Sự kiện hot
13 năm trước

'Thót tim' sản phụ thoát chết trong gang tấc

Trong một ca lâm bồn không ai dám mạnh miệng nói chắc. Từ đó câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” quả chẳng sai. Những người phụ nữ khi sinh nở gặp sự cố ngàn cân treo sợi tóc may mắn thoát chết lại thấy điều này càng thấm thía hơn nữa.

Trong một ca lâm bồn không ai dám mạnh miệng nói chắc. Từ đó câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” quả chẳng sai. Những người phụ nữ khi sinh nở gặp sự cố ngàn cân treo sợi tóc may mắn thoát chết lại thấy điều này càng thấm thía hơn nữa.

Cứu thai phụ bị xe cán ngang người

Trong suốt 23 năm làm trong ngành sản khoa, Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM chứng kiến không ít những ca sinh nở tưởng chừng như vô vọng nhưng đã may mắn được cứu sống một cách ngoạn mục.

Ca để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với vị bác sĩ này đã xảy ra cách đây 13 năm.

Trong những ca vượt cạn không ai dám mạnh miệng nói chắc. Ảnh: Thanh Huyền

Lúc ấy khoảng 12 h trưa, người ta đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ là một phụ nữ bán hàng rong, tên Trần Thị M. đang mang thai 35 tuần. Chị ta bị xe tải cán ngang qua người.

"Tôi nhìn thấy chị ấy người đầy máu, mặt tái mét. Chẩn đoán ban đầu cho thấy chị bị gãy xương chậu, nhau bong non, máu chảy ồ ạt" – Bác sĩ Hà hồi tưởng.

Bác sĩ Hà khi đó lo rằng mẹ con người phụ nữ đáng thương kia khó lòng qua khỏi. Hằng ngày gặp nhiều ca bệnh, vui có, buồn có, tưởng như những cảnh đời éo le, tang tóc đã làm mình chai sạn nhưng bác sĩ Hà vẫn không thể cầm nổi nước mắt, xót xa cho một phận người.

Dù biết mười phần thua chín nhưng bệnh viện vẫn hy vọng còn nước còn tát, huy động toàn lực từ bác sĩ sản khoa cho tới bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ nhi, mời cả bác sĩ chấn thương chỉnh hình, chuẩn bị sẵn sàng ngân hàng máu để cứu mẹ con sản phụ.

Trải qua hơn 6 tiếng phẫu thuật căng thẳng, có lúc tưởng như mất bệnh nhân ngay trên bàn mổ nhưng may mắn sao mẹ con chị M. đã bình an. 

Nếu không có sự nhiệt tình và chuyên môn kỹ thuật cao cộng với sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của đội ngũ ê kíp hôm đó thì có lẽ thai phụ này khó qua khỏi.

Nhìn đứa trẻ được sinh ra mạnh khoẻ, oe oe khóc tôi thực sự xúc động. Vậy mà trước đó vài giờ thôi chúng tôi tưởng không cứu được mẹ con cô ấy rồi”, bác sĩ Hà kể.

Ngoài trường hợp của chị M., cách đây không lâu một sản phụ khác tên Nguyễn Thị A., ngụ tại quận Bình Thạnh cũng may mắn thoát chết hy hữu.

Chị A. mang thai 37 tuần, vào viện chuẩn bị sinh. Vừa tới phòng cấp cứu chị vỡ ối, sa dây rốn.

Ngay lập tức sản phụ được đẩy thẳng vào phòng mổ. Chưa đầy 5 phút, các bác sĩ đã lấy được em bé ra ngoài. Đó là một bé trai kháu khỉnh, nặng 3 kg.

Trường hợp của chị A. chỉ cần mổ chậm vài phút sẽ mất em bé bởi khi sa dây rốn, mạch máu từ mẹ nuôi thai nhi bị chèn ép, không lưu thông được. Lúc lấy được cháu bé ra ngoài bình an chúng tôi bế cháu bé đưa cho nhau xem, cứ như một chiến tích…” - khuôn mặt bác sĩ Hà rạng ngời khi nhắc lại chuyện cũ.

Những ca sinh khó, may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cứu sống còn nhiều, có những đêm đang ngủ, điện thoại báo có sản phụ nguy kịch, bác sĩ Hà cũng phải tới ngay để ứng cứu kịp thời.

Bác sĩ sản sợ nhất biến chứng “thuyên tắc ối” 

Theo bác sĩ Hà trong ngành sản khoa, có những biến chứng nguy hiểm xảy ra cho con như: Suy thai cấp do chèn ép rốn hoặc sa dây rốn, những sang chấn sản khoa khi sinh gây ra như xuất huyết não, gãy xương...Ngoài ra các biến chứng khác ở sản phụ cũng vô cùng nguy hiểm như: Vỡ tử cung, suy tim cấp, băng huyết sau sinh, sản giật…  

Tuy có nhiều biến chứng, nhưng biến chứng mà các bác sĩ sản khoa sợ nhất là thuyên tắc ối.

Thuyên tắc ối xảy ra khi chuyển dạ vào giai đoạn hoạt động, cơn gò tử cung mạnh và ối vỡ, các thành phần trong dịch ối như phân su, chất gây, lông tóc và các tế bào thai nhi được đẩy vào tuần hoàn của mẹ, dễ dàng gây thuyên tắc mạch phổi.

Bị thuyên tắc ối, thai phụ đang khỏe mạnh đột ngột tím tái, khó thở, trụy tim mạch và tử vong nhanh chóng. Chẩn đoán chỉ xác định nhờ vào giải phẫu tử thi và quan sát thấy các thành phần của dịch ối trong mạch máu phổi của mẹ.

Thuyên tắc ối chiếm tỉ lệ thấp, từ 1/ 20.000 đến 1/40.000 ca sinh, tuy nhiên tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 90%.

Các bác sĩ sản khoa sợ thuyên tắc ối vì không có dấu hiệu dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ sản phụ, thai nhi tử vong. Bác sĩ Hà cho rằng việc sản phụ tử vong trước đây cũng nhiều nhưng ngày nay do sự lan truyền thông tin một cách mạnh mẽ khiến ta lầm tưởng thai phụ, thai nhi tử vong có vẻ nở rộ.

Bác sĩ Hà khẳng định mổ lấy thai thực chất không làm giảm tỉ lệ tử vong mẹ. Ngay cả những trường hợp có vết mổ lấy thai trước đó, y văn thế giới vẫn khuyến khích sinh ngả âm đạo vì lợi ích sinh ngả âm đạo cao hơn so với mổ lấy thai lại.

Quan trọng nhất, trong khi chuyển dạ bác sĩ cần nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi.

Trách nhiệm cấp quản lý y tế, để giảm thiểu tỷ lệ tử vong khi sinh cần trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho các tuyến và thường xuyên huấn luyện nhân viên y tế để nâng cao về kiến thức cũng như kỹ năng.

 Thanh Huyền
theo VietnamNet

Từ khóa: