Sống là một hành trình, song song với nó là con đường học tập kéo dài như vô tận.
Sống là một hành trình, song song với nó là con đường học tập kéo dài như vô tận.
Con đến trường mỗi ngày để biết thêm thật nhiều điều mới, đọc sách mỗi ngày để ngẫm ra rất nhiều “món” hay. Thế nhưng, có những thứ không một cuốn sách nào trên giá có thể dạy con một cách tỉ mỉ và chính xác.
Và con có ngạc nhiên không khi chúng lại chính là những điều cuộc sống muốn con học...
Học hỏi là điều đầu tiên
Một giờ học Toán với rất nhiều công thức khó nhằn, giờ học Văn với không ít những câu thơ không dễ để hiểu một cách tường tận, giờ học Lý với những bài tập không biết bắt đầu từ đầu,... Con và các bạn của mình đã từng rơi vào những trường hợp như thế? Và nếu đã từng trải qua cảm giác “mít đặc” ấy, giải pháp đầu tiên con lựa chọn liệu có là giơ tay và bày tỏ thắc mắc với cô giáo? Hay chỉ là những cái gật đầu ậm ừ vờ như hiểu và rồi bằng lòng với những lỗ hổng kiến thức do chính mình tạo ra?
Để thành công, hãy luôn đặt câu hỏi tại sao và cố gắng suy nghĩ giải thích
Mẹ còn nhớ, anh Phạm Hoàng Hiệp - người trẻ nhất được công nhận chức danh Phó giáo sư từng nói: “Để thành công, hãy luôn đặt câu hỏi tại sao và cố gắng suy nghĩ giải thích”.
Bởi vậy, việc mỗi ngày các con nên làm khi đến trường không phải là chép lại bài giải của cô giáo mà phải là ghi chính xác đề bài, chính xác câu hỏi cần được giải đáp và đưa ra những vấn đề mình chưa hiểu. Có thắc mắc chắc chắn sẽ có câu trả lời, vấn đề là chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình tìm ra nó hay không mà thôi. Dù tài giỏi đến mấy, con cũng không thể trả lời tốt mọi thắc mắc của mọi người. Vì thế, điều đầu tiên, quan trọng nhất và cần thiết nhất cho con, không chỉ trong trường học mà còn trong trường đời, chính là kĩ năng hỏi.
Học cách nói: "Tôi không thể"
Hẳn con còn nhớ một câu chuyện khá thú vị mang tên “Tôi có thể”, kể về một câu nói ngắn gọn mang đến động lực và thay đổi cho rất nhiều hành động của nhân vật chính. Nó giúp người ta thêm tin tưởng vào khả năng của chính mình, cũng như tự tin hơn khi gánh vác một nhiệm vụ nào đó. Thế nhưng, điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc con nên quên đi sự quan trọng của câu nói: “Tôi không thể”!
Hãy nói “Tôi không thể” khi con đã thực sự hiểu rõ khả năng của mình
Hãy đứng ra đảm nhiệm những nhiệm vụ con tin rằng mình có thể cố gắng và nỗ lực hết mình để đạt được thành công. Nhưng, song song với đó, hãy học cách từ chối những lời mời mọc nếu con không thực sự hứng thú. Đừng tự nhấn chìm mình trong những rắc rối do chính sự cả nể tạo ra.
Hãy nói “Tôi không thể” khi con đã thực sự hiểu rõ khả năng của mình và tin rằng mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể hoàn thành yêu cầu được giao.
Hãy học cách nói “Tôi không thể” trước một lời đề nghị giúp đỡ không thực sự cần thiết từ những người xung quanh. Nếu không, con đang tạo cho người khác thói quen dựa dẫm vô bổ và ôm vào mình rất nhiều trách nhiệm khác trong khi công việc của bản thân vẫn còn đang chất đống chờ giải quyết.
Làm như vậy, con đã gián tiếp giúp họ phát huy bản năng sinh tồn một cách độc lập và tự chủ. Đừng biến họ thành cây tầm gửi sống bám vào người khác. Vậy nên, hãy biết cách chia động từ “có thể” và “không thể” đúng lúc và đúng chỗ, con nhé!
Học... làm "người xấu"
Chẳng ai muốn bị người khác ghét bỏ, song lắm khi, niềm vui của người này biến thành nỗi buồn của người khác và con “nghiễm nhiên” nằm trong danh sách đen của một người bạn nào đó trong lớp.
Đó là khi không phải bạn ấy mà chính là con nằm ở vị trí đầu tiên trong kì thi thử đại học, đó là khi không phải người kia mà chính là con nhận được tình cảm của anh chàng hotboy trong trường, đó là khi những cố gắng của người này được ghi nhận ở một cung bậc thấp hơn nhiều so với người kia...
Đôi khi sự thành công của người này phải đánh đổi bằng sự ghét bỏ của người khác.
Bên cạnh niềm vui của kẻ chiến thắng, hẳn con sẽ không tránh khỏi cảm giác “tội lỗi” khi đứng trước nỗi buồn của những người còn lại. Thậm chí, sự thành công của con phải đánh đổi bằng sự ghét bỏ của người khác.
Chớ vội lo lắng, bởi như vậy mới là cuộc sống, không màu hồng, cũng chẳng màu xám. Hạnh phúc, may mắn đến với tất cả mọi người là điều ai cũng muốn, song cuộc sống sẽ dạy con rằng điều đó chỉ đúng trên lý thuyết. Hãy phấn đấu hết mình và nếu đạt được thành công, hãy dũng cảm tặng cho mình một chút tỉnh bơ để vững vàng bước tiếp, chớ để thái độ khinh khỉnh của người khác cản bước niềm vui của mình. Người khác nghĩ ta xấu, nhưng điều đó đâu quan trọng bằng việc, ta không phải kẻ xấu, đúng không con?
Học cách... thất bại
Chắc chắn trong số những cuốn sách mẹ yêu cầu, con đã đọc bức thư cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi tới thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong đó có đoạn viết: "Xin thầy hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại…”
Thất bại vẫn là một bài học không dễ để tiếp thu.
Lindsay Lohan từng là một biểu tượng sáng chói cho dàn sao trẻ của Hollywood mà con và các bạn của mình vẫn luôn hâm mộ, thế nhưng cô ấy cũng nhanh chóng sa ngã vào con đường bia rượu và ma túy. Mẹ của ngôi sao này từng ước: "Tôi muốn Lindsay thất bại. Ai cũng cần thất bại để có thành công”.
Những cú vấp ngã có thể là những viên gạch móng vững chắc cho tiền đồ sáng lạn sau này. Mỗi lần thất bại là một lần người ta có thêm bài học mới, những bài học đau thấu xương, những bài học chỉ nghĩ tới thôi đã tràn nước mắt. Nó nhắc nhở ta về những sai lầm, nhưng cũng là động lực để ta tiến về phía trước. Điều quan trọng là hãy giữ vững mình, đừng để bị quật ngã bởi chính những sai lầm đó, đừng để chúng khiến ta nản chí và sợ hãi. Suy cho cùng, thất bại vẫn là một bài học không dễ để tiếp thu.
"Học, học nữa, học mãi"
Chẳng ai nói việc học là dễ dàng cả. Bởi thế nên bố mẹ luôn luôn lắng nghe và hoàn toàn thấu hiểu khi con nói rằng con đường học tập quá gian nan. Chớ nóng vội. Hãy để trường học dạy con những kiến thức cần thiết còn cuộc sống rèn con những kĩ năng bổ ích, nhé con yêu!
Phương Di