Trước nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân không ngừng tăng cao đã khiến thị trường dược phẩm trên mạng xã hội ở nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc quản lý việc mua bán, kinh doanh thuốc online vẫn đang bị buông lỏng nên người tiêu dùng và nhất là người bệnh đang phải đối mặt không ít mối nguy hại.
Trên các trang mạng xã hội, facebook, zalo… chỉ cần một tài khoản cũng có thể đăng quảng cáo, giao bán và thực hiện việc mua bán với hàng nghìn tài khoản khác, thậm chí hàng vạn người khác thông qua các hội, nhóm. Không cần giấy phép, không cần phân biệt thuốc hay thực phẩm chức năng, các cửa hàng ảo cứ đua nhau chào bán nhưng người mua lại là thật.Trong số đó, các trang chủ yếu rao bán thực phẩm chức năng giúp giảm cân; các viên nén, viên nang, kem, gel làm đẹp da. Ngoài ra, còn rất nhiều trang quảng cáo thảo dược như trà mát gan, giải độc, thanh lọc cơ thể…
Mặc dù chính sách Facebook quy định cấm bán thuốc theo toa, nhưng thực tế các loại thuốc chữa ung thư, thuốc chữa ho trẻ em, thực phẩm chức năng, dược phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc được chạy quảng cáo và bán tràn lan trên Facebook, trong khi cơ quan chức năng khó kiểm soát các vi phạm loại này.
Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, sữa và thực phẩm bổ sung cho trẻ em, thực phẩm chức năng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi quảng cáo các sản phẩm này trên các phương tiện truyền thông phải được Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Các tiêu chuẩn về lưu hành thuốc chữa bệnh còn được quy định ngặt nghèo hơn, thuốc chữa bệnh khi được nhập khẩu hay sản xuất trong nước phải được Cục Quản lý Dược kiểm định chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn và cấp số đăng ký mới được lưu thông vào trong các nhà thuốc hay bệnh viện. Nội dung và hình ảnh quảng cáo thuốc cũng phải được cấp Giấy phép phê duyệt nội dung bởi cơ quan quản lý của Bộ Y tế. Nhưng trên môi trường mạng xã hội như Facebook, YouTube hiện nay chủ các shop bán hàng thường dùng kênh Facebook để quảng cáo, bán hàng trực tiếp tới người sử dụng mà không bị kiểm duyệt về chất lượng sản phẩm, cũng như nội dung quảng cáo trên Facebook.
Đặc biệt, theo các chuyên gia cảnh báo, bệnh trạng mỗi người mỗi khác, không nên tự mình mua thuốc để tự chữa lấy mà không hỏi ý kiến của nhà chuyên môn trước. Khi mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần phải được bác sĩ thật sự trực tiếp khám và chẩn đoán mới hy vọng kê toa cho đúng bệnh được. Khuyến cáo của các chuyên gia cho biết, mỗi người cần có ý thức tự giác, người bệnh tuyệt đối không nên mua thuốc qua các trang mạng, đặc biệt là những thuốc nằm trong quy chế phải kê đơn theo quy định. Việc tự ý dùng thuốc rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Thuốc là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc nhiều trang mua bán trực tuyến rao bán thuốc chữa bệnh quá dễ dàng, khiến việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng gia tăng, gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng. Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ năm 2013 đến 8/2017 kiểm tra 147 vụ; xử lý 147 vụ; xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 2,913 tỷ đồng. Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM năm 2013 đến 8/2017 kiểm tra 283 vụ; xử lý 283 vụ; xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiến 5,029 tỷ đồng. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực trên mạng xã hội, nhất là hành vi bán thuốc rởm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng khi mua thuốc qua mạng. Đặc biệt là những loại thuốc cần có chỉ định của bác sĩ nếu không rất dễ chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Bảo Anh