Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội được thành lập ngày 4/11/1998 theo quyết định số 3800/GP – UB của UBND TP Hà Nội, với tên giao dịch Quốc tế là Haseco. Trụ sở của Haseco nằm ở 614 Lạc Long Quân, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Đây là đơn vị thực hiện việc xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí Hồ Tây. Dự án bao gồm 3 hạng mục xây dựng chính là: công viên Nước, công viên Mặt Trời Mới và khu Trung tâm dịch vụ đa năng.
Haseco có 424 cổ đông, trong đó có 5 cổ đông lớn gồm: Tổng công ty Du lịch Hà Nội (4,27 triệu cổ phần, chiếm 45,92% vốn), Tập đoàn Bảo Việt (1,8 triệu cổ phần, chiếm 19,36%), Công ty TNHH Trí Thành (525.000 cổ phần, chiếm 5,647%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen (504.775 cổ phần, chiếm 5,429%), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (470.500 cổ phần, chiếm 5,061%).
Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Haseco nhiệm kỳ 2017 – 2022 là ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Ông Lê Xuân Nam – Trưởng phòng Tài chính Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT công ty.
Các thành viên HĐQT bao gồm bà Nguyễn Thị Vân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Hải – Kế toán trưởng Tổng công ty Du lịch Hà Nội; ông Phạm Mạnh Tường – Phó trưởng ban Đầu tư Khối chiến lược và đầu tư Tập đoàn Bảo Việt; ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô và ông Đoàn Anh Trung – Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen.
Về tình hình kinh doanh, trong nhiều năm gần đây, công viên nước Hồ Tây thường bị đem ra so sánh với công viên Đầm Sen với lợi nhuận “một trời một ực”.
Theo đó, đi ngược với đà tăng không ngừng nghỉ của “người anh em” Đầm Sen (đạt lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng năm 2017), công viên nước Hồ Tây ngày càng thụt lùi. Một con số thống kê cho thấy, doanh nghiệp này đã sụt giảm từ mức lợi nhuận sau thuế 15 tỷ năm 2011 xuống còn mức lẹt đẹt 4 tỷ năm 2016. Sang năm 2017, lợi nhuận của Haseco “nhích” lên chút ít, lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (tăng 28,37%).
Với con số lợi nhuận ít ỏi, công viên nước Hồ Tây bị cho là đang xuống dốc không phanh. Nguyên nhân là do công viên này những năm gần đây không đầu tư thêm nhiều trò chơi mới, thiết bị trò đã cũ…, dẫn đến lượng khách sụt giảm.
Mới đây nhất, công viên nước Hồ Tây là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về an ninh trật tự của sự kiện Đại nhạc hội mùa thu - "Trip to the moon", một sự kiện thu hút hàng ngàn người tham dự và 7 người tử vong nghi do sử dụng ma tuý. Tại buổi họp báo về sự việc diễn ra chiều 17/9, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Ngày 15/9, trước khi đại nhạc hội diễn ra, UBND quận đã cùng với các ngành kiểm tra, Công ty TNHH Kết nối Á Châu (đơn vị tổ chức đại nhạc hội) đã xuất trình hợp đồng ký địa điểm với Công viên nước Hồ Tây.
“Trong các điều khoản hợp đồng có nội dung tổ chức bán vé và đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra buổi diễn. An ninh trật tự của sự kiện được Công viên nước Hồ Tây đảm bảo bằng hợp đồng. Chúng tôi đã giao phòng Văn hóa và các đơn vị nghiệp vụ công an theo dõi kiểm tra các nội dung này. Về giấy tờ thì đầy đủ”, ông Tuấn nói.
Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội cũng cho biết: “Toàn bộ việc đảm bảo an ninh trật tự cho sự kiện là của Công viên nước Hồ Tây, công an quận chỉ được giao nhiệm vụ nắm tình hình, theo dõi”.
Lâm Anh
Theo VietQ.vn