18 giờ 30 ngày 4/1, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người sống sót duy nhất trên chiếc tàu Vinalines Queen, từ Singapore đã về đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN 660 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí cũng như người thân trong gia đình.
18 giờ 30 ngày 4/1, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người sống sót duy nhất trên chiếc tàu Vinalines Queen, từ Singapore đã về đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN 660 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí cũng như người thân trong gia đình.
Anh Đậu Ngọc Hùng trả lời phỏng vấn báo chí tại trụ sở Vinalines
Sau đó, anh Hùng được đưa về trụ sở của Vinalines và có cuộc trao đổi với báo giới.
Anh Hùng cho biết: "Từ lúc tàu gặp nạn, tôi cũng chìm theo tàu. Nhưng khi lực hút hết, tôi ngoi lên được. Tôi may mắn vì với được phao bè của tàu. Sau một ngày lênh đênh, đến rạng sáng ngày 26 thì phao bị lật do sóng lớn. Tôi thoát ra ngoài, lần theo đến được xuồng cứu sinh số 2 của tàu Vinalines Queen. Trên đó có đủ lương thực, nước ngọt, lương khô, thuốc… giúp tôi duy trì được đến khi được tàu London Courage cứu."
Trả lời về việc có hay không việc hóa lỏng nikel dẫn đến sự cố, anh Hùng cho hay lúc đó anh thực sự hoảng loạn nên không nắm được tình hình, có khả năng khi tàu quay đầu vào chỗ trú thì bị lật nghiêng.
"Sự việc xảy ra quá nhanh nên khi phát hiện tàu nghiêng chỉ kịp thấy thuyền trưởng thông báo yêu cầu 23 thủy thủ mặc áo phao, áo giữ nhiệt và lên hết boong tàu. Sóng rất lớn làm tàu bắt đầu nghiêng. Lúc này, tôi đang ở dưới sân boong, toàn bộ hệ thống xuồng cứu hộ chưa được hạ xuống. Tôi bị hất ra ngoài và may mắn vớ được phao bè, đủ chỗ cho 25 người. Con tàu chìm dần xuống, tình cảnh trên boong thực sự hoảng loạn và mọi thứ trên boong đều bị cuốn xuống dưới, xung quanh mù mịt, tôi không quan sát được gì," anh Hùng cho hay.
Một lãnh đạo Vinalines cho biết, việc xếp hàng và vận chuyển hàng trong tàu là chuyên môn của thuyền trưởng và thuyền phó, bản thân anh Hùng không thể nhận định được. Việc anh Hùng thoát ra khỏi sóng lớn 5-6m như vậy đã là một kỳ tích. Vinalines Queen đã chạy 8 tháng trên tuyến này theo hợp đồng khai thác, chứ đây không phải chuyến đầu tiên. Hàng hóa này khi chuyên chở đã có quy cách, đảm bảo an toàn mới chở. Độ ẩm của hàng hóa phải nằm dưới giới hạn độ ẩm cho phép, khi chở phải đo và tính toán kỹ càng."
"Hiện vẫn chưa biết quy trình lấy mẫu nikel xem xét độ ẩm thế nào, nên chúng ta phải xem xét lại mới nói rõ được nguyên nhân. Chúng ta phải trở lại gốc vấn đề là cảng đã nhập nikel, tất cả các vấn đề này đều thuộc về thuyền trưởng thuyền phó. Anh Hùng là thủy thủ, chỉ mới được đào tạo 2 năm nên sẽ khó nắm được nguyên nhân cụ thể khiến tàu bị chìm," vị lãnh đạo nói.
Một đại diện khác của Vinalines cho hay, bản thân thuyền trưởng trên tàu được đào tạo rất bài bản và kỹ lưỡng. Bộ luật hàng hải giao cho thuyền trưởng quyền rất lớn, được quyền thay mặt quốc gia thuyền mang cờ, được quyền quyết định các vấn đề đột xuất trên tàu. Tàu Vinalines Queen đóng năm 2005, rất hiện đại, có giá trị 27 triệu USD, trang bị máy móc và thiết bị cứu hộ đầy đủ. Trước khi thực hiện hành trình, tàu đã được kiểm tra kỹ lưỡng, được thiết kế để chở hàng nên việc chở quặng là hoàn toàn bình thường.
Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhận định việc mất liên lạc có thể xảy ra thường xuyên với bất kỳ cơ quan nào. Nhưng trường hợp này, tàu không phát tín hiệu SOS mà chỉ mất tín hiệu. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, Tổng công ty đã báo trung tâm cứu hộ cứu nạn. Đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào qua vệ tinh.
Về vấn đề bảo hiểm tàu, ông Việt cho hay, tàu Vinalines Queen mua bảo hiểm tai nạn của Ngân hàng Agribank.
Khi được hỏi liệu có phải thảm kịch hàng hải lớn nhất hay không, và việc một số nguồn tin cho rằng thuyền trưởng đã gọi cho 1 cựu giảng viên Đại học Hàng hải để hỏi về cách xử lý tàu nghiêng, ông ông Việt cho hay: "Thuyền trưởng đã có kinh nghiệm trện 3 năm và được đào tạo rất bài bản. Về nguồn thông tin này, chúng tôi sẽ kiểm định lại. Còn về thiệt hại thì chúng tôi chưa thể thống kê được. Nhưng với Vinalines, đây là thiệt hại lớn nhất và cũng là lần đầu tiên."
Ông Việt cũng tỏ ra băn khoăn bởi tàu Vinalines Queen rất hiện đại, hệ thống tự động gần như tuyệt đối, khi gặp sự cố sẽ phát tín hiệu lên vệ tinh. Hiện Vinalines đang chờ kết quả điều tra của các chuyên gia hàng hải hàng đầu.
Ông Việt cũng cho rằng quặng nikel không phải là loại hàng nguy hiểm. Về quy trình, theo luật, thuyền trưởng đã nắm vững việc cần phải làm và phải làm thế nào để an toàn và đúng quy cách.
Khi được hỏi tàu chở đến 54.000 tấn hàng, trong khi trọng tải của tàu là hơn 56.000 tấn, quặng nikel lại có thể hút ẩm đến 40%, liệu có vượt quá trọng lượng không, ông Việt nói tàu còn thừa ra hơn 2.000 tấn, kể cả lượng dầu mỡ cũng không thể đến được con số này.
Theo ông Việt, công tác tìm kiếm 22 nạn nhân còn lại vẫn đang được tiếp tục, số tiền mua bảo hiểm cho các thuyền viên là 40.000 USD mỗi người.
Vợ của người thủy thủ may mắn Đậu Ngọc Hùng đã lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội đón chồng và anh Hùng sẽ về quê ngay trong đêm nay.
Về thông tin thân nhân một số thủy thủ cho hay, có 5 số điện thoại của các thủy thủ trên tàu vẫn còn đổ chuông, anh Hùng giải thích, có thể là trước đó các thủy thủ này mượn máy của người dân Indonesia gọi về nhà nên người nhà gọi sang thấy đổ chuông cũng là bình thường. Đó không phải là điện thoại mà các thủy thủ mang theo người, bởi ở Indonesia rất khó mua simcard.
Anh Hùng cũng nói rằng anh rất xúc động khi đặt chân về quê hương và nhận được sự quan tâm sát sao của mọi người, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các đồng nghiệp trên tàu cũng sẽ may mắn như mình.
Ngày hôm nay Vinalines đã phát động 40.000 nhân viên mỗi người đóng góp một ngày lương để hỗ trợ gia đình các thủy thủ bị nạn trên tàu Vinalines Queen.
Sơn Bách
Theo Vietnam+