Phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. (Nguồn ảnh: Google).
Ngày 3/3 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp bàn và thống nhất về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, ký ban hành 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.
6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700 ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000.
Những năm qua, có nhiều ý kiến cho rằng phần lớn do quy hoạch phân khu tại 4 quận nêu trên chưa được phê duyệt khiến các quận này phải chịu rất nhiều sức ép do đô thị hóa.
Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa phát triển theo kịp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh...
Việc phê duyệt phân khu nội đô lịch sử sẽ làm căn cứ để triển khai đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị cũng như bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô.
Dưới đây là một số hình ảnh phân khu nội đô lịch sử trước thời điểm công bố quy hoạch:
1. Quận Ba Đình
Theo Cổng giao tiếp điện tử UBND TP Hà Nội, năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành.
Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và ba xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây.
Thời kỳ này, Ba Đình được chia thành 50 khối; tháng 5/1968 sáp nhập thành 35 tiểu khu. Năm 1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình gồm 15 phường. Thực hiện Nghị định 69/CP ngày 28/10/1995, các phường: Bưởi, Thuỵ Khuê, Yên Phụ chuyển sang thuộc quận Tây Hồ.
Ngày 5/1/2005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới các phường: Ngọc Hà, Cống Vị, Ngọc Khánh và thành lập thêm hai phường mới là Liễu Giai và Vĩnh Phúc.
2. Quận Đống Đa
Ngày 20/4/1961, Quốc hội khóa II kỳ họp thứ 2 phê chuẩn việc mở rộng Thành phố Hà Nội. Ngày 31/5/1961, Chính phủ ra Quyết định 78/CP chia Hà Nội thành 4 khu phố và 4 huyện, Đống Đa được nhập thêm một số làng xã của huyện Thanh Trì (như Kim Liên, Phương Liệt) với diện tích 11,75 km2, trở thành khu phố rộng nhất của nội thành, dân số 92.100 người.
Ngày 21/12/1974, HĐND Thành phố quyết định thành lập các tiểu khu. Đống Đa gồm 48 tiểu khu, trong đó có tiểu khu Yên Lãng từ huyện Từ Liêm về.
Tháng 12/1978, HĐND Thành phố quyết định sắp xếp lại các tiểu khu. Đống Đa còn 28 tiểu khu, đến năm 1980 số tiểu khu chỉ còn 24.
Sau kỳ họp khóa 8 HĐND bàn việc phân cấp quản lý, ngày 10/6/1981 cấp hành chính khu phố đổi là quận, tiểu khu chuyển thành phường; theo đó quận Đống Đa có 24 phường.
Ngày 13/7/1982, kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố khóa 8 đề nghị Quốc hội phê chuẩn lập hai phường mới là Kim Giang và Thanh Xuân Bắc. Đến đây, quận Đống Đa gồm 26 phường với số dân là 344.558 người, nằm trên diện tích gần 16km2.
Thực hiện Nghị định số 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ về việc thành lập quận Thanh Xuân, theo đó quận Đống Đa chuyển 5 phường về quận Thanh Xuân. Lúc này quận Đống Đa có 21 phường và được duy trì đến nay.
3. Quận Hai Bà Trưng
Tháng 6/1981, khu Hai Bà Trưng chính thức gọi là quận Hai Bà Trưng gồm 22 phường: Nguyễn Du, Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đống Mác, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Bạch Mai, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định, Đồng Tâm, Giáp Bát, Tương Mai.
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-HĐBT, thành lập phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng trên cơ sở điều chỉnh diện tích và nhân khẩu của thôn Mai Động và xóm Mơ Táo của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 23 phường.
Ngày 14/3/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 42-HĐBT, thành lập thêm phường Tân Mai trên cơ sở tách từ phường Giáp Bát. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 24 phường.
Tháng 10/1990, xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì được sáp nhập vào quận Hai Bà Trưng và đổi thành phường Hoàng Văn Thụ. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 25 phường.
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ (quận Hai Bà Trưng) về thuộc Quận Hoàng Mai quản lý. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng còn 20 phường.
4. Quận Hoàn Kiếm
Từ năm 1886, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ được hoạch định trước.
Đây là một giai đoạn phát triển mới, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc Pháp.
Từ năm 1955, đặc biệt là sau năm 1975, việc xây dựng phát triển của quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh ra phía ngoài đê, các khu nhà ở tập thể của các cơ quan được hình thành.
Do sự hình thành các khu vực theo từng giai đoạn như vậy, quận Hoàn Kiếm được phân rất rõ ràng với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử:
Khu phố cổ gồm các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân và một phần của hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bông. Các công trình chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao, đường giao thông nhỏ và ngắn.
Khu phố cũ gồm các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Bài. Nhiều loại công trình hình thức kiến trúc đẹp: nhà ở biệt thự, công sở, nhà hát, cửa hàng, khách sạn, bảo tàng, thư viện...
Khu ngoài đê gồm hai phường Phúc Tân và Chương Dương, công trình chủ yếu là nhà ở của dân lao động, xây dựng manh mún, chắp vá, không có quy hoạch.
Video Toàn cảnh phân khu nội đô lịch sử trước giờ công bố quy hoạch.
Hạ Vũ
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết