Sự kiện hot
13 năm trước

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm hộ dân khát nước sạch tại 'chảo lửa'

Đã gần hai năm qua, nhiều công trình nước sạch tại huyện miền núi Nam Đông - "chảo lửa" của tỉnh TT-Huế - bị hư hỏng nặng khiến hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong mùa nắng nóng.

Đã gần hai năm qua, nhiều công trình nước sạch tại huyện miền núi Nam Đông - "chảo lửa" của tỉnh TT-Huế - bị hư hỏng nặng khiến hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong mùa nắng nóng.

Sống cạnh công trình nước sạch, vẫn khát nước

Huyện Nam Đông là nơi có nền nhiệt lớn nhất Huế. Trong các đợt nắng nóng hàng năm, đây được ghi nhận là “chảo lửa” của tỉnh. Tình trạng thiếu nước sạch trong những mùa nắng nóng từ năm ngoái đến nay càng khiến người dân nơi đây thêm khốn khổ.

Theo bà Hồ Thị Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, vào năm 2005, dự án NAP có đầu tư 1 hệ thống nước sạch tự chảy dẫn nước từ đầu nguồn về cho bà con. Sau 5 năm hoạt động thì bị hư hại, rò rỉ nước nên không sử dụng được. Ngoài ra, xã còn có 1 công trình nước tự chảy trên đầu nguồn hiện cũng đang hỏng. Hai năm nay, 307 hộ dân với 1.445 khẩu trong xã rất khó khăn về nước sạch.

Đặc biệt, từ tháng 4/2011 cho đến nay, tình trạng nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm. Cao điểm là vào tháng 6, 7, nước ở một số nơi cạn kiệt, nhiều hộ dân phải dùng chung 1 giếng đào nhưng mực nước cũng không nhiều.

Bà Hồ Thị Năm (khu tái định cư thôn 2, xã Hương Sơn) hàng ngày 3 lần đi xuống đồi xin nước giếng.

Ngay cả trong Ủy ban xã Hương Sơn, hệ thống nước ở nhà tắm, nhà vệ sinh cũng không dùng được. Mỗi sáng, bảo vệ cơ quan phải đi gánh nước về cho cả Ủy ban sử dụng. Một ngày ba lần đều đặn, bác bảo vệ đi gánh nước, cán bộ cũng không dám dùng nhiều vì sợ làm khổ người gánh nước.

Đi lên khu tái định cư trên đồi nơi có 55 hộ dân ngày đêm phải gánh nước từ dưới đồi lên, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Năm đang thở dốc, 2 tay xách 2 can nước đầy đi lên dốc. Bà Năm nói: “Ở đây có ống nước tự chảy nhưng từ lâu không dùng được rồi. Ngày mô tui và đứa con gái phải đi xách nước 3 lần ở dưới đồi lên được khoảng 30 lít. Có ngày hết nước thì phải xuống khe cách nhà 20 phút đi bộ để gánh”.

Con bà Năm, cháu Nguyễn Thị Linh (17 tuổi) lúi húi vo gạo trong bếp với thùng nước mẹ mới xách lên quẹt mồ hôi trán cười bẽn lẽn: “Vì nước thiếu quá nên em một ngày chỉ tắm một lần dù trời nóng trên 40 độ. Ngày mà thiếu nước thì có khi em cũng không tắm”. Cha của Linh, anh Nguyễn Ngọc Phi cho biết không những gặp khó khăn trong sinh hoạt vì nước mà còn canh tác mùa màng cũng khổ không kém vì nắng quá mà lại thiếu nước nên chỉ trồng được 1 vụ lúa trong năm.

Bể nước sạch của trường mầm non Hương Sơn hư từ lâu, trường phải bỏ tiền ra thuê bơm nước lên cho các cháu tắm rửa.

Cách đó không xa, trường mầm non Hương Sơn cũng đã bị hư bể nước sạch, trường phải bỏ kinh phí 500.000đ/tháng cho tiền điện bơm nước lên cho có nước các cháu tắm rửa, vệ sinh. Cô Võ Thị Hoa, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã bơm nước bằng điện cách đây một năm, tuy khó khăn nhưng trường luôn cố gắng để giữ vệ sinh sạch cho các cháu. Vì nước cũng ít nên mỗi khi tắm rửa các cháu phải chờ luân phiên theo thứ tự.

