Loại tội phạm mang tính cơ hội này gây án chủ yếu dựa vào sơ hở của người đi đường, không cứ thời tiết nóng hay lạnh; nhưng theo quy luật, khi thời tiết chớm nóng, những dây chuyền, khuyên tai, điện thoại, túi xách…
Loại tội phạm mang tính cơ hội này gây án chủ yếu dựa vào sơ hở của người đi đường, không cứ thời tiết nóng hay lạnh; nhưng theo quy luật, khi thời tiết chớm nóng, những dây chuyền, khuyên tai, điện thoại, túi xách…của chị em phụ nữ thường dễ “lộ” ra nhất. Và đây cũng là lúc tội phạm cướp giật rộ lên.
Hiện trường vụ tai nạn do đuổi theo đối tượng cướp giật
Đeo bám sát, cướp bằng được
So với TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, hoạt động của tội phạm cướp giật ở Hà Nội không “nóng” bằng, nhưng lại tiềm ẩn phức tạp của loại tội phạm cơ hội này. Bằng chứng: những ổ nhóm, đối tượng cướp giật khi bị bắt, qua quá trình đấu tranh đều khai nhận đã gây án trót lọt hàng chục vụ. Tiếp nữa, theo chỉ huy Đội Chống cướp, cướp giật – Phòng CSHS CATP Hà Nội, đối tượng cướp giật thường có nhiều tiền án, tiền sự, hoặc nghiện ma túy, nên khi tiến hành các phi vụ cướp giật, rất ít khi chúng chịu về tay trắng(!).
Điện thoại di động, túi xách, dây chuyền, khuyên tai… là những mục tiêu chính mà tội phạm cướp giật nhắm đến, đối với cả người đi xe máy, xe đạp lẫn đi bộ. Đối tượng gây án từ 1 đến 2 tên, cũng có trường hợp có sự tham gia của kẻ thứ 3, đi xe máy bám theo mục đích để cản đường, thậm chí tấn công người dân, trong trường hợp bị truy đuổi. Đặc điểm của tội phạm cướp giật là hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn, chuyên các tuyến quốc lộ, hoặc vào tận các phố trong nội thành để “săn mồi”, tìm cơ hội thuận lợi gây án. Lời khai của Nguyễn Thành Vĩnh, 20 tuổi, quê Nghệ An; và Phạm Văn Hiếu, 28 tuổi, trú ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội (hiện đang bị CQĐT CAQ Hai Bà Trưng tạm giam), đã hé lộ khá rõ thủ đoạn của tội phạm cướp giật. Chúng sử dụng xe máy đeo biển kiểm soát giả, cứ tầm trưa hoặc xẩm tối là “lên đường”.
Thủ theo khẩu súng chạc bắn bi ve để sẵn sàng bắn người dân nếu bị truy đuổi, Hiếu và Vĩnh di chuyển khắp các địa bàn Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân; và trong vòng 1 tháng, chúng đã thực hiện trót lọt 12 vụ cướp giật điện thoại, túi xách. Buổi trưa, 2 kẻ cướp giật này chọn cổng trường học hay các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng để “săn” chị em phụ nữ có đồ trang sức quý giá. Tối đến, chúng tìm đến những con phố buôn bán sầm uất trong nội thành, kiếm “mồi”. Có vụ, chúng đeo bám “con mồi” gần 2 cây số mới ra tay.
Một nhóm cướp giật khác sa lưới cơ quan công an mới đây gồm Nguyễn Văn Lương (SN 1993, có 1 tiền án) và Phạm Tiến Luật (SN 1991), cùng quê Mỹ Hào, Hưng Yên. Luật và Lương chọn đường 5, nối dài với các địa bàn Long Biên, Gia Lâm, Hưng Yên lên đến tận Hải Dương để gây án. Cứ vài ba ngày chúng lại đảo địa bàn, và không cứ chị em phụ nữ mới ra tay. Phi vụ khiến Luật và Lương sa lưới là hôm chúng cướp giật túi xách đeo trên vai của 1 cô gái ngồi sau xe máy do bạn trai đèo, ở gần lối rẽ vào khu đô thị Đặng Xá.
