Sự kiện hot
13 năm trước

Thừa Thiên-Huế: Mất đất, dân phá rừng làm rẫy

Rừng phòng hộ ở xã Hồng Thượng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đã và đang bị những hộ dân mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lưới tàn phá để lấy đất sản xuất.

Rừng phòng hộ ở xã Hồng Thượng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đã và đang bị những hộ dân mất đất bởi Dự án Thủy điện A Lưới tàn phá để lấy đất sản xuất.

Có mặt tại tiểu khu rừng 307, nằm cách thôn định cư Kăn Tôm 2 khoảng 1km, chúng tôi chứng kiến nhiều ha rừng đã bị cạo trọc. Nhiều diện tích trong số này vừa được người dân đốt thành tro.

Cạnh đó là những khoảnh rừng đã bị biến thành đất trồng sắn, ngô và các loại hoa màu khác. Nhiều khoảnh rừng khác mới bị đốn ngã, cây cối nằm ngổn ngang, trong đó có những cây đường kính 30-40cm.

Một diện tích lớn rừng phòng hộ ở xã Hồng Thượng đã bị phá để làm rẫy.

Trong quá trình thâm nhập vào tiểu khu rừng 307, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân mang theo cưa máy và dao, rìu đi vào rừng. Khi được hỏi, những người này cho biết họ đi phát rẫy để lấy đất sản xuất.

Theo kiểm lâm địa bàn xã Hồng Thượng, chỉ tính từ ngày 4 đến 19.4, qua phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới kiểm tra, lực lượng này phát hiện 10 hộ dân lấn chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật.

Theo kết quả kiểm tra, đã có tổng cộng 3,07ha rừng tại tiểu khu 307 và các khu vực lân cận bị tàn phá để lấy đất làm rẫy. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NTNN, diện tích rừng bị phá ở khu vực trên lớn hơn nhiều so với con số báo cáo của kiểm lâm địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Đời - Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, thừa nhận tình trạng người dân phá rừng phòng hộ trên địa bàn và giải thích nguyên nhân của tình trạng này là do người dân thiếu đất sản xuất. Theo ông Đời, Dự án Thủy điện A Lưới đã khiến rất nhiều người dân ở xã mất đất sản xuất, nhất là những hộ phải về định cư ở thôn tái định cư Kăn Tôm 2. Cuộc sống khó khăn vì mất đất nên người dân phá rừng làm rẫy.

Theo tìm hiểu của NTNN, sau khi được đưa về thôn tái định cư Kăn Tôm 2, hầu hết trong số 106 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện A Lưới đã được cấp đất rừng và đất ruộng. Tuy nhiên, do những diện tích đất được cấp quá cằn cỗi, toàn sỏi đá, nên đến nay người dân chưa thể cải tạo để phát triển sản xuất.

Ông Hồ Văn Lia ở thôn tái định cư Kăn Tôm 2 cho biết, gia đình ông được cấp 7.917m2 đất rừng và một số diện tích đất ruộng nhưng đất này không sản xuất được do lượng sỏi đá trong đất quá lớn. “Tui phải phát gần 4.000m2 rừng phòng hộ để lấy đất trồng hoa màu, vì nếu không phát rừng thì chỉ còn chờ chết đói” - ông Lia giải thích.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Viết Ngọc Vinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, cho biết, tình trạng phá rừng phòng hộ ở xã Hồng Thượng rất khó xử lý. Bởi ngành chức năng chỉ có thể xử lý những người phá rừng theo cách giáo dục là chủ yếu, còn phạt tiền thì họ không có để nộp. Theo ông Vinh, không chỉ ở Hồng Thượng mà ở các xã Hồng Vân và Bắc Sơn cũng đang xảy ra tình trạng dân phá rừng làm rẫy vì thiếu đất sản xuất.

An Sơn
theo Dân Việt

Từ khóa: