Sự kiện hot
8 tháng trước

Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 4085/NHNN-TT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt
Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN đã khuyến khích các TCTD triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa.

Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực.

Những trường hợp nào sẽ bị phong tỏa tài khoản?

Theo đó, Ngân hàng nhà nước đề nghị các đơn vị tích cực tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong số đó, chính sách ưu đãi ưu tiên áp dụng đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ công và khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.

Với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ… nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý (giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tặng/tích điểm thưởng, tặng quà…) cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí, phiếu quà tặng… cho khách hàng đăng ký, mở, liên kết thành công ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động xây dựng các chương trình, chính sách ưu đãi của đơn vị mình, quảng bá tới khách hàng và phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan để thực hiện.

Thời gian qua, nhiều dịch vụ, ứng dụng ngân hàng số được các ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trực tuyến triển khai với các thao tác đơn giản, thuận tiện, giúp cho nhiều đối tượng người dùng như công nhân, người lao động vốn chưa quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tuyến nhiều hơn…

Hiện, các ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vắn tin tài khoản mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, đặt tour du lịch…  Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: