Dọc theo tuyến sông Hồng thuộc địa bàn của hai phường Thanh Trì và Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) mọc lên hàng loạt trạm trộn bê tông thương phẩm và bến bãi tập kết, cát sỏi, vật liệu xây dựng (VLXD) có dấu hiệu hoạt động không phép lấn chiếm đê điều, hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm…
Hoạt động gây ô nhiễm, đường xá xuống cấp
Theo phản ánh của người dân tại hai phường Thanh Trì và phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), thời gian qua, trạm trộn bê tông Việt Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Việt Đức và trạm trộn bê tông Việt Hàn, trạm trộn bê tông A&P thuộc Xí nghiệp bê tông 1 A&P Thanh Trì…, cùng với hoạt động kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) gây ô nhiễm môi trường và lấn chiếm hệ thống đất đê điều, hành lang thoát lũ… nhưng chưa được xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không có đầy đủ giấy tờ pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, phá nát đường giao thông… khiến cho người dân nơi đây hết sức bức xúc và bất bình với chính quyền sở tại.
Anh T.V.B (người dân sinh sống tại phường Thanh Trì) cho biết: “Ngày nào, dân chúng tôi cũng chứng kiến tiếng động cơ xe bồn, xe tải… gầm rú từ mờ sáng đến đêm khuya khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Đã thế, đường bê tông ở đây nay đã xuống cấp nghiêm trọng, bụi bẩn, mặt đường bao năm nay đã bị cày nát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi lại qua đây… nhưng các xe bồn chở bê tông thương phẩm, cùng các xe quá khổ, quá trọng tải cho phép vẫn thường qua lại khiến ai cũng lo sợ bị xe tải cán”.
Theo ghi nhận, dọc theo những tuyến đường bãi cát Lĩnh Nam và tuyến đường xóm bãi phường Thanh Trì thuộc địa bàn của hai phường Lĩnh Nam và Thanh Trì hướng ra phía ngoài bãi sông Hồng rất ô nhiễm, hai bên đường được phủ kín một màu trắng, lòng đường cát, sỏi vương đầy đường, nhiều xe trọng tải lớn đang di chuyển rất nhộn nhịp…
Trong khi đó, trạm trộn bê tông Việt Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Việt Đức và Trạm trộn bê tông Việt Hàn được đặt trên một diện tích đất hàng nghìn mét vuông và được trang bị nhiều máy móc hiện đại với công suất lớn nằm trên khu đất ven sông Hồng.
Cùng với đó, xuất hiện nhiều bến bãi tập kết, cát sỏi, vật liệu xây dựng những bến bãi này nằm san sát dài cả cây số với những bãi cát, sỏi được chất cao ra tận mép sông Hồng, tại đây, mỗi bến bãi như một đại công trường với các máy xúc cát sỏi, băng chuyền đang hoạt động rầm rộ.
Đặc biệt, trạm trộn bê tông A&P của Xí nghiệp bê tông 1 A&P Thanh Trì (tại tổ 21 xóm Bãi, phường Thanh Trì) được xây dựng nhiều hạng mục kiên cố, nhiều phế thải tràn lan, thậm chí nước chảy ra cả lòng đường gây ô nhiễm, xung quanh nhiều hộ dân sinh sống và có cả nhà hàng “Chung Phương quán” đang kinh doanh ngay cạnh trạm trộn.
Hiện tại các trạm trộn bê tông đều không có giấy phép
Trao đổi với phóng viên, ngày 11/9/2019, ông Dương Văn Hòa – Chủ tịch UBND phường Thanh Trì cho biết: “Các trạm trộn bê tông hiện nay là tình trạng chung của tuyến sông Hồng, trên địa bàn phường Thanh Trì có 4 trạm trộn bê tông thì có 1 trạm đã được tháo dỡ, hiện tại còn 3 trạm là Thành An; A&P; Việt Hàn. Trạm trộn bê tông Thành An là của đơn vị quân đội thì đều có đầy đủ về giấy tờ đất đai, giấy tờ chứng nhận nhưng tới thời điểm hiện tại giấy phép hoạt động đã hết hạn và đang xin cấp phép lại nhưng chưa được các cơ quan chấp thuận. Tất cả các trạm trộn bê tông trên địa bàn phường hiện tại đều không có giấy phép”.
“Trạm trộn A&P trước là được cấp phép để làm cầu Thanh Trì của 1 công ty khác hoạt động và giai đoạn năm (2001 - 2002) sau đó bán lại cho A&P hoạt động tới bây giờ, trạm bê tông đó khởi điểm ban đầu là có giấy phép sau này xin ra giấy phép thì không có.
Còn trạm bê tông Việt Hàn hiện nay cũng chưa có giấy phép nhưng những trạm trộn này đến nay vẫn hoạt động bình thường chủ yếu vào ban đêm. Nhưng khó nỗi, nếu là ban ngày thì phường còn kiểm tra được, chứ đêm thì rất khó và vấn đề trên phía phường cũng đã ý kiến rất nhiều nhưng không được, thực tế nếu muốn để các trạm trộn này tự tháo dỡ giờ chỉ có phương án tối ưu nhất là chỉ có ngừng cấp điện thì không có máy phát nào chạy được vì trạm trộn hoạt động công suất rất lớn. Thực tế, đây là một bài toán khó giải để thực hiện được triệt để” – ông Hòa nói.
Phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến các hoạt động của trạm trộn bê tông Việt Hàn, Thành An, A&P cùng với giấy phép về các điểm tập kết VLXD tuy nhiên, ông Hòa từ chối cung cấp.
Như vậy, có thể thấy những phản ánh của người dân về tình trạng bến bãi tập kết VLXD, các trạm trộn bê tông hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đê điều và hành lang thoát lũ sông Hồng là đúng. Không những vậy, việc để tồn tại những trạm bê tông, điểm tập kết VLXD nằm sát chân đê như vậy còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Hơn bao giờ hết, người dân mong muốn UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai sớm vào cuộc kiểm tra, xử lí những vi phạm đang tồn tại…
Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Phi Long
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng