Sự kiện hot
7 năm trước

Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững đối với xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam 2017

Ngày 27-3, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững".

Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), năm 2017 kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ  đạt gần 7,7 tỉ USD (tăng 12,6% so với năm 2016),  300 triệu USD còn lại trong số 8 tỷ là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như “sản phẩm mây tre, cói và thảm. Mức kim ngạch này, ngành đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.

Hội thảo "Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững"

Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn quốc gia có kim ngạch đạt cao nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỉ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng Hoa Kỳ chiếm 40,2% tương đương 3,08 tỷ USD, tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 13,6% so với 2016; Trung Quốc chiếm 14,2%, tương đương 1,085 tỷ USD, , tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 5,7% so với 2016.

Có một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó bao gồm tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc. Suy thoái kinh tế năm 2008-2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesian – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo

Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu lâm sản cả nước đặt ra 9 tỷ USD. Mục tiêu này được các doanh nghiệp nhận định tương đối khả thi. Thời gian tới, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, trong đó 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, tại thị trường Hoa Kỳ, chính sách thương mại hiện theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Chính sách này đã tác động trực tiếp đến Trung Quốc, quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn nhất từ Hoa Kỳ. Thời gian gần đây đã diễn ra sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. 

Mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2018 cả nước đặt ra 9 tỷ ÚD

Để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phát triển một cách bền vững trong tương lai cần có những giải pháp hợp lý trong việc cân đối cung - cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu…

Đồng thời các cơ quan chức năng và các hiệp hội cần cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách về khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại quốc gia nhập khẩu.

Các thông tin này cần được cập nhập phổ biến cho các cơ quan quản lý, kiểm soát nhập khẩu cũng như những công ty nhập khẩu và các hộ tại các làng nghề, nơi nguồn gỗ được sử dụng. 

 Hoàng Nhung – Út Thương

Theo TTPT

Từ khóa: