp bụp mới yên tâm là chè không bị vón. Một nồi chè đạt yêu cầu là phải sánh, không loãng toẹt nhưng cũng không đặc quánh. Mẹ tôi còn dạy tôi cách "chữa chè": Nếu chè bị đặc, có thể cho thêm nước, vừa rót từ từ, vừa khuấy. Còn nếu chè bị loãng, không bao giờ được thả luôn bột sắn vào nồi mà phải hòa tan vào một bát nước nguội, rồi cũng vừa rót vào nồi chè đang đun, vừa khuấy đều. Khi nồi chè sắp được, cũng là lúc chõ xôi vò của mẹ đã tỏa hương thơm ngào ngạt khắp phòng. Mẹ tôi cho vài thìa đường vào chõ xôi, rưới thêm ít mỡ gà, chờ vài phút, mẹ dỡ xôi ra chiếc rá tre đã được rửa sạch, phơi khô. Xôi nguội, mẹ tôi cẩn thận đơm xôi vào những chiếc đĩa sâu lòng.
Chè chín, mẹ tôi múc ra những chiếc bát nho nhỏ, xinh xinh. Mẹ tôi dặn "Xôi vò, chè đường là món ăn truyền thống của người Hà Nội, thường là "ăn hương ăn hoa" chứ không phải ăn cho no, nên chỉ múc chè vào những chiếc bát nho nhỏ, chứ không phải bát ăn cơm. Múc chè, không nên múc đầy bát, vì còn phải "để dành" múc xôi vào ăn cùng. Có người thích trộn đều xôi với chè, nhưng cũng có người chỉ xúc ít xôi một, ăn vài thìa lại xúc thêm xôi vào cho bát chè không bị đầy ú ụ".
Giờ mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi. Nhưng mỗi dịp đến ngày giỗ cụ, giỗ ông nội tôi, mẹ tôi lại hì hụi chuẩn bị món xôi vò, chè đường. Chẳng riêng gì tôi, mà cả đại gia đình tôi, ai cũng thích cái deo dẻo của nếp mới, cái ngòn ngọt của chè bột sắn, lại thêm mùi thơm ngào ngạt của đỗ xanh, thơm thoang thoảng của hoa bưởi. Ăn mãi rồi, thưởng thức mãi rồi, vậy mà tôi vẫn cứ ngỡ như mới vừa ăn hôm qua!
Theo PLXH