Sự kiện hot
5 năm trước

Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam

Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Đây là thông tin được nhấn mạnh tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy ngành khí phát triển ổn định, bền vững thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hội thảo do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gas Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam… cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí.

Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường khí. (Ảnh: PV)

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2000 - 2010 với tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm, sau đó giảm xuống còn 10% trong giai đoạn 2011 - 2015, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm. Hiện, thị trường khí tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, song sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Đánh giá về thực trạng thị trường khí, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho hay, thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn, chỉ có một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển thị trường cạnh tranh bán lẻ… Ngành khí có vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đối với kinh tế - xã hội và vấn đề an toàn, an ninh năng lượng, do đó vai trò quản lý của nhà nước đối với các sản phẩm khí là cần thiết. Vì vậy, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Cụ thể, với các sản phẩm LPG, CNG, LNG vẫn tiếp tục là mặt hàng đưa vào danh mục bình ổn giá; các doanh nghiệp thực hiện đăng ký (trong thời kỳ áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thường xuyên) theo quy định.

Riêng đối với khí thiên nhiên, các chuyên gia đánh giá nguồn khí hiện đang suy giảm nên cần xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác các nguồn khí bổ sung hoặc thay thế các nguồn hiện tại.


Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: PV)

Bàn về giải pháp phát triển ngành khí, theo các chuyên gia, nước ta cần sớm thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.

Tiến sỹ Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nêu rõ, đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định, ngành công nghiệp khí là một trong những nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam, cần tập trung xây dựng theo hướng thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.../.

Theo Dangcongsan

Từ khóa: