Hàng tá nguy cơ từ đam mê, từ tình cảm…khiến việc tập trung ôn luyện của teen bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng tá nguy cơ từ đam mê, từ tình cảm…khiến việc tập trung ôn luyện của teen bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mê bóng đá, xao nhãng bài vở
Là fan ruột của môn thể thao vua, khi Word cup 2010 diễn ra, Tiến Thành (sinh viên năm nhất ĐH Luật Hà Nội) thức trọn nhiều đêm để xem bóng, dù trùng vào đợt ôn thi nước rút. Kết quả là “sau những đêm thức trắng, mình rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nếu ngủ bù vào ban ngày thì không có thời gian ôn thi, mà không ngủ thì mệt mỏi, bơ phờ, học cũng không vào nổi” - Thành ngán ngẩm kể lại.
Cậu bạn cũng cho biết thêm, đã lên giây cót tinh thần để ôn bài chăm chỉ, thế nhưng “không khí bóng đá sôi động khiến mình không tài nào tập trung được, nhất là lúc nửa đêm, đang ngồi học thì tiếng la hét, những tràng pháo tay cổ vũ từ xung quanh cứ dội vào tai, làm mình chỉ muốn bỏ cả bài vở để chạy ra ngoài”.
Một số teen khác còn ngụy biện cho niềm đam mê không đúng lúc của mình rằng: “Xem bóng đá là cách để giải tỏa stress khi ôn luyện”, thậm chí hùng hồn tuyên bố: “Thi ĐH thì năm nào cũng thi được, nhưng Wordcup hay Euro thì 4 năm mới có một lần”?!
Hoàng Hải (cựu học sinh THPT Nguyễn Thị Định) lại bỏ phí khoảng thời gian ôn thi quý báu để “đốt” vào game online. “Cứ mỗi khi ngồi chơi là không tài nào dứt ra được. Có khi mất vài giờ đồng hồ, thậm chí là cả buổi”. Thế nên, bài vở chồng chất, mà đầu óc cậu chỉ chăm chăm nghĩ đến mấy trò đang "chiến đấu" dở dang.
Sa đà yêu đương
Kỳ thi ĐH cận kề, Thu Phương (Nam Định) lại vô tình cảm nắng anh gia sư môn Tiếng Anh của mình. Lần đầu “rung rinh”, cô bạn mải miết với những cảm xúc nhớ nhung, giận dỗi…của “mối tình đầu” mà quên bẵng rằng mình sắp phải... vượt vũ môn.
“Mẹ mình phát hiện mình và anh ý thích nhau, đã cấm anh không được qua lại với mình nữa làm mình khóc hết nước mắt. Anh cũng khuyên mình nên tập trung ôn thi nhưng những khi xa anh là mình lại chẳng còn tâm trí đâu mà học hành” – Phương thành thật.
Và kết quả là…
Tiến Thành đã đánh mất “tấm vé” vào trường đại học mơ ước năm ấy, phải ngậm ngùi thi lại vào năm sau. Hoàng Hải cũng không khá khẩm với tổng điểm 3 môn dưới cả mức điểm sàn. Thu Phương thiếu tận 2 điểm để đỗ NV1 – một kết quả không ai ngờ vì 12 năm liền Phương luôn có thành tích học tập "khủng".
Ai cũng hiểu rằng thi đại học là kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người. Bởi vậy, liệu có đáng không khi teen đánh đổi 12 năm ăn học chỉ vì những đam mê nhất thời, những tình cảm bột phát. Hãy biết điều gì là quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại bạn nhé.
Ngọc Lan