Sự kiện hot
13 năm trước

Thức uống vỉa hè pha từ... hóa chất "Made in China"

Bác sĩ Trần Văn Ký, Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định, hiện chất lượng nước mát (sâm lạnh, rau má, nước ép…) ngoài thị trường hiện không ai kiểm soát, người tiêu dùng khó lòng biết được mình đang uống thứ gì.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định, hiện chất lượng nước mát (sâm lạnh, rau má, nước ép…) ngoài thị trường hiện không ai kiểm soát, người tiêu dùng khó lòng biết được mình đang uống thứ gì.

Nắng nóng, trên nhiều con đường đông người qua lại như: Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Hàm Nghi (Q.1), Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quốc Thảo, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm (Q.5), Trường Chinh (Q.Tân Bình)... mọc thêm nhiều hàng nước giải khát bán đủ các loại từ nước sâm, nước đắng, rau má, bí đao, trà sữa tươi, nước ép, trà chanh...

Người tiêu dùng khó lòng biết được mình đang uống thứ gì?

Bà Hồng, chủ một xe nước “di động” trên đường Huỳnh Tấn Phát giao với Bùi Văn Ba quận 7 cho biết, trung bình mỗi ngày bán hàng trăm ly đủ loại. Tùy theo ly nhựa, bịch nylon cho khách uống tại chỗ hay mang đi mà có giá từ 5.000 - 7.000 đồng/ly. Nếu đóng chai sẵn bán với giá 7.000 - 8.000 đồng/chai tùy loại.

Chị Mỹ Lệ, bán xe sâm trên đường Hoàng Diệu (Q.4) cho hay, với giá đường phèn 25.000 đồng/kg, rong biển khô 40.000 - 50.000 đồng/kg, bông cúc khô 70.000 đồng/kg… để có lãi, buộc người bán phải pha thật loãng và dùng thêm “cốt” (hương liệu bán ở chợ Kim Biên, (Q.5) mới lãi nhiều.

Để pha được thùng nước mát (sâm bí đao, rong biển…) không phải đơn giản. Nào là chọn nguyên liệu, cách nấu các chất làm mát, pha đường, nước phù hợp với tỷ lệ... Thế nhưng hiện nay không ít người bán nước mát lại có cách riêng, chọn hóa chất để pha thành nước sâm đủ loại.

Trời nóng những xe nước "di động" nhiều như "nấm mọc sau mưa"

Đến chợ Kim Biên hỏi mua chất tạo mùi, PV Infonet được người bán chào giá: hương liệu nước sâm bí đao, trà xanh, rong biển, nước cam… giá từ 25.000 - 35.000 đồng/100g. Để có 10 lít nước sâm bí, nước mát hay rong biển… chỉ cần cho 30g hương liệu và tí đường vào là có mùi y hệt như nước nấu từ nguyên liệu thật.

So với nước nấu từ nguyên liệu thật 100%, về hình thức giống hệt nhau. Song nhìn kỹ mới thấy nước mát pha từ hóa chất trong hơn, nếm thì có hương sốc, vị gắt của đường hóa học. Trong khi nước nấu từ các nguyên liệu thiên nhiên như bí đao, nhãn nhục, thục địa, la hán quả… có vị ngọt đường phèn dịu nhẹ

Ngoài nước mát, các loại thức uống “ép từ trái cây” như: nước cam, me, dừa, hồng trà, lục trà… bán với giá chỉ có 5.000 - 6.000 đồng/ly. Loại này cũng pha từ bột hóa chất “Made in China” bán đầy ở chợ Bình Tây, (Q.6). Chẳng hạn, hạt trân châu từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, hồng trà, lục trà khoảng 12.000 đồng/bịch 10 gói. Các loại bột cam, chanh, tắc, dâu, đào, ca cao, bưởi... Giá bán từ 4.000 - 5.000 đồng/gói, pha được hàng chục ly.

Để “lấy lòng tin” người tiêu dùng, nhiều nơi bày ra hàng thật thu hút khá nhiều khách. Tuy nhiên, có nhiều điểm chỉ ép trái cây tượng trưng, thực chất là pha từ các loại bột trên.

Rau má xay sẵn không đảm bảo nguyên chất

Với rau má xay sẵn đóng chai, nhiều “lò” sản xuất không ngại độn thêm lá chuối sứ tươi. Cứ 5 kg lá chuối, trộn với 20 kg rau má và 70 lít nước lã đem xay, sẽ cho ra gần 100 lít rau má “đậm đặc, thơm ngon”. Chiêu này đã được dùng lâu nay, song do chưa có ai bị ngộ độc và cơ quan chức năng chưa bắt quả tang nên hiện chúng vẫn tồn tại.

Ông Ký cho biết, người tiêu dùng tìm mua nước mát không chỉ nhằm giải khát, mà còn vì mục đích giải nhiệt và tin vào những tác dụng mát gan, thải độc của các vị thảo dược. Tuy nhiên các loại thức uống trên thuộc dạng thức uống đường phố nên rất khó kiểm soát, giám sát. Điều này cho thấy rất nguy hiểm, bởi phần lớn chỉ toàn là hóa chất độc hại, được khuấy lên bán cho mọi người.

Do thức uống ít khi bộc phát ngay, nên ít người quan tâm. Song, nếu uống những thực phẩm này lâu dài sẽ bị ngộ độc hóa chất mãn tính, sinh ra các bệnh hiểm nghèo như: xơ gan, suy nhược thần kinh, rối loạn chuyển hóa…. thậm chí gây ung thư.

Trần Nhã
The Infonet

Từ khóa: