Làng nghề mứt kẹo Xuân Đỉnh là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội, thuộc quận Bắc Từ Liêm, được hình thành từ những ngày đầu thế kỷ 19.
--
Tết về...Có lẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất của mỗi người, ai nấy cũng quay cuồng trong khối công việc dày đặc, trong nhịp sống bon chen. Rồi lại tự ngẫm "Sao tết này chẳng giống tết xưa" và bỗng nhiên người ta lại giật mình khi thấy thời gian sao trôi nhanh quá, hương vị tết cổ truyền ngày thơ bé giờ đây chẳng còn tìm thấy nữa.
Thế nhưng, nếu bạn bớt chút thời gian của những ngày cuối tuần, ghé về thăm làng nghề truyền thống, bạn sẽ thấy Tết vẫn như vậy! Chẳng hề mất đi hay khác trước phần nào.
Tết vẫn giữ vẹn nguyên hương vị xưa chứ chẳng hề mất đi nếu bạn biết tìm và lưu giữ những giá trị xưa. (Ảnh: htninh)
Làng nghề mứt kẹo Xuân Đỉnh là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội, thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Không ai rõ chính xác nghề làm mứt ở Xuân Đỉnh có từ bao giờ và vị tổ nghề là ai, chỉ biết rằng, nghề làm mứt bắt đầu hình thành từ thế kỷ 19. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là những loại mứt truyền thống như mứt bí, lạc, dứa, khoai, gừng, sầu riêng, cà chua, hồng, lê, quất... Trong những thứ mứt đó thì mứt bí vẫn đứng hàng đầu, đây là "sở trường" của làng mứt Xuân Đỉnh.
Mứt kẹo là món ngon không thể thiếu trong những ngày Tết về. (Ảnh: Three )
Tại Xuân Đỉnh hiện nay, nghề làm mứt vẫn được chế biến một cách thủ công nên hương vị tự nhiên vẫn gần như được giữ trọn vẹn. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến và đóng gói thành sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, chau chuốt và cẩn thận từ đôi bàn tay khéo léo.
Không khó để nhận ra, ngay tư khi bước qua cánh cổng làng, bạn sẽ thấy nhà nào ở Xuân Đỉnh cũng theo nghề làm mứt, kẹo... trong đó nổi bật nhất là những gia đình nghệ nhân Sinh Hùng, Đinh Tỵ, Bình Chung và Hồng Hạnh...
Bạn sẽ về thăm làng mứt Xuân Đỉnh? (Ảnh minh họa: culturemagazin)
Hướng dẫn đường đi
Từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến làng nghề Xuân Đỉnh bằng phương tiện cá nhân như: Xe máy, ô tô hoặc xe bus.
Phương tiện cá nhân:Lựa chọn điểm khởi hành là bến xe Giáp Bát, bạn đi về hướng Trường Chinh - Đường Láng - đến vành đai 2 tiếp tục chạy thẳng đến đường Võ Chí Công, rẽ trái vào đường Nguyễn Hoàng Tôn, chạy thẳng đến khi nhìn phía bên tay trái có biển hướng dẫn đường vào làng Xuân Đỉnh. Thời gian di chuyển chừng 50 phút.
Đi xe bus: Điểm bắt xe bus thuận tiện nhất đến làng Xuân Đỉnh là từ bến xe khách Giáp Bát, tuyến 25 hoặc 35 đều được, thời gian di chuyển chừng 45 - 50 phút.
(Ảnh: Google Maps)
Món ngon - Quán hay
Quán dê Lương Sơn Dương
Địa chỉ: 18 Đỗ Nhuận, P. Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Nhà hàng này nằm ở ngay trục đường chính nên rất dễ tìm, thực đơn ở đây chủ yếu là các món ăn về dê như: dê áp chảo, dê nướng, dê tái chanh...Chi phí mỗi người tầm 100.000 đồng.
Bún đậu mắm thằng Mõ
Địa chỉ: 136/401 Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Quán bún đậu mắm tôm Thằng Mõ nằm ở 136/401 Xuân Đỉnh với không gian đậm chất dân dã, những mẹt bún đầy ắp, dậy mùi thơm phức, là một trong những quán ăn ngon tại Xuân Đỉnh. Món bún đậu ở đây được bày cả ra một mẹt, với bún lá cùng mùi thơm của đậu rán giòn, chả cốm chiên, thịt ba chỉ, chân giò... Ở đây còn có món lẩu, đặc biệt là lẩu ếch cũng rất đáng để thưởng thức.
Ngoài ra, bạn có thể ghé qua bún ốc cô Dân, hay lẩu riêu cua Nana Quán...cũng là một trong những quán ăn ngon ở làng Xuân Đỉnh.
Đền thờ Thánh Gióng. (Ảnh: minzyy)
Từ làng nghề Xuân Đỉnh, bạn có thể
Hành hương ở đền Sóc - Một trong những di tích được xếp hạng quốc gia. Đền thờ Thánh Gióng rất linh thiêng. Lễ hội Đền Sóc diễn ra vào mùng sáu tháng giêng âm lịch hàng năm và hội lớn được tổ chức 5 năm một lần.
Ở Thôn Nhang - Xuân Đỉnh, còn có các di tích như Chùa Táo, Miếu Vũ, và Đền thờ Quận công Nguyễn Công Cơ.
Như Ý
Theo ĐSPL, Vietnammoi