Tiếp chúng tôi tại phòng riêng trong ủy ban xã xã Thượng Long với một bình nước trà đã khô đáy và đang chờ nhân viên đi lấy nước, ông Phạm Cường, Chủ tịch xã trong xã có 3 công trình nước tự chảy, các công trình này cấp nước cho hơn 400 hộ dân trong xã, còn hơn 100 hộ khác sử dụng nguồn nước giếng. Nhiều công trình nước của xã bị xuống cấp vì vậy vào mùa hè thường xuyên bị thiếu nước. Đặc biệt là ở thôn 6 và thôn 7 cách xa nguồn nước tự chảy nên gần 70 hộ dân tại đây thiếu nước nhiều nhất.

Người dân và chính quyền đều thiếu trách nhiệm

Hiện tình trạng thiếu nước sạch tại Nam Đông theo ghi nhận của chúng tôi là khá nặng khi vẫn đang xảy ra ở các xã khác như Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Hữu với hàng trăm hộ dân khác đang ngày đêm thiếu nước sạch.

Bà Hồ Thị Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn đề nghị thông qua báo, xã xin các cấp trên xây thêm 1 bể lọc và chứa nước sạch ở thượng nguồn cũng như phục hồi lại các bể hư hại để xã sớm có nước sạch dùng chứ tình trạng như vậy kéo dài thì quá khổ cho người dân.

Ông Lê Minh Hòa, quyền Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Đông cho biết công trình nước sạch tự chảy, huyện được đầu tư từ nguồn vốn ADB và đã xây lên được 5 công trình tại 5 xã vào năm 2004. Mỗi công trình có dung tích bể chứa từ 200-300m3. Thời gian đầu, nước còn chảy tốt, nhưng sau này do người dân lấn chiếm rừng, phá rừng làm rẫy đã vô tình làm hư hại các đường dẫn nước. Bên cạnh đó, một số công ty khai thác đá cũng đã làm xói mòn đất và ủi trôi ống nên nước dẫn về xuôi cho dân rất yếu.

1 đường ống dẫn nước sạch vào các hộ ở thôn 2, xã Hương Sơn đã bị hư từ lâu.

“Phía chính quyền cũng quản lý không chặt chẽ, người dân thì ý thức chưa cao việc bảo vệ công trình. Lấy một ví dụ có thật, một ông đi chăn bò bỗng thấy đường ống dẫn nước về làng bị hở, đáng lẽ phải tới nối lại hay nhờ cán bộ lên xem. Đằng này, ngứa tay, ông ta bèn giơ luôn cái rựa mang theo bên người chặt luôn ống nước. Cán bộ xã hỏi sao lại làm vậy, ông nói Nước của Nhà nước thì cho nó chảy chứ sợ thiếu gì - ông Hòa kể một câu chuyện bi hài.

Ông Hòa cũng cho biết: “Hiện có 6 xã được đầu tư tổng cộng 11 công trình nước sạch với khoảng hơn 6 tỷ đồng nhưng công năng sử dụng chỉ khoảng 30% nên tình hình nước sạch ở huyện đang khá căng thẳng, nhất là trong mùa khô năm nay, hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sạch. Chúng tôi nghĩ phải đồng lòng cả cán bộ với người dân thì mới bảo quản được nguồn nước. Bên cạnh đó, cần có đội duy tu bảo dưỡng công trình nước do xã lập ra thì những công trình sau này nếu được đầu tư vào thì mới không bị hư hại như thế này nữa. Chúng tôi sắp tới cũng sẽ đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư phân bố vốn về tập trung cho huyện vì trước đây vốn từ trên về chỉ đầu tư dàn trải cho từng xã nên rất khó làm”.

Dưới đây là những hình ảnh người dân khát nước sạch ở "chảo lửa" Nam Đông - TT-Huế:

Những thùng nước ngả màu cáu bẩn vẫn được "để dành" để dùng cho nhà vệ sinh.

Trụ nước khô khốc.

Giếng nước nhà ông Huỳnh Văn Dưới, khu tái định cư thôn 2, xã Hương Sơn là nơi cung cấp nước sạch cho hơn 10 hộ dân trong xóm gần 2 năm nay.

Người dân hứng nước bằng cách bỏ phuy nhựa vào tận đường ống. Nhưng hiếm khi có giọt nước nào trong vài ngày.

Theo Dân trí

Từ khóa: