Ngày 24/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo: "Việt Nam - Kỹ năng quản lý trong kỷ nguyên mới vì sự thịnh vượng, văn minh", nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các mô hình quản lý tiên tiến và ứng dụng công nghệ AI.
Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược này là đưa nước ta trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố then chốt trong thời đại công nghệ, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý doanh nghiệp hiệu quả, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biển khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: "Là một tổ chức đại diện cấp quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn thấu hiểu và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Hội thảo với chủ đề 'Việt Nam - Kỹ năng quản lý trong kỷ nguyên mới vì sự thịnh vượng và văn minh' được kỳ vọng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận các giải pháp quản lý phù hợp với kỷ nguyên mới".
Theo số liệu khảo sát được TS. Tô Hoài Nam đưa ra tại Hội thảo, AI được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, đặc biệt như chăm sóc khách hàng chiếm 56%, an ninh mạng và quản trị gian lận chiếm 51%, trợ lý kỹ thuật số cá nhân chiếm 47%, quản trị quan hệ khách hàng chiếm 46% và khi khảo sát 10 ngàn người tại 13 quốc gia thì có đến 53% người dùng tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ lập kế hoạch tài chính. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế và quản lý đô thị thông minh.
Ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương
Cũng tại Hội thảo, ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ: “Với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, GDP bình quân phải đạt 22.000 USD/người, bây giờ chúng ta mới phấn đấu đạt khoảng 4.900 USD/người vào năm 2025. Vậy nên, để trở thành nước phát triển, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để bước vào kỷ nguyên mới có rất nhiều điều cần phải làm, trong đó chúng ta phải cần đến sức mạnh của công nghệ để làm bàn đạp phát triển. Khoa học công nghệ không thể phát triển bằng cách cũ được, mà cần phải có những bước cải tiến mạnh mẽ”.
“Đất nước muốn phát triển có nhiều yếu tố, trong đó doanh nghiệp là một thành tố không thể thiếu được, vì doanh nghiệp tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước. Hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta hiện đang rất phát triển và có sự liên kết mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là thời đại AI, yêu cầu đặt ra là phải thích nghi với công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm năng suất lao động và hiệu quả đầu tư còn thấp. Nếu không có sự đổi mới trong quản lý và ứng dụng AI, khả năng vươn lên và phát triển sẽ bị hạn chế”, ông Phạm Văn Linh nhận xét.
Quang cảnh buổi hội thảo
Để tận dụng tốt công nghệ của trí tuệ nhân tạo, kỹ năng quản lý, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, cần phải thay đổi nhiều mặt. Cụ thể, các nhà quản lý doanh nghiệp hiện nay không chỉ cần có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp theo phương thức truyền thống mà còn cần hiểu biết về dữ liệu và khả năng phân tích; Tư duy sáng tạo và khả năng đổi mới. Kèm với đó là kỹ năng xây dựng đội ngũ đa ngành, phối hợp giữa chuyên gia công nghệ và các lĩnh vực khác.
Công nghệ có sức mạnh lớn, nhưng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở con người. Do đó, cần sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, đảm bảo rằng, sự phát triển công nghệ không làm mất đi giá trị nhân văn, mà ngược lại, phải nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho con người và đóng góp cho sự văn minh của xã hội.
Hoàng Nhung/Theo KTĐU