Thấy ngon ăn, 2 kẻ cướp giật bám theo đôi trai gái suốt từ địa giới Hưng Yên về đến Gia Lâm mới gây án. Tuy nhiên, bị hại đã tăng tốc đuổi theo, và được sự hỗ trợ của người đi đường, tóm được Nguyễn Văn Lương. Trốn chui lủi hơn 1 tháng, biết không thoát, Luật đến CAH Gia Lâm đầu thú, khai nhận cùng đồng bọn thực hiện 25 vụ cướp giật trên tuyến đường 5.
Tội phạm cướp giật đã mò vào những khu dân cư “ngõ cụt” như thế này
Biến tướng nguy hiểm
“Khi thực hiện hành vi cướp giật, tội phạm có thể ở giữa ranh giới của tội cướp và cướp giật. Chúng bất chấp thủ đoạn, bất chấp hậu quả, miễn là đạt được ý đồ”, trinh sát Phòng CSHS nhìn nhận. Vụ việc nghiêm trọng hồi cuối năm 2012 xảy ra tại địa bàn TP Hồ Chí Minh; một nhóm 4, 5 đối tượng chia hai tốp đã chặt tay 1 cô gái đi xe máy SH, mục đích lấy xe. Do không nổ được máy, nhóm đi trước bỏ chạy, lập tức nhóm đi phía sau trờ tới, giật luôn chiếc túi xách của bị hại. Tại Hà Nội cách đây không lâu, trên cầu Vĩnh Tuy, thanh niên tên Tuấn, nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, đi xe máy một mình hướng vào nội thành, vào lúc 17h, bất ngờ bị 2 đối tượng đi xe máy cùng chiều, đạp đổ xe máy, lấy túi xách bên trong có máy tính xách tay, tiền, giấy tờ. Nạn nhân Tuấn sau đó nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não. Hệ lụy của tội phạm cướp giật còn ghi nhận nhiều nạn nhân, người dân bị chấn thương, thậm chí mất mạng, do quá trình truy đuổi hoặc bị đối tượng đạp đổ phương tiện. Có người còn bị kẻ cướp ném ớt bột, hay dùng dao đe dọa, tấn công.
Vẫn tại địa bàn Hà Nội, mới đây cơ quan chức năng ghi nhận 2 vụ cướp giật với thủ đoạn mới, là đối tượng lẻn vào tận nhà dân, phát hiện và tiếp cận bị hại là trẻ em để ra tay. Cả 2 vụ cướp giật máy tính xách tay, máy Ipad này xảy ra trong những khu dân cư đông đúc ở quận Hai Bà Trưng. Theo CQĐT, mục đích ban đầu của các đối tượng là đi tăm tia để trộm cắp. Vì vậy, chúng mò vào những con ngõ gần đường, phố, tìm sơ hở ở những gia đình có điều kiện khá giả. Thời gian gây án không quá 1 phút, ngay sau đó, đối tượng lên xe máy bỏ chạy do đồng bọn bên ngoài chờ sẵn. Trong 2 vụ cướp giật với thủ đoạn mới, táo tợn này, vụ việc xảy ra ở địa bàn phường Vĩnh Tuy liều lĩnh hơn cả. Vị trí cháu bé 2 tuổi bị giật Ipad chỉ cách nơi bà và mẹ cháu bé 1 bức tường ngăn phòng khách và khu bếp. Nghe tiếng cháu bé khóc, người lớn chạy ra nhưng không kịp. Khi hỏi hàng xóm, nhận dạng duy nhất chỉ là : “Có 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm vừa đi xe máy phóng vọt ra đường Kim Ngưu”…
(Còn nữa)
Hoàng Quân
theo ANTĐ