Từ giữa năm 2014 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục giảm mạnh, tuy nhiên giá cước vận tải lại chưa điều chỉnh tương xứng đã gây nhiều tác động đến giá hàng hóa tiêu dùng.
Xem xét đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá (Ảnh: TTXVN)
Trước thực tế đó, tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30/1, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp đặc biệt Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.
Ước tính, từ giữa tháng 7/2014 đến 21/1/2015, giá xăng trong nước đã giảm lên đến gần 10.000 đồng mỗi lít (tương ứng mức giảm gần 39%), nhưng thực tế, giá cước taxi chỉ giảm từ 1.000-1.500 đồng/km, còn cước vận tải cũng chỉ giảm từ 3-8%.
Do vậy, để làm rõ sự công khai minh bạch trong việc điều hành giá, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, các địa bàn trọng điểm để làm rõ việc các doanh nghiệp chây ỳ chưa kê khai giá để giảm giá cước.
Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp đã kê khai giảm rồi nhưng nếu gía xăng dầu vẫn giảm sâu thì cần phải xem xét đánh gía tính toán để kê khai lại nhằm giảm giá cho phù hợp với mặt bằng, nguyên liệu, các chi phí đầu vào có tác động đến giảm giá cước vận tải
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch 2015 mới đây của Bộ Giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu trong năm 2015, ngành Giao thông vận tải phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải, nhất định phải thực hiện theo đúng cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ động làm việc với Bộ Tài chính, chỉ đạo các Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải địa phương để kiểm soát bằng được giá cước vận tải.
Đức Duy
theo Vietnam+