Tại Hội thi trăm món gỏi Việt Nam trong khuôn khổ liên hoan Món ngon các nước lần 6 năm 2011, không những thực khách mà cả ban giám khảo đều ngạc nhiên với 105 món gỏi lạ hội tụ về từ khắp đất nước. Hội thi cũng là dịp xác lập kỷ lục có nhiều món gỏi nhất từ trước đến nay.
Tại Hội thi trăm món gỏi Việt Nam trong khuôn khổ liên hoan Món ngon các nước lần 6 năm 2011, không những thực khách mà cả ban giám khảo đều ngạc nhiên với 105 món gỏi lạ hội tụ về từ khắp đất nước. Hội thi cũng là dịp xác lập kỷ lục có nhiều món gỏi nhất từ trước đến nay.
Gỏi bảy vị.
Như một nghệ thuật làm gỏi
Gỏi đậu đũa trông khá lạ và bắt mắt vì màu xanh um của đậu xen lẫn màu đỏ tươi của con tôm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Phú, người chế biến món này, cái khéo của món gỏi là làm sao chẻ cọng đậu đũa không bị đứt, “sau đó trụng từ từ để đậu đũa dẻo, dai và xanh”. Món này có cả gừng mang tính ấm giúp cân bằng tính hàn của gỏi, nguyên liệu để trộn gỏi còn có tôm, sứa…Đây là món gỏi dành cho những bữa tiệc long trọng như cưới hỏi, liên hoan. Điểm nhấn đặc biệt của gỏi đậu đũa là chấm với tương đen hoà với hạt điều xay nhuyễn và nước cốt dừa. Vị béo của hạt điều và nước cốt dừa giúp cho gỏi trở nên đa vị, độc đáo. Ngoài ra, bà Phú còn mang đến cuộc thi loại gỏi dân dã là gỏi rau chạy cá rô mề và món gỏi bạc hà tươi tắn, xanh nõn nhờ bí quyết bóp muối để bạc hà không gây ngứa mà vẫn giữ được độ giòn xốp.
Gỏi bí đao cá trèn của anh Nguyễn Văn Giai đến từ Biên Hoà khá độc đáo. Món gỏi này đã đoạt một trong số 14 huy chương vàng tại cuộc thi. Theo anh Giai, bí đao có tác dụng giải độc, giải nhiệt, giảm béo và thanh mát nhẹ nhàng. Con cá trèn ngon ngọt do sống trong tự nhiên. Bí quyết của món gỏi này là không được trộn giấm vì bí đao sẽ úa vàng khi gặp vị chua. Ngoài ra, bí đao phải ngâm nước đá cho giòn.
Món gỏi đạt huy chương vàng tại hội thi: gỏi bí đao.
Những món lạ và độc đáo
Chị Trần Thị Hồng Loan ở Tiền Giang mang đến hội thi hai món gỏi quê nhà là gỏi bông so đũa và gỏi ốc lác hoa chuối. Bông so đũa thường được nấu canh, nay được trộn gỏi vẫn giữ được vị nhẩn nhẹ nhàng; bông trụng sơ để cuống còn xanh và có độ giòn. Còn món gỏi ốc lác hoa chuối là món ăn mẹ chị Loan thường hay làm. Linh hồn của món này là độ giòn, ngọt của con ốc lác tạo nên cảm giác tương phản với hoa chuối mềm, chát.
Món gỏi Song Hoa của chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh đến từ trường trung cấp Âu Việt có sự phối hợp nguyên liệu khá lạ là dùng các loại hoa để làm gỏi. Chị Oanh đã khéo léo tận dụng vị ngọt, độ giòn và mùi thơm của hoa lan denro trắng và tím. Bổ sung cho các vị của hoa lan là vị chua nhẹ và chát của hoa hồng đỏ, vàng, trắng. Hai loại hoa này trộn với thịt gà ta xé sợi, hành tây, càrốt, đậu phộng, cơm dừa sấy khô… Chị Oanh cho biết: “Sự kết hợp giữa hoa hồng và hoa lan giống như kết hợp của chuối chát và rau thơm giúp cho món gỏi hài hoà, tinh tế”.
Ngoài ra, tại cuộc thi còn có các món gỏi lạ, độc đáo khác như gỏi bảy vị, gỏi trứng, gỏi ổi, gỏi xương rồng, cuốn gỏi tôm giòn, gỏi nham cua, gỏi thuỷ tinh, gỏi nấm linh chi, gỏi cá thác lác cải bẹ xanh, gỏi khoai môn hải sản, gỏi bồn bồn vịt quay, gỏi lục bình… thật muôn sắc, muôn vị. Bà Bùi Thị Sương, thành viên ban giám khảo, cho biết, các món gỏi thông thường chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu động vật quen thuộc như tôm, thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, khô… “Sự đa dạng của các loại rau củ quả chính là điểm nhấn tạo nên sự mới lạ cho các món gỏi. Ngoài ra, nguyên liệu sử dụng chế biến nước chấm, nước xốt cũng góp phần tạo nên hương vị mới mẻ, hấp dẫn cho món gỏi như chanh dây, sả, me…”, bà Sương nói.
Quang Tâm – Minh Cúc
Theo Sai gon tiep thi